Tạp chí Forbes tuần qua công bố danh sách tỉ phú ở Trung Quốc. Theo đó, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Baidu, sở hữu website công cụ tìm kiếm Baidu, là Robin Li (Lý Ngạn Hồng) trở thành người giàu nhất nước này (không tính Hồng Kông, Macau) với giá trị tài sản vào khoảng 9,4 tỉ USD. Danh sách này có khác biệt so với báo cáo của Hồ Nhuận hồi tháng 10 năm ngoái. Lúc đó tỉ phú Tống Khánh Hậu của Tập đoàn nước giải khát Wahaha giành vị trí số 1 với tổng tài sản 12 tỉ USD. Tuy nhiên, Forbes chỉ công nhận ông Tống sở hữu 5,9 tỉ USD, xếp hạng 3, sau cả Lương Ổn Căn, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Sany.
|
Việc ông Lý Ngạn Hồng, 42 tuổi, đứng đầu danh sách gồm 115 tỉ phú Trung Quốc đại lục cho thấy sức mạnh của ngành công nghệ. Sáng lập công cụ tìm kiếm Baidu, hoạt động tương tự Google vào năm 1999, Lý Ngạn Hồng đã có công lớn khi đưa Baidu trở thành công cụ tìm kiếm phổ biến nhất Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, đằng sau hào quang thành công cũng có không ít tranh cãi và điều tiếng.
Thần kỳ hay thủ đoạn?
Trung Quốc có nhiều tỉ phú thứ hai thế giới Trung Quốc hiện là nước có số tỉ phú nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, với 115 người ở đại lục và 35 người ở Hồng Kông, theo Forbes. Bên cạnh người giàu nhất Trung Quốc đại lục là Lý Ngạn Hồng, Forbes cũng công bố người giàu nhất Đài Loan là bà Vương Tuyết Hồng, người sáng lập Tập đoàn điện thoại HTC, với tài sản 6,8 tỉ USD. Người Hoa giàu nhất thế giới vẫn là tỉ phú Lý Gia Thành ở Hồng Kông (26 tỉ USD). Bên cạnh đó, toàn bộ tỉ phú tại Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Indonesia cũng đều là người gốc Hoa. Tổng cộng có 213 tỉ phú gốc Hoa trên toàn thế giới với tổng tài sản 567 tỉ USD, chiếm 13% tổng tài sản của các tỉ phú thế giới, theo Forbes. Tạp chí này cũng nhận định bất cứ tỉ phú người Hoa nào cũng có liên hệ chặt chẽ với thị trường đại lục. |
Cũng theo Bloomberg, nhiều năm qua, không ít nhà quảng cáo than phiền trên các diễn đàn tiếng Hoa rằng Baidu đã bí mật gây khó khăn cho các website dám giảm chi tiền quảng cáo trên Baidu. Đối thủ cạnh tranh của Baidu là Alibaba thì cáo buộc tập đoàn của ông Lý đối xử không công bằng với những công ty dám nhận tiền quảng cáo từ một số sản phẩm trên Taobao.com, công ty bán lẻ trên mạng của Alibaba. Trước tình hình trên, Lý Ngạn Hồng bác bỏ toàn bộ các cáo buộc, khẳng định hãng không bao giờ liên hệ các kết quả tìm kiếm với việc quảng cáo. Tuy nhiên, lời đồn đãi bất lợi không vì thế mà giảm đi, trái lại còn tăng thêm nữa.
Đến năm 2008, Baidu buộc phải lên tiếng một lần nữa trước cáo buộc rằng hãng đã nhận tiền của Công ty sữa Tam Lộc để ém nhẹm thông tin tiêu cực về công ty này. Tam Lộc là thủ phạm chính trong vụ sữa nhiễm melamine khiến ít nhất 6 trẻ em thiệt mạng và khoảng 300.000 bé bị bệnh năm đó. Trong một thư tín đề ngày 11.8.2008, hãng tư vấn Teller International, có trụ sở tại Bắc Kinh, khuyên Tam Lộc bắt tay với những công cụ tìm kiếm chủ chốt để lọc hết thông tin tiêu cực về nhãn sữa này trên internet. Theo tờ Nhân Dân nhật báo, Teller đã liên tục tiếp cận Baidu và đề nghị chi 3 triệu nhân dân tệ cho việc loại bỏ các kết quả “không hay” khi người lướt web gõ từ khóa Tam Lộc vào thanh công cụ tìm kiếm. Sau khi thư tín này được lan truyền rộng rãi trên internet, Baidu tuyên bố không hề chấp nhận điều khoản hợp đồng “vô đạo đức” như vậy. Tuy nhiên, sau đó Baidu thừa nhận có đôi lần “quá dễ dãi” trong các điều khoản đối với khách hàng đăng quảng cáo. Đến cuối năm 2008, công ty tiếp tục thú nhận đã cho phép những quảng cáo của các công ty dược chui xuất hiện trên những nơi dễ thấy nhất trên mạng, theo tờ Business Week.
Bất chấp tai tiếng, Baidu vẫn tiếp tục ăn nên làm ra tại thị trường có gần 500 triệu người lướt web. Hồi tuần rồi, Baidu công bố thu nhập ròng trong quý 1/2011 đã tăng 123%, lên 164,5 triệu USD. Forbes dẫn lời Peter Newell, cố vấn của Công ty quản lý tài sản Vontobel, nhận định với sự ra đi của Google, Baidu gần như không còn đối thủ xứng tầm tại thị trường đại lục.
Thụy Miên
Bình luận (0)