Album thứ 2 của ngôi sao Lady Gaga (Mỹ) Born this way dự kiến tung ra thị trường vào ngày 23.5.2011. Trước đó, lời ca khúc Born this way được phát hành thông qua internet trên trang Twitter chính thức của Lady Gaga. Theo đánh giá của Công ty Nielsen SoundScan, ca khúc này được tải qua mạng hơn 182.000 lượt có trả tiền khi vừa phát hành ngày đầu tiên trên mạng vào đầu tháng 3.2011. So với đĩa đơn Born this way phát hành ngày 11.2.2011, bán được 24.000 đĩa trong tuần đầu phát hành, đủ thấy doanh thu vượt trội khi bán ca khúc hit này qua internet.
Katy Perry trình làng album thứ 3 Teenage dream vào ngày 24.8.2010, sau đó phát hành lên internet vào tuần cuối cùng của tháng 11.2010 nhanh chóng bán được 214.000 lượt tải qua mạng. Sê-ri phim ca nhạc hài kịch Glee của kênh truyền hình Fox (Mỹ) cũng thành công không kém về doanh thu các ca khúc trong phim khi bán được 21 triệu lượt tải qua mạng và 9 triệu album. Riêng 5 tập đầu của Glee, các nhà sản xuất chương trình bán đến 712.000 lượt tải qua mạng internet (theo Hot Digital Songs).
|
Trang Hot Digital Songs của Billboard (Mỹ) còn đưa danh sách top 5 ca khúc được nhiều lượt khán giả trả tiền tải từ internet xuống trong tuần phát hành đầu. Bài Right round của rapper Mỹ Flo Rida bán được trên mạng đến 636.000 lượt. Tiếp theo là Tik Tok của Kesha 610.000 lượt, Grenade của Bruno Mars 559.000 lượt, Firework của Katy Perry và Born this way của Lady Gaga cùng đạt khoảng 509.000 lượt.
Giữ vị trí quán quân trên bảng xếp hạng nhạc số của Hot Digital Songs là Flo Rida với ca khúc T-Pain “low” đứng hạng 1 suốt 13 tuần liền trong năm 2007 và 2008. Xếp lần lượt sau đó là Boom Boom Pow và I gotta feeling của nhóm Black Eyed Peas với 9 tuần ở vị trí số 1. Đồng thời hạn 9 tuần ở thứ hạng đầu còn có Hollaback girl của Gwen Stefani, Gold digger của Kanye West và Jamie Foxx.
Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) Frances Moore , đến 95% lượt tải nhạc số trên internet không trả tác quyền dù doanh số nhạc trên mạng năm 2010 đạt hơn 4,6 tỉ USD, tăng 6% so với 2009. Theo IFPI, nhạc số chiếm gần 30% tổng doanh thu của ngành công nghiệp ghi âm thế giới, riêng tại Mỹ doanh thu nhạc số đạt 50%. Do đó kênh truyền hình MTV nổi tiếng với các giải thưởng Video Music Awards, Movie Awards, European Music Awards còn dự kiến trao thêm giải dành cho nhạc trực tuyến qua mạng xã hội, mobile và các dịch vụ internet vào năm 2011.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), tổng số tiền thu tác quyền từ nhạc online ở các website, nhạc chuông, nhạc chờ trên điện thoại di động, thiết bị cầm tay trong năm 2010 đạt 12,23 tỉ đồng, chiếm gần 1/3 tổng số thu tác quyền âm nhạc của VCPMC (hơn 32 tỉ đồng). Nếu so với 23 tỉ đồng tổng thu tác quyền âm nhạc, trong đó nhạc online chỉ đạt hơn 7 tỉ đồng trong năm 2009, thì rõ ràng doanh thu nhạc số đang tăng đáng kể tại VN. |
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)