Lòng thơm thảo của vợ chồng nghèo
Hơn hai năm nay, người mang đến sự tuyệt vời ấy cho nhiều khách vãng lai lại là đôi vợ chồng “nghèo rách mồng tơi”. Người vợ bán nước giải khát, chồng gò lưng vá xe kiếm từng đồng.
Mùa nóng cao điểm năm 2010, nhiều người đi đường đã rất ngạc nhiên thấy xuất hiện một bình trà đá “dán nhãn” miễn phí ngay góc ngã tư đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM).
Ngạc nhiên vì một ly trà đá cũng được bán với giá 1.000-1.500 đồng, nhiều người đoán già đoán non e rằng đó là chiêu “tiếp thị” của một bà bán nước có đầu óc kinh doanh. Từ e dè, nghi ngại ban đầu vì “thiên hạ sao có người rỗi hơi”, “nước liệu có đảm bảo vệ sinh hay uống vào bị Tào Tháo rượt”… nhiều người mon men đến rót nước uống thử.
|
Ban đầu chỉ là những bà, những anh bán ve chai, vé số, trái cây dạo, xe ôm… luôn sẵn lòng tiếp nhận những thứ được gọi là “miễn phí”. Dần dà, những đứa trẻ lang thang đánh giày, người bán báo, sinh viên, học sinh cũng đến uống. Và nay, ngay cả giới văn phòng, người đi xe gắn máy… khu vực đường Võ Văn Tần, Phan Đình Phùng, Pasteur…cũng tranh thủ lấy bình đong nước dùng dần.
Nhiều người dùng “trà đá miễn phí” thương hiệu “góc ngã tư đường” riết cũng không thèm tìm hiểu “tác giả” của bình trà đá ấy. Cứ thấy tiện thì dùng cho đã cơn khát, rồi rồ ga phóng xe đi. Những nghi ngại ban đầu về “chủ nhân” bình trà đá cũng dần biến mất.
“Mỗi ngày, chọn một niềm vui”
Phải qua nhiều “kênh thông tin”, từ những người bán vé số dạo quanh Câu lạc bộ thể dục thể thao Phan Đình Phùng đến giới xe ôm thạo tin, chúng tôi mới tìm ra được người gần hai năm nay, ngày nào cũng để sẵn bình trà đá miễn phí góc ngã tư đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần mà không thu một đồng phí.
“Chị cũng phải cho chúng tôi biết cái tên với chứ!”. Phải năm lần bảy lượt năn nỉ, giải thích, người đàn bà dáng người thấp bé, khuôn mặt rám nắng mới cho chúng tôi biết tên: “Chú cứ gọi tôi là Liên cà phê”.
Tên đầy đủ của “Liên cà phê” là Nguyễn Thị Ngọc Liên nhưng chị nói, lâu lắm rồi, chẳng ai gọi tên đầy đủ mà cha mẹ đã đặt cho chị từ thuở lọt lòng. “Tôi cũng không dễ coi cho lắm, chú đừng đưa hình tui lên” - chị lưu ý.
Chị Liên kể, sau cái chết của người anh trai, chị phát nguyện mỗi ngày phải làm việc thiện để linh hồn của anh được siêu thoát. “Làm việc thiện”, nghe đơn giản nhưng chị cũng không biết bắt đầu từ đâu. Thế là chị suy nghĩ ngay từ công việc bán nước giải khát lề đường đã nuôi sống gia đình chị gần 15 năm nay. Chị quan sát trời Sài Gòn nóng bức, nhiều người đi đường dừng lại ở góc ngã tư ai nấy đều mồ hôi đầm đìa. Và chị nghĩ đến bình trà đá…
|
Ấy vậy cũng đã gần hai năm. Mỗi ngày, chị dậy thật sớm dọn hàng, không quên chuẩn bị nước trà, đá lạnh bỏ vào thùng nhựa đặt ngay góc ngã tư. “Tổng chi phí” cho thùng trà đá của chị Liên vào khoảng 22.000 đồng. Đối với nhiều người, số tiền ấy còn không đủ một bát phở sáng, một ly cà phê máy lạnh nhưng với chị Ngọc đó là một nửa ngày lao động.
Một “Mạnh Thường Quân” làm việc tại sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần thấy cảm thương cho người đàn bà “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” ấy đã “tài trợ” một bình đựng nước bằng inox, một bộ ly nhựa sạch bong. Chị Liên vui lắm khi bình trà đá bằng nhựa của chị được “nâng cấp” lên inox. “Nhìn vừa sang, lại vừa sạch” - chị Liên cười vui.
“Nghề chính” của chị Liên là bán cà phê cho khách xem kịch trong khuôn viên sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần. Một tuần, sân khấu kịch mở cửa diễn 3 ngày. Đó cũng là cơ hội mưu sinh của chị. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Hùng cũng vất vả. Anh làm nghề sửa, vá xe ngay góc ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần, thu nhập cũng thấp.
Hỏi chị có thể cầm cự đến bao lâu, chị Liên cười: “Đến khi nào tui còn có khả năng. Làm việc thiện, tâm hồn tui thấy thanh thản và tin linh hồn anh trai tui sẽ sớm siêu thoát”.
Nhưng điều chị vui hơn là có người cũng biết chọn niềm vui như chị. Thỉnh thoảng, một người khách chạy xe gắn máy dừng lại dúi vào tay chị 50.000-100.000 đồng gọi là góp chút ít lòng thành để duy trì “bình trà đá miễn phí”.
Trần Duy
Bình luận (0)