Thêm nặng gánh vì giá sách giáo khoa

29/04/2011 23:44 GMT+7

Việc NXB Giáo dục công bố tăng giá sách giáo khoa (SGK) khiến không ít người băn khoăn, lo lắng trong bối cảnh đã có quá nhiều mặt hàng tăng giá.

 

 Thầy cô trường Tiểu học Phúc Đồng (Hương Khê, Hà Tĩnh) phơi SGK bị ướt sau trận lụt lịch sử tháng 10.2010 - Ảnh: B.D

Cần đưa SGK vào diện bình ổn

Giá SGK năm học 2011-2012

Theo bảng giá SGK năm 2011 mà NXB Giáo dục công bố, tất cả đầu sách đều tăng giá so với năm 2010. Tăng ít nhất là 400 đồng, nhiều nhất là 2.500 đồng/cuốn. Bộ rẻ nhất là SGK lớp 2 gồm 6 cuốn giá 45.300 đồng (giá cũ 38.900 đồng), bộ đắt nhất là SGK lớp 5 (9 cuốn) là 78.300 đồng (giá cũ 67.200 đồng). Cấp THCS, giá cao nhất là bộ SGK lớp 8 (13 cuốn) 124.200 đồng (giá cũ 105.500 đồng). Bộ đắt nhất so với tất cả các cấp học là sách lớp 12 chương trình chuẩn ngoại ngữ tiếng Anh gồm 13 cuốn giá 143.200 đồng (giá cũ 122.500 đồng). 

Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo T.Ư, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học VN và GS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đều nói: ở không ít nước, khi đã phổ cập giáo dục là SGK được Nhà nước phát miễn phí cho người học. Ở nước ta, nếu không làm được việc này thì cũng nên tính toán lại giá bán SGK cho phù hợp, tránh cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, người dân nghèo phải chịu thêm gánh nặng khi tất cả các mặt hàng thiết yếu đều tăng cao như hiện nay.

GS Văn Như Cương đề xuất: “Cũng giống như việc tăng giá điện thời gian vừa qua, không nên áp dụng một mức giá SGK tăng đồng loạt trên toàn quốc”. Ông giải thích thêm: “Mức tăng vài chục nghìn đồng có thể là bình thường với những gia đình khá giả, nhưng với phần đông gia đình khó khăn, khoản tiền này sẽ là gánh nặng. Do vậy, đối với khu vực thành thị thì áp dụng một mức giá khác; vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì thậm chí nên giảm giá bán. Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng được cấp phát SGK miễn phí, được mượn SGK để sử dụng hơn”.

GS Phạm Tất Dong cho rằng, Nhà nước cần có một chiến lược về giá SGK, coi đây là một trong những mặt hàng thiết yếu cần được bình ổn giá. Đồng tình quan điểm trên, theo GS Cương nói: “Cần giữ mức giá ổn định trong vòng bao nhiêu năm. Nếu thực sự NXB lỗ ở một thời điểm nào đó thì Nhà nước cần có chính sách bù lỗ cho NXB”.

Lời hay lỗ?

Năm 2010 doanh thu SGK của NXB Giáo dục là 522 tỉ đồng, lỗ 100 tỉ đồng. Chúng tôi đã phải lấy các nguồn thu tài chính khác huy động để bù vào

Ông  NGUYỄN MINH KHANG - Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục

Trao đổi với PV Thanh Niên, về nguyên nhân tăng giá SGK hiện nay, ông Nguyễn Minh Khang, Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục cho biết: “Theo thẩm định của Cục Quản lý giá, năm 2010 doanh thu SGK của NXB Giáo dục là 522 tỉ đồng, lỗ 100 tỉ đồng. Chúng tôi đã phải lấy các nguồn thu tài chính khác huy động để bù vào”. Ông Khang còn cho rằng, mức tăng đáng ra phải cao hơn. “Có 11 khoản chi phí để thực hiện SGK thì chúng tôi chỉ được điều chỉnh 5 khoản là giấy in, công in, lãi vay, bao bì, tem chống giả. Còn 6 khoản không được điều chỉnh là khấu hao tài sản, chi phí quản lý, lương, phát hành, chế bản, nhuận bút. Vì còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị nên chúng tôi phải huy động các nguồn thu khác bù vào”, ông Khang nói.

Tuy nhiên, không ít ý kiến dư luận hiện nay cho rằng, việc độc quyền trong in ấn và phát hành SGK của NXB Giáo dục đã dẫn tới việc giá SGK tăng. Nhắc tới doanh thu của NXB Giáo dục, dư luận vẫn coi đây là một doanh nghiệp có mức lợi nhuận khổng lồ. Còn nhớ, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2008, trong 4 năm rưỡi (từ 2002 - 2007), NXB Giáo dục đã thu về tới hơn 345 tỉ đồng lợi nhuận (trong đó cao nhất là năm 2003 với gần 94 tỉ đồng).

Tỷ lệ hoa hồng phát hành ở NXB Giáo dục mấy năm qua bình quân là 24% so với giá bìa, các nhà trường được nhận tỷ lệ này ít nhất là 10% đối với SGK và hơn 20% đối với sách tham khảo của NXB. Nếu lỗ thì sao có thể chiết khấu cao như vậy?

