Săn chuột đồng

03/05/2011 08:09 GMT+7

(TNTS) Vẫn như nhiều năm trước, cứ đến vụ mùa là cuộc chiến giữa người nông dân và… đàn chuột tiếp diễn. Không phải lúc nào người cũng thắng chuột, vụ đông xuân vừa qua nhà nông Vĩnh Long đã phải điêu đứng với dịch chuột. Chuột hoành hành dữ dội, cắn phá lúa non, khiến hoa mầu nhiều nơi ngã rạp...

Nóng lòng cứu lúa, nhà nông dùng tất cả mọi cách có thể để tiêu diệt đàn chuột cắn phá hoa mầu nhưng làm không xuể. Dùng bẫy mồi bắt được vài con thì chúng đã cảnh giác, cặm bẹo trên bờ ruộng cho phát ra tiếng động khiến lũ chuột sợ nhưng cũng chỉ được vài hôm.  Trước ám ảnh "giặc chuột", nhà nông Vĩnh Long đã "ra quân" diệt chuột trước khi đồng loạt sạ vụ hè thu.

 
Bắt sống một con chuột

"Cuộc Chiến" người - chuột

Cuối tháng 3.2011, chúng tôi theo những nông dân xã Long Phước, huyện Long Hồ ra đồng mục kích cuộc chiến giữa người và chuột. Thực chất, người nông dân ở đây đang quay trở về cách diệt chuột có từ cách đây hàng… ngàn năm: trực tiếp đuổi giết chuột. Trên cánh đồng trống, lố nhố tiếng người hò hét, tiếng chuột kêu lít chít chạy thục mạng phóng xuống mương, xuống hang… Sau một hồi quần thảo, lũ chuột bị gí chui rúc trong các hang hóc co rúm chờ chết. Bất chợt mưa giông nổi lên, trời đất tối sầm và lũ chuột… thoát.

Chuột con này chừng 20 ngày nữa là bắt ổ đẻ. Một con chuột cái đẻ được từ 7 đến 10 chuột con, đẻ xong 3 ngày chúng lại chịu đực chuẩn bị cho bầy tiếp theo. Chúng sinh sôi như… rươi, bầy bầy cỡ đó  cắn phá ruộng lúa nào chịu thấu?

Bảy Chánh, nông dân xã Long An, huyện Long Hồ, Vĩnh Long

Hôm sau, chúng tôi lại có mặt ở xã Long An, huyện Long Hồ. Rạng sáng, trời lắc rắc mưa nhưng cánh nhà nông vẫn hội ý quyết tâm diệt chuột vì càng để lâu chúng càng sinh sôi phá hoại khủng khiếp. Nhà nông Sáu Bình, ấp An Lương A nói:  “Tui làm đồng mấy chục năm, nhưng chưa khi nào thấy chuột phá hoại dữ dội như vụ vừa qua". Ông Bình có 5 công ruộng bị lũ chuột quậy phá cắn tơi tả hết 1 công lúa. Chuột nhiều quá, ông Bình dùng đủ cách nhưng bắt thế nào cũng không hết, ăn chuột hoài riết thấy thịt chuột là ngán. Theo ông Bảy Chánh - nông dân ấp này - thì: Ở đây đã dùng đủ cách diệt chuột như đặt bả mồi, vô nước cho ruộng ngập… nhưng lũ chuột chỉ sợ vài ngày, rồi chúng lại tiếp tục phá hoại, cắn lúa nhiều hơn như để thách thức, trả đũa!

Chỉ cánh đồng bao la chưa sạ lúa, Bảy Chánh nói: "Vụ đông xuân ruộng lúa nơi đây đã gặt hết nên đồng trống trơn. Lũ chuột không còn chỗ kiếm ăn hay nơi ẩn náu, chúng rúc lên gò đất cao đào hang ẩn trốn, sinh con, cắn phá cây dại ăn đỡ đói. Thời điểm này tiêu diệt chuột rất dễ, còn khi gieo lúa xong, lúa lên đọt, diệt chuột rất khó vì chúng lẩn trốn vào ruộng, khó bắt lắm, rượt đuổi chúng thì đạp gãy nhánh lúa".

