Mời nghe đọc bài |
Cô thở dài, nhìn ra xa.
Quán cà phê cóc, nằm bên này vỉa hè, ngã ba của một khu mua sắm trung tâm thành phố. Hai giờ chiều. Quán ăn trưa vẫn còn khách. Cà phê chiều bắt đầu đông. Hai đứa vừa gặm hết bát sườn, bát móng giò chấm xì dầu Tam Thái Tử. Thỉnh thoảng, chiếc lá lộc vừng đỏ thắm cắm đầu vào bát sườn hầm như phần trang trí không thể thiếu. Gió cuốn lá cây từ lòng đường trái qua phải. Một cơn gió ngược quét từ phải qua trái, như luồng hơi vô hình của những người vô hình thổi miệt mài không chán.
Bữa trưa chủ nhật, sau năm bữa cơm hộp ngày đi làm của dân văn phòng thường dài. Giống như họ bớt mười lăm phút mỗi ngày của việc xúc cơm trong phần to của cái hộp, dằm miếng cá biển không rán nhưng nhuộm nước hàng đen sì, và húp tí nước nấu một loại rau gì đấy, tiết ra màu xanh xanh, gộp gần một trăm phút đó cho bữa trưa chủ nhật dông dài gặm xương và ngắm lá rơi. Kiểu sinh hoạt xa xỉ chủ nhật này, cô và anh thực hiện gần một năm nay.
Bên cạnh hàng bún sườn, móng dọc mùng là quán cà phê vỉa hè.
Quán với rất nhiều bàn con, ghế con, dưới tán mấy cây lộc vừng lá đỏ, một cây sưa. Đầu mùa hạ, hoa sưa nở trắng như bông tuyết. Lâu lâu, một cơn gió tạt ngang, cánh hoa mỏng bay rắc dài tới cuối phố.
“Anh cũng cố nhớ những lúc Sâm làm anh đau đớn. Đấy là hồi cô ấy mới đi. Nhưng rồi cũng quên”. “Em cũng vậy. Hồi chia tay Thanh, em mới biết giá trị của tự do. Nghĩ đến việc không phải giả dối cười hai ngày cuối tuần ở nhà anh ta với mấy chục người họ hàng tập trung ăn uống, mình như vừa thoát một cơn đau đầu mờ mắt. Nghĩ đến việc mình có thể đi giày màu xanh với áo màu cam mà không bị ai đấy cười khẩy vì thiếu thẩm mỹ, thấy thương hai cái chân mình lâu nay mất tự do”.
Nắng to, chéo xiên. Hai người xích ghế, nấp vào thân cây lộc vừng. Hàng cây sưa bên đường rung trong nắng, trong vắt những lá non mới thay xanh mướt đầu hạ. Xen kẽ những cây lộc vừng già lá đỏ.
“Nhưng rồi quên dần những điều tệ hại em ạ. Tốt hay xấu, luôn tỷ lệ nghịch. Có cảm giác cơ chế não của mình như hệ thống hoạt động tự động. Khi một ký ức tồi mờ đi, một kỷ niệm đẹp liền thế chỗ”. Anh ngập ngừng, mặt hoang mang bế tắc “Bây giờ phải làm sao?”. “Em không biết”. “Những chiều chủ nhật ngày xưa, anh và Sâm thường chở nhau bằng xe máy, đi một nơi chưa đến bao giờ, tìm ăn một món là đặc sản nơi đó”. “Bọn em lại hay nằm. Thanh bảo, chiều chủ nhật quý như vừa ăn trộm được cái mình thích. Thanh điều hành mấy công ty, tối nào cũng đi uống rượu với đối tác, máu của Thanh ba phần tư là rượu, uống càng nhiều, càng tỉnh táo minh mẫn. Lâu lâu, trốn cuộc đoàn viên cuối tuần của gia đình, bọn em chỉ nằm. Nằm im. Không ngủ. Không quấy phá nhau. Nằm nghe các âm thanh. Có lần, em nghe thấy tiếng các bắp cơ và xương của mình kêu rắc rắc. Giống như cả tuần chúng nó bị buộc chặt, bây giờ được mở dây, chúng cũng thở dài”. “Mẹ anh mới gọi điện, bảo năm nay được tuổi, phải mà lấy vợ. Họ hàng cứ cuộc giỗ lễ nào lôi chuyện anh chưa lấy vợ đẻ con nhiếc móc, mẹ như kẻ tội đồ”. Cô cười như mếu: “Em về quê, bị gọi là Liên ế. Thế nên ế mà không về quê”.
