Không phải là ca sĩ, họ đã hát để thức dậy điều gì đó trong quá khứ đời mình: một tuổi trẻ lý tưởng, nhiều biến động; một thời nhan sắc với biết bao hoa mộng, yêu thương; những hồi ức riêng tư, những thành quả đạt được và cả những khao khát không thể thực hiện… Họ có thể hài lòng với những gì đang có trong cuộc sống, cũng có thể vẫn cất giữ sâu trong tim một nỗi niềm không biết tỏ cùng ai, đành chỉ gửi vào tiếng nhạc.
|
Còn có một tương tác hai chiều kỳ lạ giữa người hát và người nghe: không chỉ “thưởng thức” giọng hát, những người nghe còn “thưởng thức” cả cõi lòng người hát, tự động chia sẻ với người hát bằng cách lẩm nhẩm hát theo, cùng phơi trải tâm trạng mình một cách không chủ định.
m nhạc, một trong những nhu cầu tự thân của con người không phân biệt đẳng cấp tuổi tác: người ta có thể hát lên khi vui - khi buồn; hát giữa đám đông hay lúc chỉ một mình; hát để trao gửi, kêu gọi, hay hát để lắng lại, tự nhủ: chỉ có ta biết rõ vì sao mình hát...
Trong đêm thi tối nay, 2.5 sẽ có sự góp mặt của ca sĩ Ánh Tuyết trong vai trò khách mời cùng 5 chàng trai hát của ATB và 2 MC Thanh Bạch - Quỳnh Hoa. Chương trình sẽ diễn ra lúc 20 giờ 30 tại Nhà hát truyền hình HTV (được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9, HTVC-Thuần Việt và nối sóng trực tuyến trên VNExpress). |
Những người đàn ông, đàn bà tuổi trung niên ấy, có người đã lên chức ông bà, trong những trang phục rất đẹp, đã hát hết mình, mỗi người một vẻ, và đã cùng bộc lộ một điều rất chung: âm nhạc đã làm họ trẻ lại. Những người chồng, người vợ, con cháu họ, hẳn đã là những người đầu tiên khuyến khích, tán thưởng họ. Để rồi sau đó, đám đông khán giả, kể cả khán giả trong vai trò giám khảo, đã lắng nghe họ, trong niềm vui được khám phá một góc cạnh thú vị của cuộc sống nhiều bất ngờ này.
Có lẽ vì điều đó nên thí sinh nhận được nhiều tán thưởng nhất, nhiều tình cảm nhất của khán giả chính là người cao tuổi nhất: 74 tuổi. Phải yêu âm nhạc đến mức nào mới giúp người phụ nữ tuổi bảy mươi ấy lên sân khấu và hát với tất cả niềm say mê như vậy.
Trong chiếc áo dài nền nã, gương mặt thanh tú hầu như không son phấn, bà đã lắng hồn, gửi vào từng nốt nhạc cả một phần quá khứ đời mình, những khoảnh khắc có lẽ chưa bao giờ khuất hẳn, chỉ chờ dịp để thức dậy và được mang chia sẻ cho bao người.
Mái tóc bạc và sự chậm chạp do tuổi tác chỉ khiến cho giọng hát giàu nhạc cảm của bà chầm chậm ngấm vào người nghe một cách hết sức tự nhiên. Gương mặt tĩnh lặng có rất ít biến đổi của bà không hiểu sao cứ khiến tôi liên tưởng tới gương mặt những ca nương khi hát ca trù. Với ca trù, người ca nương không được phép biểu hiện tình cảm trên nét mặt. Tất cả những gì muốn diễn đạt, truyền tải, họ phải dồn hết vào giọng hát. Tinh thần bài hát phải ở trong giọng hát chứ không phải ở trên gương mặt. Có lẽ chính vì điều này nên để tìm ra những giọng hát đạt đến độ đẹp nhất của ca trù chưa bao giờ là việc dễ dàng.
Cuộc thi chưa khép lại, nhưng giọng hát không chịu thua tuổi tác và vẻ đoan trang rất Việt Nam của bà Lê Thị Nhung cứ khiến người ta nhớ đến một thế hệ thanh niên nam nữ sinh vào các thập niên 1930-1940, trong đó rất nhiều người đã trở nên những nhạc sĩ, ca sĩ tài danh với những tình ca nổi tiếng.
Bà Lê Thị Nhung không ở trong trường hợp ấy, nhưng tiếng hát đến với người nghe ở tuổi bảy mươi của bà vẫn tạo nên một hồi âm quá đẹp: âm nhạc không có đường ranh tuổi tác, nếu người ta vẫn mãi trẻ trong tâm hồn.
Ngô Thị Kim Cúc
Bình luận (0)