>> Cỡ nào cũng dạy được! \ Nhập vai giáo viên \ “Trói” người dạy kèm bằng hợp đồng \ Chưa có cơ quan nào quản lý
Sau khi báo phát hành, bà Nguyễn Thị Hồng - Giám đốc Công ty TNHH giáo dục - đào tạo E - CLEVER, một trong những trung tâm gia sư (TTGS) mà bài báo phản ánh đã có đơn gửi Báo Thanh Niên khiếu nại và cho rằng bài báo viết sai sự thật với 3 nội dung chính.
Có kiểm tra giấy tờ hay không?
Thứ nhất: “Phóng viên đã viết “chẳng cần kiểm tra bất cứ giấy tờ gì,…” là hoàn toàn sai sự thật vì nhân viên chúng tôi đã yêu cầu rất rõ ràng phải mang giấy tờ bằng cấp và hợp đồng của trường khi qua gia đình bởi hiện tại anh chị không mang theo”.
|
Về vấn đề này, chúng tôi xin đặt lại câu hỏi: Nếu nhận định “chẳng cần kiểm tra bất cứ giấy tờ gì,…” là “hoàn toàn sai sự thật” thì tại sao khi phóng viên Báo Thanh Niên không hề có bất cứ giấy tờ gì chứng minh là giáo viên dạy Hóa của trường Quang Trung mà vẫn được nhân viên của công ty ký hợp đồng làm gia sư để dạy kèm môn Hóa cho một học sinh lớp 10 ở đường Đào Duy Anh (Q.Phú Nhuận)? Chưa hết, theo website của công ty này quảng cáo trên mạng: “…đội ngũ giáo viên/gia sư của E - CLEVER được tuyển dụng kỹ lưỡng. Các thầy cô đã khẳng định năng lực của mình qua các bài test và quá trình giảng dạy lâu dài. Gia sư E - CLEVER đều là người có kinh nghiệm, chuyên môn cao và khả năng sư phạm đảm bảo”, trong khi chúng tôi không hề có chuyên môn về môn Hóa nhưng vẫn được E - CLEVER ký hợp đồng dễ dàng (?!).
Làm việc qua loa
Thứ hai, đơn của bà Hồng nêu: “Chúng tôi không làm việc qua loa đại khái như lời các anh chị phóng viên kia nói. Các anh chị phóng viên đã dùng từ ngữ không chính xác để nhằm làm người đọc hiểu sai vấn đề: “Chúng tôi được anh nhân viên “thông cảm” tạo điều kiện để ký vào 2 tờ hợp đồng có đóng mộc sẵn với lời dặn: “Chúng tôi ưu tiên cho anh chị nên chỉ thu 240 ngàn đồng trước. Sau 3 ngày đi dạy, phải tới trung tâm để đóng nốt số lệ phí còn lại”. Những lời lẽ ngôn ngữ này là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật cố tình bóp méo sự thật của vấn đề. Vì như đã nói ở trên, công ty chúng tôi có hình thức hỗ trợ cho người đi dạy trong trường hợp khó khăn là nộp trước 50% tiền phí, số còn lại sẽ nộp sau một tuần”.
Về chi tiết này, chúng tôi trích lại từ băng ghi âm ghi cuộc nói chuyện ngày 5.4.2011 giữa nhân viên công ty và phóng viên Báo Thanh Niên trong vai người có nhu cầu dạy kèm. Mặt khác, theo hợp đồng thì chúng tôi phải đóng phí cho công ty 40% (tức 480 ngàn đồng). Tuy nhiên, khi chúng tôi nói rằng không mang đủ tiền thì nhân viên công ty bảo chỉ cần đóng trước 240 ngàn đồng. Anh này đã ghi trong hợp đồng: “Đã nộp 240 ngàn đồng; hẹn 12.4 qua t2” (t2 có nghĩa là qua thanh toán số còn lại - PV)”. Chúng tôi đóng trước 50% phí dịch vụ, số còn lại đóng sau đó một tuần (ở đây tương đương 3 ngày đi dạy, kể cả hôm đến gia đình nhận lớp và thảo luận với học sinh).
Giới thiệu thông tin trên mạng
Vấn đề thứ ba trong đơn là “Đối với lớp dạy Hóa 10 ở Phú Nhuận này do phụ huynh là bố học sinh (tức anh Linh) trực tiếp gọi điện sang văn phòng chúng tôi theo số hotline để yêu cầu công ty chúng tôi sắp xếp giáo viên qua gia đình kèm cho em học sinh lớp 10 môn Hóa. Tất cả lớp dạy của công ty chúng tôi đều được phụ huynh gọi điện trực tiếp qua văn phòng hoặc đăng ký online thông qua website của công ty: http://www.ecedu.vn/tim-gia-su.html. Như vậy không có việc như các phóng viên này đăng trong bài ngày 21.4: “Từ thông tin tìm người dạy kèm của gia đình trên mạng internet, chị N. không thể ngờ một số TTGS lợi dụng vào đó để kiếm tiền. Trong đó, chỉ tính riêng điểm giới thiệu của TTGS trên đường Phan Sào Nam đã kiếm lợi ít nhất 240 ngàn đồng…”.
