Chi tiết chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden

04/05/2011 00:20 GMT+7

Theo thông tin từ Nhà Trắng, cuộc đột kích vào khu nhà của thủ lĩnh al-Qaeda tại Pakistan diễn ra hết sức gay cấn đến nghẹt thở.

Bầu trời Abbottabad khuya 1.5, rạng sáng 2.5 rất nhiều mây (giờ địa phương, không phải đêm 30.4 như thông tin trước đó), lý tưởng để triển khai Geronimo, tên chiến dịch tìm diệt Osama bin Laden. Chiến dịch này buộc phải tạm hoãn vào đêm trước đó vì trời quang đãng, có thể khiến trực thăng của Mỹ bị lộ.

 
Nơi Osama bin Laden bị tiêu diệt - Ảnh: Reuters

Chiến dịch Geronimo

Trong đêm tối trời không sao, 4 chiếc trực thăng của Mỹ chở theo 80 người lướt xuyên màn đêm đen kịt. Hai chiếc Black Hawk và hai chiếc Chinook bay ở độ cao thấp nhất có thể để tránh tầm phát hiện của radar. Đến gần mục tiêu ở Abbottabad, 2 trong số trực thăng bay thẳng lên hướng nóc dinh thự, còn 2 trực thăng kia bay vòng ngoài chờ tiếp ứng.

Thông tin trái chiều

Tờ The Nation của Pakistan hôm qua loan tin người kết liễu Osama bin Laden không phải là biệt kích Mỹ mà là chính vệ sĩ của ông ta. Tờ này dẫn một số nguồn tin giấu tên cho rằng các vệ sĩ bắn chết bin Laden để ông ta không bị Mỹ bắt sống. Một số quan chức Pakistan giấu tên còn nói không có dấu hiệu bắn nhau trong khu nhà cũng như có bằng chứng cho thấy bin Laden bị bắn ở cự ly gần.

Ngay khi nhận thức được tình hình, lính gác của bin Laden lập tức khai hỏa từ nóc nhà và tấn công trực thăng Mỹ bằng súng phóng lựu, theo Đài CBS. Bản thân thủ lĩnh al-Qaeda cũng xách súng AK-47 bắn thẳng vào trực thăng. Một chiếc Black Hawk đột ngột mất lái và rơi. CNN dẫn lời một quan chức Nhà Trắng miêu tả lại lúc đó, giới chức Mỹ như đứng tim vì nó gợi lại ký ức về chiếc Black Hawk bị bắn rơi tại Somalia vào năm 1993. May mắn là lần này các biệt kích đã kịp dùng dây đu xuống khu nhà của bin Laden.

Đến lúc này, cả thành phố choàng tỉnh, cư dân ló đầu ra khỏi nhà để xem chuyện gì đang xảy ra. Các đặc vụ CIA dùng tiếng địa phương Pashto yêu cầu mọi người vào nhà và đóng chặt cửa lại, theo CNN. Khoảng 24 thành viên của đội đặc nhiệm thuộc lực lượng SEAL, được trang bị kính hồng ngoại nhìn xuyên đêm, đã tuột dây từ 2 trực thăng Chinook xuống ngôi nhà của bin Laden. Sau khi tiêu diệt lính gác ở tầng 1, họ nhanh chóng lục soát từng phòng và nhất cử nhất động đều được truyền trực tiếp về Washington.

Bin Laden và gia đình sống ở tầng thứ 2 và thứ 3, và thủ lĩnh al-Qaeda là người bị tiêu diệt sau cùng, vào khoảng 10 phút cuối của vụ đột kích kéo dài 40 phút. Cố vấn chống khủng bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama là John Brennan cho hay vợ của bin Laden nhào ra đỡ đạn cho chồng và trúng đạn vào bắp chân.

Biệt kích “vô hình”

Theo báo Washington Post, đội đặc nhiệm có công tiêu diệt bin Laden luôn nằm trong vòng bí mật. DEVGRU, hay SEAL Team Six được thành lập cách đây hơn 30 năm sau khi Lầu Năm Góc thất bại trong vụ giải cứu con tin người Mỹ tại Iran vào năm 1980. Tư lệnh của DEVGRU là thiếu tướng Edward Winters. SEAL Team Six thường truy lùng các mục tiêu tại Yemen, Somalia và hiện chủ yếu ở Afghanistan. AP dẫn lời Craig Sawyer, cựu thành viên của lực lượng này, nói rằng đội đặc nhiệm này bí mật tới mức “gần như không tồn tại”. Ông Sawyer cho hay SEAL Team Six là tập hợp những thành viên ưu tú nhất, những người luôn biết rằng thất bại là điều không thể chấp nhận.

Bản thân bin Laden chống trả quyết liệt bằng AK-47 nhưng bị biệt kích bắn 2 phát vào ngực và mặt khiến ông ta chết tại chỗ. Ngay lúc đó, người chỉ huy chiến dịch nói vào camera: “Geronimo E-KIA” (E-KIA là viết tắt của câu “Enemy killed in action” - tức kẻ địch đã bị tiêu diệt trong trận chiến).

