Những trạm xăng tự dưng trục trặc phải nghỉ sửa chữa; một số cây xăng treo biển hết hàng; không ít đại lý mở trễ, đóng sớm... Tình trạng bán xăng dầu nhỏ giọt bắt đầu từ những ngày cuối tháng 4 và đang lan rộng khi tin đồn chuẩn bị tăng giá xăng dầu rộ lên. Có thể thấy, những hiện tượng đang diễn ra hiện nay giống hệt như các đợt tăng giá xăng dầu trước đây khiến người dân không thể yên lòng. Còn nhớ hồi tháng 3 vừa qua, tin đồn tăng giá xăng dẫn đến tình trạng găm hàng, bán xăng nhỏ giọt diễn ra khắp nơi bất chấp sự vào cuộc của các cấp ngành liên quan. Và kết quả cuối cùng là giá xăng dầu được điều chỉnh với mức tăng mạnh nhất trong lịch sử ngành xăng dầu. Quan trọng hơn khi đó, Bộ Tài chính cũng khẳng định nếu tính đủ thuế và lợi nhuận cho doanh nghiệp thì mức điều chỉnh giá bán lúc đó mới chỉ bằng 34,73% đến 50,27% tổng mức giá phải điều chỉnh theo quy định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Giải thích này thực tế đã để ngỏ khả năng có thể tăng giá xăng dầu sau đó. Đấy là những lý do, dù các cấp, ngành có thẩm quyền đã lên tiếng bác bỏ, nhiều người vẫn nghi ngại "kịch bản" tăng giá xăng dầu vẫn có thể xảy ra.
Trong bối cảnh giá cả hàng hóa đã tăng quá mạnh, CPI 4 tháng đầu năm đã gần 10% hiện nay, dù giá xăng dầu (hay một số mặt hàng thiết yếu khác) có thể chưa hợp lý nhưng phải khẳng định, đây không phải là thời điểm thích hợp để bàn đến chuyện tăng giá. Chúng ta ủng hộ việc thị trường hóa một số mặt hàng được bao cấp lâu nay nhưng cần phải có một lộ trình phù hợp bởi giữa giá bao cấp với giá thị trường vẫn là một khoảng cách rất lớn. Nếu nóng vội, chắc chắn sẽ gây sốc cho nền kinh tế. Đó là chưa kể việc hạch toán chi phí cụ thể của ngành xăng dầu; thực tế các doanh nghiệp kinh doanh lỗ lãi như thế nào; tình trạng buôn lậu xăng dầu chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng kinh doanh xăng dầu... vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải cụ thể.
Chúng ta đều biết, tin đồn luôn đi theo "lộ trình", đầu tiên là việc bán xăng dầu nhỏ giọt, sau đó tiếp tục đến việc hàng hóa tát giá theo xăng. Những điều này đã, đang và sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp và sự tăng trưởng của kinh tế. Vì vậy, đây là lúc Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải có những biện pháp mạnh để dẹp bỏ tin đồn. Đặc biệt, phải kiên quyết không "hợp pháp hóa" tin đồn thông qua việc điều chỉnh giá xăng dầu để tạo lòng tin cho người dân. Có như vậy mới mong giảm được lạm phát kỳ vọng, tiến tới kiểm soát được lạm phát - nhiệm vụ mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)