GS VĂN NHƯ CƯƠNG

GS Phạm Tất Dong từng phát biểu: “Đã từng làm quản lý giáo dục, tôi biết lợi nhuận của NXB Giáo dục cũng khổng lồ bởi họ độc quyền việc in SGK của cả nước”. GS Văn Như Cương, với tư cách là tác giả viết SGK đã chỉ ra rằng: “Có sự bất hợp lý trong việc phân bổ chi phí ở tất cả các khâu. Ví dụ, chi phí cho phát hành lên tới 30% so với giá bìa nhưng tác giả sách thì tối đa chỉ được 7%... Tác giả viết SGK Toán (THPT) như tôi thì nhuận bút chỉ được khoảng 10 triệu đồng, chia cho 4 - 5 người, nhưng chi phí cho khâu phát hành thì gấp 4 - 5 lần”. GS Cương đặt vấn đề: “Tôi được biết, tỷ lệ hoa hồng phát hành ở NXB Giáo dục mấy năm qua bình quân là 24% so với giá bìa, các nhà trường được nhận tỷ lệ này ít nhất là 10% đối với SGK và hơn 20% đối với sách tham khảo của NXB. Nếu lỗ thì sao có thể chiết khấu cao như vậy?”.

Từ thực tế đó, GS Cương cho rằng, nếu hỗ trợ người dân bằng cách giảm chi phí ở tất cả các khâu in ấn, vận chuyển, phân phối... thì sẽ không nhất thiết phải tăng giá SGK. Còn GS Phạm Tất Dong thì phát biểu: “Nên xóa bỏ độc quyền in ấn SGK. Nội dung sách vẫn do Bộ GD-ĐT quản lý, nhưng việc in ấn có thể chuyển giao cho các địa phương”.

Ý kiến

Nếu kìm được thì tốt hơn

“NXB Giáo dục tăng giá SGK thì họ cũng có lý của họ, nhưng theo tôi tại thời điểm như hiện nay nếu kìm được thì tốt hơn. Vật giá leo thang, tăng giá các mặt hàng thiết yếu như đồ dùng học tập hay SGK sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Ngay cả trong trường học, giá lương thực tăng, điện, nước cũng tăng nhưng chúng tôi không dám tăng tiền ăn.  Để xoay xở được, nhà trường và các công ty cung cấp thực phẩm phải ngồi lại, cùng nhau “gồng” để đảm bảo bữa ăn của trẻ mà không phải tăng giá.”

Ông Trần Tâm - Hiệu trưởng trường Tiểu  học Trần Quốc Toản, Q.Tân Bình,  TP.HCM

Lo sách lậu

" Dưới góc độ nhà giáo như tôi điều tôi lo lắng nhất là SGK tăng giá quá cao có thể xuất hiện sách in lậu với giá rẻ thì người dân chắc chắn sẽ chuyển sang mua sách lậu để giảm bớt chi phí. Nếu học sinh sử dụng các loại SGK được in cẩu thả, kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến việc dạy và học".

Ông Đặng Thanh Tuấn - Trưởng phòng Giáo dục Q.Gò Vấp, TP.HCM

Thời điểm tăng không ổn

“Tăng giá SGK thời điểm này thật sự không ổn, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hàng triệu người. Nếu NXB Giáo dục cho rằng vì lỗ do giá giấy tăng, nhân công tăng nên phải tăng giá thì rất không hợp lý, vì SGK là mặt hàng không tồn kho, xuất bản có kế hoạch dựa theo số lượng học sinh trong cả nước theo từng bậc học thì không thể lỗ được. Không biết mặt hàng SGK có được Nhà nước bù lỗ hay không nhưng nếu đã phát hành sách thì thiết nghĩ nên cân nhắc, tính toán để không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân vì ai có con trong độ tuổi đi học cũng phải mua SGK cả”.

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty First News Trí Việt

Tại sao không giảm hoa hồng?

Thật là vô lý khi giá sách tăng, trong khi đó khoản hoa hồng mà các nhà xuất bản chi cho các trường cũng tăng cao. Tại sao vậy? Tại sao không giảm các khoản hoa hồng này xuống để hạ giá sách cho các em học sinh nghèo được nhờ? Hóa ra, việc tăng giá sách chỉ làm lợi cho một nhóm người thôi.

Minh Đức (Châu Thành, Bến Tre)

Bí quyết để có sách học

Tôi có một bí quyết để trang bị sách học cho con mà không tốn tiền mua là tìm đổi sách, đây cũng là cách mà nhiều người ở quê tôi thực hiện. Ví dụ, một bộ sách lớp 1 đổi lấy bộ sách lớp 2 cho những gia đình nào dư sách lớp 2 vì con họ học xong rồi, nhưng còn một cháu nhỏ chuẩn bị đến trường. Cứ “đặt cọc” trước với các gia đình mình có thể đổi sách. Với cách làm này, một bộ sách mình có thể đổi được vài ba bộ cho vài ba năm học kế tiếp của con. Tuy sách có được kiểu này sẽ cũ nhưng sẽ giúp chúng ta tiết kiệm một khoản tiền. Vì thế nên tôi luôn dặn con phải giữ sách cho thật kỹ, không viết bậy vào sách, không xé, làm nhàu nát sách để có thể đổi được sách khác. Đây cũng là cách dạy con biết quý sách, biết tiết kiệm vậy.

Nghi Anh (cogaitaydo@yahoo.com)

Phi Loan - Ban CTBĐ (ghi)

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.