Tổng kết phiên 2.5, chỉ số MSCI Asia Pacific của khu vực châu Á cũng tăng 0,7%, chốt ở mức cao nhất kể từ phiên 19.1 trở lại đây. Trong cả tuần trước, chỉ số này mới chỉ tăng 0,5% nhờ thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tái khẳng định duy trì lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Chỉ số Nikkei 225 tăng thêm 154,46 điểm, tương đương tăng 1,57%, chốt phiên ở mức 10.004,2 điểm. Mức giao dịch cao nhất trong phiên này ghi nhận được là 10.017,47 điểm. Việc Nikkei 225 nhanh chóng tăng trở lại mốc 10.000 điểm sau thảm họa ngày 11.3 được nhiều chuyên gia coi là dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ từ nội lực của nền kinh tế Nhật Bản.
Ghi nhận trên một số thị trường khác trong khu vực: chỉ số BSE SENSEX 30 của Ấn Độ giảm 0,72%; chỉ số KOSPI (Hàn Quốc) tăng 1,67%; S&P/ASX 200 của Úc tăng nhẹ 0,04%. Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á nghỉ giao dịch trong phiên này bù cho ngày Lễ Lao động 1.5 rơi vào chủ nhật.
|
Thông tin nổi bật nhất được công bố trong phiên là việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố với thế giới rằng trùm khủng bố Bin Laden đã bị quân đội Mỹ tiêu diệt.
Thông tin kể trên ngay lập tức khiến giá trị đồng USD tăng mạnh so với yen Nhật và euro. Điều này tạo thuận lợi cho các chỉ số chứng khoán châu Á và châu u tăng điểm.
Tại châu u, chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực tăng nhẹ 0,1% trong phiên 2.5. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,03%, lên thành 6.069,9 điểm; CAC 40 của Pháp tăng 0,05%, lên thành 4.108,77 điểm; DAX của Đức tăng 0,18%, chốt phiên 2.5 ở mức 7.527,64 điểm.
Tuy nhiên, tại Mỹ, các chỉ số khởi đầu tháng 5 không được suôn sẻ lắm. Sắc đỏ phủ kín bảng giao dịch điện tử dù biên độ giảm không lớn.
Tại Phố Wall (Mỹ), chỉ số thị trường S&P 500 giảm nhẹ 0,2%, xuống còn 1.361,22 điểm; Dow Jones Industrial giảm không đáng kể 0,02%, chốt phiên ở mức 12.807,36 điểm. Nasdaq Composite của các công ty công nghệ giảm 0,3%, xuống 2.864,08 điểm.
Nguyên nhân chính khiến Phố Wall giảm điểm phiên này là do giá dầu, vàng và nhiều mặt hàng cơ bản khác giảm kéo theo cổ phiếu năng lượng và cổ phiếu của các công ty sản xuất nguyên vật liệu thô đi xuống. Cùng với đó, chỉ số toàn ngành sản xuất Mỹ có dấu hiệu co lại trong tháng 4 vừa qua cũng là một thông tin không mấy vui mừng được công bố trong phiên 2.5.
Chỉ số ISM của toàn ngành sản xuất Mỹ do Viện Quản lý nguồn cung công bố trong tháng 4 vừa qua đã giảm xuống 60,4 điểm, so với mức 61,2 điểm hồi tháng 3.2011.
Nhóm cổ phiếu năng lượng giảm 1,3%, giảm mạnh nhất trong 10 nhóm ngành đóng góp vào S&P 500. Cổ phiếu của Exxon Mobil và cổ phiếu của Freeport-McMoRan copper&gold cùng giảm 1,2% trong phiên này.
Duy Trần
(Theo Bloomberg, Reuters)
Bình luận (0)