Đăng ký dự thi ĐH, CĐ (phía Bắc): Tập trung vào các trường vừa sức

05/05/2011 23:05 GMT+7

Hôm qua 5.5, buổi bàn giao hồ sơ (HS) đăng ký dự thi (ĐKDT) các trường ĐH, CĐ khu vực phía Bắc đã diễn ra tại Hà Nội. Xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh (TS) có nhiều biến động.

 

Sở GD-ĐT các tỉnh phía Bắc bàn giao HS ĐKDT cho các trường ĐH, CĐ trong ngày hôm qua  - Ảnh: Ngọc Thắng 

 

Sư phạm mất ngôi

Ngành sư phạm không còn sức hút đối với TS. Sinh viên ra trường có mức lương rất thấp, không bằng tiền bố mẹ đầu tư cho đi học nên các em không muốn vào

Ông Nguyễn Thanh Hà - Trưởng phòng GDCN, Sở GD-ĐT Thái Nguyên

Trước đây, ở các tỉnh phía Bắc, sư phạm là ngành học được TS lựa chọn đông nhất, nhưng giờ đã thay đổi. Đại diện Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết, trước đây có khoảng 30.000 - 40.000 TS đăng ký vào các trường sư phạm nhưng nay giảm khoảng 2/3. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) của Sở GD-ĐT Bắc Ninh, năm nay trong số 30.000 HS ĐKDT thì chỉ có 1.000 vào sư phạm. Các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nam Định, Phú Thọ... cũng trong tình trạng tương tự.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Thanh Hà - Trưởng phòng GDCN của Sở GD-ĐT Thái Nguyên, cho rằng: “Ngành sư phạm không còn sức hút đối với TS. Sinh viên ra trường có mức lương rất thấp, không bằng tiền bố mẹ đầu tư cho đi học nên các em không muốn vào. Trong khi đó, các vùng khó khăn thiếu giáo viên trầm trọng nhưng lại không tuyển được. Nhiều sinh viên ra trường không có việc làm nhưng cũng không về do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng”. Ông Hà cảnh báo: “Nếu Nhà nước không kịp thời điều chỉnh thì ngành sư phạm sẽ rơi vào khủng hoảng”.

Giảm hồ sơ ở trường điểm cao và ngành xã hội

- Các trường có HS tương đương năm trước gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội: 16.000 HS; ĐH Mỏ - Địa chất: 15.000 HS; ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội: 15.300 HS; ĐH Thủy lợi: 13.901 HS.

- Các trường có số HS ĐKDT giảm: Học viện Báo chí và Tuyên truyền có 7.681 HS, giảm hơn năm trước 1.000 HS. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội): 6.513 HS. Một số trường có mức điểm chuẩn cao cũng có xu hướng giảm như: ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội)  có 16.000 HS ĐKDT cả hai khối A - B, giảm hơn năm trước 2.000 HS.

Bà Hoàng Bảo Hòa - Phó phòng GDCN của Sở GD-ĐT Hà Nam cho biết: “Hiện chỉ con nhà nghèo mới đăng ký vào trường sư phạm vì được miễn giảm học phí, nhưng ngay cả đối tượng này cũng không còn mặn mà nữa vì đời sống giáo viên rất khó khăn. Với mức lương khởi điểm chỉ có hơn 700.000 đồng/tháng thì không sống nổi. Trong khi  những ngành khác như kinh tế, ngân hàng có thu nhập gấp 10 lần”.

Khối ngành công - nông được ưa chuộng

Năm nay, số lượng HS ĐKDT vào các trường phía Bắc tăng mạnh ở các trường tốp giữa và hai ngàn­h công nghiệp - nông nghiệp.

Trường ĐH Công nghiệp có tới 72.000 HS ĐKDT, tăng hơn 20.000 bộ so với năm trước. ĐH Nông nghiệp nhận được 50.753 bộ HS (trong đó khối A: 18.183, khối B: 32.570) tăng hơn so với năm trước khoảng 7.000 bộ HS. Trường ĐH Lao động xã hội có 8.000 HS, tăng hơn năm trước 1.000 bộ.

HS ĐKDT vẫn tiếp tục tăng ở những trường đào tạo khối ngành kinh tế. ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội có 25.000 HS, tăng khoảng 3.000 HS so với năm trước. ĐH Ngoại thương Hà Nội có 8.700 HS, tăng khoảng 200 HS.

Năm nay số TS ĐKDT vào trường  ngoài công lập vẫn rất ít. Trường ĐH Hà Hoa Tiên, đóng trên địa bàn tỉnh Hà Nam nhưng toàn tỉnh chỉ có 50 TS nộp HS vào trường. ĐH Hòa Bình cũng chỉ nhận được 200 HS. Một số trường ĐH có tổ chức thi thì số HS cao hơn nhưng vẫn không đáng kể so với các trường công lập. Chẳng hạn ĐH Chu Văn An nhận được khoảng 2.000 HS, ĐH Thăng Long khoảng 3.800 hồ sơ, ĐH Đại Nam gần 2.000 HS.

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.