Nhóm Bảy Chánh khoảng 30 nhà nông cùng ấp kéo nhau ra đồng, vũ khí là thuổng, dao, len và cả chó săn, tiến về các gò cao, ụ đất mọc rậm rạp các loại cây hoang. Đoàn người tản mát ra thành nhiều nhóm săn chuột. Bảy Chánh lần quần quanh ụ đất rồi kêu to, chỉ một cái hang láng còn in vài vết cào xước như chân chim nói: "Hang này có, chuột to à nghe". Ngay lập tức nhóm Bảy Chánh chia ra 3 góc trấn giữ hang. Người đào hang, người giậm chân thình thịch, người la hét trấn ấp tinh thần lũ chuột. Những nhát dao sấn xuống lòng đất sâu dần, vụt, một bóng chuột lẹ làng nhảy bổ khỏi hang chui vào bụi rậm khác. Nhưng cũng nhanh như chớp, một bóng người thoáng theo cầm cây đập chan chát. Một tiếng bốp vang lên, con chuột kêu lích chích vài tiếng rồi nằm ngay đơ. Nhóm Bảy Chánh cầm chuột liếc sơ qua nói: "Đây là chuột nái, bầu vú đang căng vầy là sắp đẻ lứa nữa đa. Trong hang chắc chắn còn bầy chuột con khoảng 20 ngày tuổi". Nhóm Bảy Chánh tiếp tục đào bới theo các ngóc ngách tìm chuột con. Lũ chuột nhỏ tinh quái nằm thụt tận đáy hang im re, khi bị bắt chúng mới kêu la chí chóe, bò lổm ngổm, quáng quàng tìm chỗ trốn. Nhóm Bảy Chánh lẹ tay đập chết  từng con và đếm có khoảng 10 con chuột. Bảy Chánh cho biết: "Chuột con này chừng 20 ngày nữa là bắt ổ đẻ. Một con chuột cái đẻ được từ 7 đến 10 chuột con, đẻ xong 3 ngày chúng lại chịu đực chuẩn bị cho bầy tiếp theo. Chúng sinh sôi như... rươi, bầy bầy cỡ đó cắn phá ruộng lúa nào chịu thấu?".

 
Nhóm Bảy Chánh đào hang săn chuột

Nhóm Bảy Chánh tiếp tục săn chuột ở các ụ gò. Có hang bắt được chuột đực, có hang bắt được chuột mẹ và hai bầy chuột con… Bầy lớn bằng ngón chân cái nên lanh lẹ và hung dữ cắn trả lại khi có người bắt chúng, còn bầy nhỏ bằng ngón tay, răng mới nhú chưa bén, nên gặp người chỉ tìm cách nhủi trốn.

Để diệt chuột, người dân đã dùng nhiều cách, thậm chí dùng bẫy điện và đã bị Nhà nước cấm. Tháng 3.2011, tại xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, Vĩnh Long đã có một nạn nhân tử vong do ra đồng bị vướng bẫy điện chuột.

Theo ông Bảy Chánh, lúa vừa lên nhánh khoảng 30 ngày tuổi bị chuột cắn đứt, nếu phát hiện sớm cặm lại lúa vẫn sống được. Nhưng khi lúa trổ đòng chuột cắn nhánh lúa nào là bỏ nhánh đó. Lạ một điều, ngay thời điểm lúa trổ đòng chuột cắn phá dữ tợn nhất…

Giữa trưa, nhà nông từ các nơi kéo về với chiến lợi phẩm trên tay. Anh Nguyễn Nam Hải, Trạm trưởng Bảo vệ thực vật huyện Long Hồ, hồ hởi thông báo có hơn 100 con chuột bố mẹ và hàng trăm chuột con bị bắt. Để bảo vệ mùa màng, ngăn ngừa chuột phá lúa như vụ đông xuân, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long đã phát động chiến dịch "Toàn dân tham gia diệt chuột". Kết quả, sau đợt ra quân trong tháng 3 và 4 ở 7 huyện thành, nhà nông đã hợp sức tiêu diệt hàng ngàn con chuột. Tuy vậy, chuột vẫn còn nhiều và tiếp tục là nỗi ám ảnh truyền đời đối với nông dân.

 
Mấy cô gái trẻ cũng hăng hái ra đồng diệt chuột

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, vụ lúa đông xuân này có trên 5.600 ha lúa bị chuột phá hoại, thiệt hại rải đều ở các huyện, thành. Còn tính chung vựa lúa ĐBSCL, đã có hàng chục ngàn ha lúa bị thất thu do chuột cắn phá.

Đâu là giải pháp căn bản?

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cho biết: do năm rồi miền Tây không có lũ nên các cánh đồng không ngập nước, tạo điều kiện cho chuột đào hang sinh sôi nhanh. Năm nay, khô hạn hoành hành nên dự đoán một mùa lũ thấp tiếp nối kéo theo dịch chuột bùng phát, nếu người dân không đồng lòng hợp tác diệt chuột các đồng lúa sẽ rơi vào một mùa thất thu. Trước khi vận động người dân bắt chuột, chi cục đã khuyến cáo nhà nông không nên dùng điện và thuốc có độc tính cao nhằm tránh gây hại đến con người, động vật nuôi, tác hại môi trường. Chi cục khuyến khích người dân đào hang bắt chuột vì đầu vụ nông dân cho nước vào ruộng để làm đất, chuột tập trung về hang nên bắt được nguyên ổ chuột mẹ lẫn chuột con, làm giảm đáng kể mật độ chuột tại địa phương trong mùa. Từ kết quả khả quan của các đợt ra quân này, chi cục đã tiếp tục kêu gọi người dân tham gia chiến dịch diệt chuột trong suốt vụ hè thu 2011.

Rõ ràng là áp dụng những "chiêu thức" hiện đại với bẫy, thuốc độc, điện… để tấn công, tiêu diệt chuột với số lượng lớn thì lại "lợi bất cập hại". Cuối cùng, người nông dân đành phải quay về với phương pháp "chiến đấu" cũ đã được tổ tiên truyền lại. Cuộc chiến sinh tồn giữa người và chuột sẽ vẫn tiếp tục trên những cánh đồng lúa trĩu bông.

Bài & ảnh: Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.