Ngẫu nhiên, chúng tôi có mặt trong một buổi tập cồng chiêng thú vị của HS trường này. Những bài chiêng, thay vì được tấu lên từ các cộng đồng làng, từ mùa lễ hội, đã vang lên ở một ngôi trường dành cho HS bản địa. Sự háo hức lộ rõ trên khuôn mặt các em. Cứ hai tuần một lần, hoạt động văn hóa bổ ích này diễn ra. 5 đội cồng chiêng, xoang của các khối lớp từ 6-9 đã có dịp chuyển đi thông điệp gìn giữ văn hóa truyền thống qua các kỳ hội diễn văn nghệ cùng các ngày vui từ cộng đồng làng. Hiện trường có 150 HS với đa số là người dân tộc Bahnar, Jrai và gần một nửa trong số này chơi cồng chiêng, xoang khá thành thạo.
|
Cơ duyên để cồng chiêng, xoang được đưa vào các buổi học ngoại khóa của trường kể từ khi thầy Lê Hữu Phong về làm hiệu trưởng từ ba năm nay. Có dịp lặn lội khi còn làm giáo viên ở các xã vùng xa, vùng sâu H.Mang Yang, rồi làm Trưởng phòng Văn hóa - thông tin của huyện, thầy Phong có điều kiện hiểu hơn giá trị văn hóa bản địa. “Ngoài việc nâng cao dân trí, tạo nguồn cho địa phương thì theo chúng tôi, giáo dục cho các em hiểu và nâng niu giá trị văn hóa của dân tộc mình cũng là một một nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi đã mời nghệ nhân Nay Phai từ H.Krông Pa (Gia Lai) đến tận trường dạy chơi chiêng cho các em. Một số thầy trong trường cũng học theo để dạy lại cho HS các năm sau” - thầy Phong kể.
Những bài chiêng của lễ Pơthir (bỏ mả), lễ mừng lúa mới… đều được HS của trường chơi thành thạo. Em Ban, một HS và cũng là thành viên trong đội chiêng của trường cho biết: “Ở làng, nhiều bạn không thích cồng chiêng, chiêng cũng ít đi nên em không còn được học, được chơi như ở trường. Nghe em chơi cồng chiêng, các ông trong làng của em vui lắm. Họ bảo trường dạy hay!”. Ngoài việc dạy chơi chiêng, các HS nữ cũng được dạy xoang. Sau giờ học buổi tối, nhiều đội chiêng của trường tập trung nhẩm lại giai điệu và luyện tập các bài chiêng mới vừa học. Biết được điều này, hẳn nhiều người già từ các cộng đồng làng sẽ thật vui mừng.
Trần Hiếu
Bình luận (0)