|
Một cô phục vụ rót đầy trà loãng vào hai cái cốc vừa vơi. “Hôm qua, thằng Nam cùng phòng đến công ty ngủ, mặt đầy mụn, mắt thâm quầng. Vợ đuổi. Hai năm nay lương năm triệu. Không đủ tiêu mình nó, vợ bảo là người giời, đuổi đi cho đỡ ngứa mắt”. “Chị ấy cũng đúng. Năm triệu chỉ tiêu được cho một người, phải dè sẻn tính toán mới đủ. Sao hai năm công ty anh không tăng lương? Anh tiêu năm triệu một tháng sao đủ?” - Cô lo lắng. “Anh làm ngoài giờ, thêm gần triệu nữa là sáu. Hiện tại vẫn đủ nếu không phải có người yêu, không phải lấy vợ”. “Hóa ra anh không có người yêu vì lương chỉ có sáu triệu?”. Cô nháy mắt, cười nhoẻn. Anh gật: “Đúng một nửa”. “Còn nửa kia là gì?”. Anh uống hết cốc trà đá loãng, thở dài nhè nhẹ: “Anh sợ phụ nữ. Anh thật sự không hiểu họ”.
Hai người loay hoay những chiều chủ nhật với những câu chuyện không đầu không cuối kiểu này sau khi họ chia tay người yêu. Công việc ổn định ở một công ty. Chỗ ngồi quen. Số ly nước lọc uống mỗi ngày không đổi. Những bữa trưa chưa ăn đã biết mùi vị, đến giờ thì ăn, không ăn cũng chẳng chết. Con phố nhỏ. Hàng cây quen. Bãi gửi xe ngày ngày cũng xếp ken dày. Bao năm vẫn ông gác cổng, bà tạp vụ. Có khác, chỉ là mùa qua. Mùa đi. Chút phấn hồng son đỏ cho môi đỡ thâm ngày lạnh. Chút bồng bềnh của tóc ngày xuân chống lại tiết trời nồm ẩm bết dính.
Loay hoay cái ngày của mình, vì mình chỉ có một mình.
“Tuần sau, được nghỉ bù ngày lễ, anh em mình đi chơi xa xa đi”.
Cô im lặng, mấy ngón tay gầy xoay xoay lá lộc vừng đỏ tươi cứng như lá bàng. Bàn bên cạnh, hai thanh niên ngồi trên hai cái ghế nhựa, mỗi chân co lên một cái ghế khác. Cả thảy tốn hết sáu cái ghế cho hai người. Một bát móng giò đầy, bát rau cần tái chần nguội ngắt. Họ đến ăn trước. Cô và anh đến sau, đã ăn xong rồi chuyển sang cà phê bên cạnh, họ vẫn ngồi. Thanh niên mặc may - ô bó chặt, lộ ra hai cánh tay chi chít sẹo, gầy nhẳng. Hai đầu gối vuông vuông xương, lông chân rậm rịt. Họ đang phân tích cách đuổi theo chém một thằng dám nhìn đểu cách đây bốn ngày trong một quán bún ngan phố khác sai ở đâu, đúng ở đâu.
“Em đi Vân Đồn chưa? Bãi tắm nhiều con hà bám đau chân nhưng biển vắng, trong lành. Mình thuê tàu chạy ra mấy cái đảo gần đấy chơi”.
Vân Đồn. Quan Lạn. Những bãi cát đầy đá vụn và con hà, cô đã từng tóe máu chân khi đi cùng công ty Thanh nghỉ ngày 30 tháng 4 mấy năm trước. Cô cười, lắc đầu: “Ở đấy, chỉ hợp với việc nằm trong khách sạn đọc sách, mỏi mắt, nhìn ra núi cho qua ngày thôi”.
