Biểu hiện bệnh
Theo lương y Quốc Trung, bệnh trào ngược dạ dày thực quản thuộc chứng khí nghịch của y học cổ truyền, là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Ở trạng thái sinh lý bình thường, thỉnh thoảng cũng có hiện tượng trào ngược dịch dạ dày lên thực quản, nhưng thoáng qua và không gây hại gì.
Triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày thực quản là ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn. Cảm giác nóng đau thường nằm ở giữa ngực, có khi bắt đầu từ phía trên rốn lan lên cổ hoặc ra sau lưng. Triệu chứng ợ nóng thường nặng hơn sau khi ăn no, khi đứng cúi người, hoặc khi nằm. Phần lớn, hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi dạ dày bị căng quá mức (như sau một bữa ăn quá no hoặc khi bị đầy bụng khó tiêu).
|
Bài thuốc
Theo lương y Quốc Trung, dựa vào các triệu chứng, y học cổ truyền chia trào ngược dạ dày thực quản thành các thể bệnh khác nhau và chữa bằng các bài thuốc cổ truyền tương ứng.
Với thể thương thực - biểu hiện trào ngược mùi chua khắm, ợ hăng, ợ chua, miệng hôi, chán ăn, đầy bụng, đau bụng, sắc mặt vàng, có thể dùng bài thuốc gồm các vị như: hoắc hương 12g, vỏ quýt (trần bì) 12g, vỏ rụt 12g, củ sả 8g, sinh khương (gừng tươi) 12g.
Với thể hàn (lạnh) - triệu chứng biểu hiện thức ăn không tiêu, ợ ra nước chua, trong, loãng, miệng môi xanh, trắng, sợ lạnh, thường xuyên đau bụng và đi tiêu lỏng. Trường hợp này có thể dùng bài thuốc gồm các vị như: hoắc hương 12g, tô tử 12g, củ sả 10g, vỏ quýt 12g, gừng khô 8g, gừng tươi 8g.
Với thể nhiệt - biểu hiện ợ ra nước vàng, đặc, mùi chua khắm, hễ ăn vào là trào ngược, khát nước, thích uống nước lạnh, nước tiểu đỏ, da nóng, môi đỏ, thì dùng bài thuốc gồm các vị: rau má 16g, hoắc hương 12g, gạo nếp (sao vàng) 16g, gừng tươi 12g, lá dành dành (sao vàng) 8g.
Cách nấu (sắc) các bài thuốc trên như sau: cho các vị thuốc vào nồi cùng 750 ml nước (3 chén), nấu kỹ còn lại 1 chén nước thuốc, chia uống 3 lần trong ngày, sau khi ăn 30 phút.
Khánh Vy
Bình luận (0)