Sau khi bin Laden đã bị bắn chết, đội đặc nhiệm Mỹ đưa một số đàn ông rời khỏi hiện trường bằng trực thăng, trong khi 4 trẻ em và 2 phụ nữ, trong đó có con gái của trùm khủng bố là Safia, đã được chuyển đi trên xe cứu thương. Hiện trường chỉ còn lại những vũng máu khô và các máy tính bị hư hỏng hoàn toàn.

Xác định mục tiêu

Như thông tin trước đó, chiến dịch Geronimo bắt nguồn từ đầu mối duy nhất là nhân dạng kẻ đưa tin thân tín của bin Laden. Đến hôm qua, CNN dẫn lời giới chức Mỹ tiết lộ tên của người này là Abu Ahmad, người gốc Kuwait. CIA đã đưa số điện thoại di động của Ahmad vào danh sách theo dõi đặc biệt vào năm 2007.

Tuy nhiên, phải mất 3 năm sau, họ mới xác định được chỗ ở chính thức của Ahmad, vì tay này hành động vô cùng cẩn thận. Mỗi lần về khu nhà ở Abbottabad, Ahmad tắt di động trước 90 phút và tháo pin điện thoại. Khi rời khỏi khu nhà, kẻ đưa tin cũng chờ hơn 90 phút mới mở lại điện thoại. Do đó, CIA tìm thấy dấu vết của Ahmad trên toàn lãnh thổ Pakistan, nhưng không nơi nào gần Abbottabad.

Sau khi các dấu vết cho thấy khu vực mang tên Waziristan nhiều khả năng là nơi ẩn náu của bin Laden, nơi này đã lọt vào tầm ngắm theo dõi liên tục của tình báo Mỹ. Washington tận dụng đủ mọi phương tiện để theo dõi khu nhà, từ vệ tinh, máy bay do thám đến việc cài điệp viên CIA gốc Pakistan vào các nông trại trong vùng.

Việt Nam lên án hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức

Ngày 3.5, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước cái chết của Osama bin Laden, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Việt Nam phản đối chủ nghĩa khủng bố và lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức. Những kẻ khủng bố phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình và cần phải bị nghiêm trị. Việt Nam sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế đấu tranh chống khủng bố phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế”.

TTXVN

Sau đó, CIA chụp được một tấm hình với nhân dạng y hệt bin Laden từ khu nhà. Đến lúc này, Tổng thống Obama mới quyết định tiến hành cuộc họp đầu tiên hôm 14.3 để hoạch định kế sách tiêu diệt kẻ thù số 1 của nước Mỹ.

Đầu tiên, giới chức Washington cân nhắc khả năng dùng 2 máy bay tàng hình B2 ném khoảng hơn một chục quả bom nặng gần 1.000 kg xuống mục tiêu.

Tuy nhiên, sau khi biết được hành động này sẽ xóa sổ hoàn toàn khu nhà, ông Obama quyết định chuyển sang kế hoạch khác, vì Mỹ muốn phải thu được xác của bin Laden để xét nghiệm ADN. Giải pháp dùng máy bay không người lái Predator cũng loại trừ vì không đáp ứng được yêu cầu này.

Cuối cùng, Tổng thống Mỹ quyết định dùng đến lực lượng tinh nhuệ SEAL của hải quân. Một số thành viên được chọn thuộc đơn vị SEAL Team Six, hay còn có tên DEVGRU, thuộc biệt kích SEAL đã chuyển đến căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan, nơi CIA đã dựng nên bản sao của “Khu nhà Waziristan” để diễn tập các tình huống. Sau đó, nhóm biệt kích đã được chuyển đến căn cứ không quân Tarbela Ghazi ở tây bắc Pakistan để chờ lệnh xuất kích vào đêm 1.5.

Ông Obama theo dõi trực tiếp cuộc tấn công

Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng nhiều quan chức cấp cao ngồi trong Phòng tình huống tại Nhà Trắng theo dõi trực tiếp cuộc tấn công tiêu diệt Osama bin Laden.

 
Quan chức cao cấp Mỹ theo dõi cuộc tấn công tiêu diệt bin Laden - Ảnh: Time

Hình ảnh được truyền trực tiếp về Nhà Trắng từ máy quay gắn trên mũ bảo vệ của một biệt kích SEAL qua vệ tinh, theo tạp chí Time. Ông Obama cùng các cộng sự chứng kiến cảnh bin Laden bị bắn vào mắt trái. Trong 40 phút, không khí trong phòng vô cùng căng thẳng. Bức ảnh chụp từ Phòng tình huống cho thấy Tổng thống Obama, Phó tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates trông rất lạnh lùng, trong khi Ngoại trưởng Hillary Clinton trông có vẻ hồi hộp khi lấy tay che miệng. Đến khi đội biệt kích xác nhận bin Laden đã chết thì mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. “Những giây phút trôi qua dài như mấy ngày”, cố vấn John Brennan kể lại.

Văn Khoa

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.