Câu trả lời của cô rơi vào tiếng gió, tiếng nhạc đập rầm rầm từ chiếc Coupe mui trần đỏ thẫm dừng tìm chỗ đỗ. Chàng trai da trắng, tóc cắt cao, mắt mơ màng quay vô-lăng nhẹ, bên cạnh cô bé tóc suôn dài, mắt to, môi hồng không son phấn.
“Thắng vẩy”. Thanh niên ngồi một mình ba ghế bên cạnh thốt lên, vẻ kính phục, pha sợ hãi khi Coupe đỏ lóng lánh như viên ruby dừng lại bên đường. “Sao bảo nó vào khám rồi?”. “Một đêm”. “Nhà Hoàn mù rút đơn à”. “Rút đơn, nhận năm trăm”. “Năm trăm ngàn hay năm trăm triệu?”. “Năm trăm triệu. Mày nghĩ mạng Hoàn mù cao tới giá năm trăm ngàn đô. Rồ. Thế là nhiều so với mấy lần trước Thắng vẩy hạ người rồi đấy”.
Cô nhìn hai thanh niên, tự hiểu Thắng vẩy là chàng thanh niên da trắng xanh thư sinh, mặt non như nam sinh lớp mười.
Chiếc Coupe dịu dàng đỗ sát vỉa hè, ngay ngã ba lộng gió. Trong muôn vàn đợt gió dào dạt thổi, bỗng có một cơn rất to. Những bông hoa sưa trắng ào ạt trút xuống trùm lên toàn thân Coupe rắc xuống đầu chàng trai thật đẹp. Cô gái thật hiền ngửa mặt hứng những cánh hoa. “Nam sinh” Thắng vẩy nhoẻn cười, ngửa mặt, nhắm mắt. Dưới đất, lá lộc vừng đỏ trải dày thành tấm thảm, lấp lóa nắng. Cô run người. Thèm có máy ảnh chụp lại khoảnh khắc như mơ, hay chỉ có trong phim nước ngoài này lại. Một vẻ đẹp hoàn hảo, không dễ mà tự nhiên có trong đời để thấy.
Bàn bên cạnh, không biết hai thanh niên vì phải co hai chân lên hai ghế dạng tô hô mấy tiếng đồng hồ mỏi quá nên hạ xuống mà những chiếc ghế nhựa tự được xếp gọn lại. Cũng có thể không muốn Thắng vẩy quay sang nhìn thấy, thanh niên nhiều sẹo gọi tính tiền, dù mấy bát thức ăn còn nguyên. Họ ném nhanh bốn trăm ngàn lại, không lấy tiền thừa ba mươi sáu ngàn, im lặng đội mũ bảo hiểm rồi lên xe phóng ngược chiều Coupe.
Cô ngây mặt nhìn đôi trai gái đang hứng những cánh hoa. Họ để nhạc vang một góc phố, không quan tâm tới bất cứ ánh mắt nào của dòng người đi ngang qua, ai cũng ngoái lại nhìn. Bà bán bún cúi dọn bàn của thanh niên nhiều sẹo, lẩm bẩm: “Mẹ nó, may mà thằng Thắng vẩy nó đến, không thì hai bố ngồi chém gió đến chiều”. Cô nghiêng gần anh, hồi hộp: “Lên Google có biết được về Thắng vẩy không anh?”. Anh cười: “Chưa chắc. Việc gì phải tìm, em muốn biết, hỏi luôn bà bán bún đi”. Cô thở dài, ngây mắt ngắm đôi trai gái đẹp như mộng trong một không gian như mơ trước mặt, lẩm bẩm: “Mà cũng chẳng cần biết Thắng vẩy là ai. Chỉ cần thấy họ đẹp thế kia là đủ rồi”.
Anh gật, khoắng cốc cà phê đá tan. Màu đen lắng bên dưới, nước đá trắng trong phần trên. Khoắng một lúc, đen không còn đen, trắng cũng hết trắng, uống một hơi hết sạch, còn mấy viên đá vẹo vọ. “Anh lấy điện thoại, chụp ảnh họ đi. Đẹp quá”. “Đẹp trong tâm trí mình là đủ rồi”. Anh cười nhạt chấm hết cho mọi ý muốn của cô, quay gọi thêm một cà phê đen chưa bị đá làm loãng toét. “Nhưng mình sẽ quên. Không lời nào tả được những hình ảnh này”. Cô tiếc nuối. “Đã quên, có nghĩa nó chẳng đáng để nhớ”. Cô thở dài, mắt vẫn hút vào đôi trai gái ngập trong chấp chới cánh hoa trắng bay.