Tối 6.4, PV Thanh Niên trong vai giáo viên đã đến gặp phụ huynh em học sinh lớp 10 cần kèm môn Hóa. Lúc này, anh Linh đi vắng. Tiếp chúng tôi là chị Nga - vợ anh Linh. Khi chúng tôi hỏi thăm: “Anh chị liên hệ tìm giáo viên qua TTGS nào ạ?”. Chị Nga nói: “Chúng tôi không thông qua TTGS nào cả. Chồng tôi đăng rao vặt trên mạng internet thôi”. Chị Nga còn cho hay gia đình chị chưa hề được nhân viên TTGS nào báo rằng tối nay sẽ có cô giáo đến nhận lớp. Chị còn hỏi chúng tôi về mức lương dạy kèm cho con chị mỗi tháng là bao nhiêu… Chiều hôm sau, chúng tôi liên lạc với anh Linh qua số điện thoại di động (do nhân viên E - CLEVER cung cấp trước đó). Anh Linh cũng khẳng định: Anh đăng thông tin trên mạng internet và không hề qua một TTGS nào! Tất cả những thông tin này, chúng tôi đều có băng ghi âm.
Một điều đáng chú ý khác, khi chúng tôi đến Công ty TNHH giáo dục - đào tạo E - CLEVER đăng ký làm gia sư khoảng vào 11 giờ ngày 5.4. Tiếp chúng tôi là một nam nhân viên tên Công. Anh này giới thiệu cho chúng tôi 2 lớp, trong đó có lớp 10 (dạy môn Hóa) nói trên. Để tìm hiểu thêm, chúng tôi không ký hợp đồng ngay mà hẹn buổi chiều sẽ quay lại. Và đầu giờ chiều, vẫn nam nhân viên này tiếp và trực tiếp thu tiền, ký hợp đồng với chúng tôi. Thế nhưng, đơn khiếu nại lại cho rằng: “Vì gần buổi trưa ngày 5.4.2011, hai nhân viên tư vấn đi vắng do đó người tiếp hai anh chị này (tức chúng tôi - PV) là anh Tô Thành Công, một nhân viên khác của công ty”.
Không sai khi chúng tôi dùng từ “bát nháo” phản ánh về dịch vụ môi giới gia sư tại Công ty TNHH giáo dục - đào tạo E - CLEVER. Bởi vì, nếu công ty đã xác nhận người tiếp chúng tôi là “một nhân viên khác của công ty”, không phải nhân viên tư vấn thì tại sao E - CLEVER lại để anh này tự đứng ra thu tiền và ký hợp đồng tuyển gia sư với chúng tôi?
Hoài Nam - Như Lịch
Dịch vụ lừa dối phụ huynh Qua loạt bài Bát nháo dịch vụ gia sư đăng trên Thanh Niên, ngoài những ý kiến phản hồi của bạn đọc, chúng tôi cũng nhận được lá thư của một người (xin giấu tên) từng làm dịch vụ gia sư từ năm 1995 đến 2007 nhưng đã nghỉ làm. Để cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc về những mánh khóe của loại hình dịch vụ này, Thanh Niên xin trích đăng lá thư trên: “Phần lớn các trung tâm gia sư giới thiệu giáo viên cho phụ huynh là sinh viên, nhân viên và cả những người chưa học hết THCS tự nhận mình là giáo viên để nhận lớp. Nếu phụ huynh yêu cầu bằng cấp thì trung tâm sẽ đối phó bằng cách lấy bằng thật photo, sau đó dán ảnh của người nhận lớp vào rồi photo lại một lần nữa. Khi phụ huynh đòi đến trường kiểm tra thì trung tâm sẽ cho giáo viên “dỏm” của mình đến trường trước giờ hẹn 30 phút, ăn mặc chỉnh tề, giả vờ vào trường để xin cho con đi học. Đúng giờ tan trường, người mạo nhận giáo viên sẽ ra để gặp phụ huynh. Có một “nguyên tắc” là không được nói chuyện với phụ huynh quá nhiều để tránh lộ tẩy. Người đến nhận lớp, phải tránh nói dạy trường mà học sinh đang học, ví dụ phụ huynh ở Q.6 thì nói dạy ở Thủ Đức và phải tìm hiểu tên hiệu trưởng trường. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc lừa dối cũng diễn ra trôi chảy, có những giáo viên giả danh khi quá say mê nói chuyện với phụ huynh nên đã quên nguyên tắc này dẫn đến những chuyện dở khóc dở cười. Ví dụ một giáo viên nói em dạy ở trường vào buổi sáng nhưng khi nhận lớp lại đến nhà phụ huynh vào buổi sáng hoặc khi phụ huynh nói khi nào cô rảnh mời cô đến nhà chơi thì cô giáo lại trả lời em rảnh cả ngày. Khi đó mọi chuyện mới đổ bể tùm lum. Vậy nên tốt nhất là nói chuyện với phụ huynh không quá 15 phút và tuyệt đối đừng để cho phụ huynh có cơ hội hỏi về mình nhiều. Có một điều đáng quan tâm là vì sao dịch vụ gia sư lại nở rộ và hoạt động bất chấp đạo đức, nguyên nhân chính là nghề dịch vụ gia sư có thu nhập rất cao, thời điểm mà tôi làm, đóng phí đến 50% lương tháng đầu. Lúc đó lương chỉ từ 300 ngàn đến 500 ngàn đồng/tháng. Có lúc tôi thực hiện từ 30 đến 40 hợp đồng giới thiệu/ngày, số tiền thu được là từ 4,5 triệu đến 10 triệu đồng trong một ngày là chuyện thường. Trên đây là những lời tâm sự thật lòng của tôi. Rất mong quý phụ huynh cảnh tỉnh”. |
Bình luận (0)