Anh nhìn lướt đường phố, mắt dừng lại nơi cô. Một khuôn mặt quen, loanh quanh cạnh anh cả trăm lần từ ngày bị người yêu bỏ bởi lỗi là lười biếng, chỉ thích làm lính, không có gan làm chủ. Lần đầu tiên, khuôn mặt này hút anh, bởi những ánh sáng bừng lên, phủ đầy đôi mắt, trên những tế bào của làn da ngăm ngăm, khóe môi hơi trễ do tập trung đắm say nhìn Thắng vẩy. Những chiếc răng mọc khểnh, bóng sáng, cái mũi tròn có mấy cái trứng cá con con. Thắng vẩy chắc là một đại ca của giới giang hồ, anh nghĩ thế. Thắng vẩy có thể giết nhiều mạng người rồi dùng tiền đền để thoát tù, ít nhất là với người tên Hoàn biệt hiệu mù. Anh không thấy Thắng vẩy hay Hoàn mù gây cho mình chút xúc động, thậm chí còn biết ơn. Nhờ Thắng vẩy mà lần đầu tiên, anh thấy cô thật rõ.
***
Những chiều chủ nhật thật hoang mang.
***
Một năm, có hơn năm mươi chiều chủ nhật.
Gần cuối năm mới có mùa đông. Mùa bây giờ luôn đến chậm. Tháng mười. Mười một. Người Hà Nội đợi mãi không thấy heo may. Bỗng một chiều trở gió, mưa một trận tíu tít. Gió lạnh tràn về. Cô bây giờ ở Sài Gòn. Sự ra đi đột ngột không định trước đến giờ, sau ba tháng, anh vẫn chưa tin. “Em phai vao sai gon gap vi benh của bo phat nhanh khong chay la tac tho ngay”. Cô bỏ lại cái tin đọc mấy lần mới hiểu, vào lúc cô và anh đều chới với. Lý do lãng xẹt, cũ rích. Bố cô vốn bị hen, nay chuyển cấp tính và không thể thở vào những ngày đổi mùa. Bác sĩ bảo, chỉ ở Sài Gòn, nắng ấm quanh năm ông sẽ không bị đột tử do tắt thở. Nhà còn mẹ, anh chị, nhưng không ai hoang mang bơ vơ như cô. Lịch trình sống của ai cũng rõ ràng chuẩn xác nên việc cô đưa bố đi khám rồi định cư là hợp lý nhất.
Anh không biết cô xoay sở thế nào ở cái thành phố rộng lớn, ồn ào ấy, với một ông bố phải rón rén thở. Chiều chủ nhật đầu tiên, còn lại một mình, cũng lần đầu tiên anh biết tivi bây giờ có nhiều kênh truyền hình đến thế. Chuyển dần từng số thứ tự, dừng ở đâu cũng có năm bảy phút để xem một cái tin, một mẩu phim không đầu không cuối hoặc nghe vài câu hát, cách nuôi đà điểu hay tác dụng của loại thuốc bôi cho những ông hói, liền sau đấy là bạn gái nên dùng thuốc triệt lông vĩnh viễn chứ không nên dùng dao cạo râu mà cạo lông chân, sợi lông sẽ cứng hơn, mọc dày hơn. Dừng lại luôn ở phim hoạt hình về những con cánh cụt nhảy múa bên bờ biển.
Một chủ nhật thừa bớt hoang mang, nhờ bọn chim cánh cụt.
***
Mùa đông năm nay mưa nhiều và lạnh rất dài. Còn ba tuần cuối cùng là sang năm mới. Từ ngày không còn cô bên cạnh, những chiều thừa thãi anh nằm nghiên cứu các chương trình tivi và luôn dừng ở phim hoạt hình. Hôm nay, tập bảy phim về gia đình nhà cừu. Chúng có một cái ô tô cũ, cừu già mang vào xưởng chữa. Một thằng cừu là thợ đang lái thử thì tất cả các động cơ bắn tung ra. Chiếc lốp xe húc vào một nàng cừu cái mông to, nàng bắn lên hàng rào nhà hàng xóm, ngoắc ngoắc tìm đường xuống.
Chuông điện thoại vang bốn lần, anh mới biết, có người gọi mình. “Anh đang làm gì?”. Cô thì thầm, giọng khào khào. “Vẫn như chủ nhật trước, xem hoạt hình”. “Phim về làng cừu đúng không? Con cừu cái vẫn chổng mông lên hàng rào”. “Sắp hết rồi, không biết phim sau là gì”. “Gia đình nhà kiến càng”.
Hôm nay Sài Gòn 39 độ C, còn Hà Nội là 8,5. Cô bảo: “Em quên trời lạnh thế nào rồi. Vào đây ba ngày, mất hết cảm giác co ro”. “Thời tiết không cần phải nhớ. Chỉ nên nhớ cái gì đã xảy ra ở thời tiết ấy”. “Vâng. Nhưng anh và em chưa có kỷ niệm ở Sài Gòn 39 độ”. “Mùa đông năm ngoái không lạnh như năm nay”.
Cô tắt điện thoại.
Một khoảng trống ập đến. Căn phòng mười bốn mét vuông tầng xép của một khu nhà Pháp cổ, trần cao, sàn gỗ, anh sống từ lúc năm tuổi, mua lại của ông bác ruột. Tòa nhà có tám phòng to, bán cho tám chủ khác nhau. Tất cả chung một cái sân và khu vệ sinh. Mẹ và các em ở quê. Bố bệnh tật và chết, anh thành người Hà Nội phố cổ. Tiện nghi đơn giản, không bếp, không WC. Mùa đông. Sáng hay chiều đều ảm đạm xám xịt ủng nước như có cơn mưa rất to dọa sẽ phủ trùm lên tất cả. Tắt tiếng tivi đang có khúc nhạc minh họa nhún nhảy theo chân những con kiến nâu bóng, õng ẹo lễ rước dâu, đưa một em kiến gầy kênh kiệu về nhà chàng kiến già, hai cái râu dài và bạc trắng. Im lặng. Anh nhắm mắt. Tất cả là một màu đen. Có tiếng gió đập những cánh cửa. Tiếng ì ì xe máy ô tô dưới đường xa, lâu lâu tiếng pô xe máy vỡ hồng hộc chạy vèo qua, rồi biến mất. Loang trong không khí, mùi dầu xe máy thơm thơm.
Chuyện về những con kiến trong phim hoạt hình vào ngày Hà Nội lạnh cóng 8,5 độ C của anh với cô, là những đối thoại cuối cùng.
Hai ngày sau. Trong lúc anh pha vội cốc cappuccino G7 Việt Nam thơm ngát trong bếp ăn của công ty, điện thoại hiện số di động của cô gọi đến. Anh uống nhanh ngụm cà phê nóng, bật nhanh “Em à” rồi liếc xung quanh để thấy không ai giật mình vì tiếng chuông chợt vang lên. Giọng người đàn ông khá già, chưa nghe thấy lần nào, ngập ngừng giữa tiếng thở cụt: “Cháu là Quang”. “Vâng, cháu đây ạ. Bác là…”. “Ừ, bác là bố của Liên”.
***
Không phải những gì xảy ra sẽ đúng như mình thấy. Càng không như mình tin đã hiểu về nó. Anh và cô có biết bao chiều chủ nhật hoang mang. Những câu đối thoại chẳng đâu vào đâu nói mãi không hết. Khi cô nhắn tin, ông bố đột nhiên bị hen cấp tính phải vào Sài Gòn gấp chữa bệnh có thể làm ông chết bất đắc kỳ tử nếu ở xứ lạnh, anh cũng chưa một giây nào nghĩ, việc đó có hợp lý không. Những cuộc điện thoại online về một bộ phim trên tivi cũng không làm anh mảy may nghĩ là tại sao cô đang đi làm, rất ổn định nơi này mà phắt một cái, vào Sài Gòn chỉ để chăm ông bố già có rất nhiều con có thể làm giỏi hơn cô việc đó? Cũng chưa bao giờ anh nghĩ có ngày cô sẽ biến mất như thế này cho dù, cô là người duy nhất hoang mang bên anh những chiều chủ nhật. Thói quen có cô hằng ngày, dù ở đâu với những tin nhắn điện thoại ít nhất năm bảy cái một ngày, những cuộc nói chuyện đứt quãng hằng đêm, những chiều chủ nhật cùng xem hoạt hình với anh quá đủ để không thấy sốt ruột chạy ra phi trường bay vào thành phố nắng quanh năm nơi cô bơ vơ bé nhỏ trông ông già hen cấp tính?
Bỏ điện thoại xuống. Ngồi trên chiếc ghế vừa đủ với cái mông không to không bé, khoang bàn làm việc kê vừa cái máy tính bàn, một cuốn sổ. Có một trăm mười lăm nhân viên khoang nào cũng như nhau, xếp lego trên tầng mười bốn cao ốc văn phòng. Cà phê nguội dần. Hương thơm loang xuống cuối phòng, chỗ cô gái mới được tuyển vào làm thư ký, mỗi ngày thay một bộ tóc giả. Cô hít hít mùi cà phê quyến rũ, nghển cổ nháy mắt nhìn anh như một lời hẹn đầy ý nghĩa nhưng không biết nghĩa là gì. “Nó vừa đi công tác xa”. “Ở đâu hả bác. Không thấy Liên nói với cháu”. Lâu lắm rồi, giọng anh mới hốt hoảng. “Xa lắm”. “Ở trong nước hay ra nước ngoài. Bác đọc địa chỉ của Liên, cháu ghi ngay đây ạ”. Vớ cái bút, mở nhanh cuốn sổ sẵn sàng viết một địa chỉ. Hành động cương quyết này lâu lắm mới quay lại với anh. “Chưa có địa chỉ. Không có sóng điện thoại. Không có internet”. “Liên có nhắn gì cháu không bác?”. Bên kia im lặng. Tắt máy.
Cuống cuồng bấm gọi lại. Ngoài vùng phủ sóng.
***
Tại sao lúc đó, khi nghe giọng ông bố bị hen cấp tính “Bác là bố của Liên đây”, anh không hỏi bệnh của bác thế nào, khi giọng nói bên tai anh là của người khỏe mạnh, anh chỉ nhạt nhẽo vâng rồi nhìn cô thư ký hôm nay đội tóc giả màu tím. Đã sáu tháng cô vào Sài Gòn chăm bố, anh chợt nhận ra rằng, nếu mẹ cứ bắt anh lấy vợ cho đỡ tủi với họ hàng, làng xóm, người anh lấy sẽ là cô. Bây giờ. Liên đi vắng rồi, chợt nhớ bao lần nói chuyện những chiều chủ nhật chưa kịp kể là càng ngày anh càng nhớ dần ra khuôn mặt cô. Đôi mắt đầy ánh sáng khi Thắng vẩy đến trước mặt. Tiếng cô cười rinh rích mỗi khi hai đứa đếm xem lương tháng này đốt cháy bao nhiêu chiều chủ nhật xa xỉ.
Cuộc điện thoại hơn hai phút kết thúc.
Ngả người trong khoang của mình, màn hình báo cáo thuế doanh thu quý ba. Những ô đánh dấu xanh đỏ nhắc cụ thể phải kiểm tra trước khi hoàn tất. Lặng ngắt. Không còn tiếng máy in nhả giấy. Không còn tiếng ù ù quạt thông gió trên cao hay gió rít của khe cửa đóng hờ.
Anh chỉ quay về với mình, khi những bóng đèn trong tòa nhà tắt dần. Mọi người đã về từ khi nào. Còn một người dừng lại. Thư ký thích thay tóc giả. Cô đứng trước mặt, lấy guốc đá đá vào mũi giày xuất khẩu của anh, hất mặt “Cần em gọi taxi không? Anh thiếu ngủ, hay hạ đường huyết? Mặt anh như mất hết máu rồi”.
Anh nhìn cô thật lâu. Rồi hỏi: “Hôm nay là thứ mấy hả em?”.
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ
Bình luận (0)