Ngành CNSH trong nước đang thiếu nguồn nhân lực trình độ cao - ảnh: Q.T |
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, nhiều địa phương đã ứng dụng CNSH vào trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như việc triển khai 14 đề tài chọn tạo giống cây trồng nông, lâm nghiệp bằng phương pháp chỉ thị phân tử đã chọn tạo được 7 giống lúa chịu hạn, 2 giống lúa kháng đạo ôn, 4 giống lúa kháng rầy nâu, 2 giống lúa thơm chất lượng cao, 2 giống chè có triển vọng về năng suất, chất lượng, 8 giống bông kháng bệnh xanh lùn... Trong lĩnh vực chăn nuôi, các kết quả nghiên cứu đã lựa chọn được môi trường bảo quản tinh dịch dài ngày, cải tiến được các quy trình công nghệ tạo phôi, cấy truyền phôi, đông lạnh phôi lợn và bò trong ống nghiệm. Việc sử dụng tinh nhân tạo giúp bò trưởng thành tăng từ 180 kg/con lên 250 - 300 kg/con, tỷ lệ xẻ thịt tăng 1,5 lần...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít đề tài CNSH vẫn chỉ là thí nghiệm, nhiều nhiệm vụ khoa học (KH) chậm triển khai, thậm chí không ít đề tài đang nằm lưu cữu trong phòng thí nghiệm. Nguyên nhân chính do lực lượng nghiên cứu CNSH mỏng, thiếu cán bộ trình độ cao... “Việc đào tạo nguồn nhân lực CNSH rất khó khăn do năng lực ngoại ngữ của cán bộ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. Vì vậy, cho đến nay đã tuyển chọn được 224 người, nhưng số cử đi đào tạo được rất ít do họ thực sự yếu về ngoại ngữ” - ông Nguyễn Tấn Hinh, Phó vụ trưởng Vụ KH công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT) cho biết.
Một trong những trở ngại lớn khác là kinh phí từ ngân sách dành cho việc đào tạo nhân lực quá thấp, đặc biệt là cơ chế về cấp kinh phí cho việc đào tạo trong nước chưa rõ ràng, nên phần lớn người học không thích làm nghiên cứu ở các cơ sở trong nước.
Mở đường cho DN
Sẽ có chính sách khuyến khích phát triển CNSH Bộ NN - PTNT sẽ đề xuất các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, địa phương tham gia vào hoạt động nghiên cứu và phát triển CNSH; phối hợp với các đơn vị quản lý từ T.Ư đến địa phương và DN tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá các kết quả nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất... Cùng với đó, tạo điều kiện cho các cơ sở KH mở rộng liên kết, tổ chức đào tạo và nhập khẩu công nghệ, thiết bị của nước ngoài mà trong nước chưa sản xuất được để triển khai thực hiện các dự án nghiên cứu ứng dụng. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát |
TS Dương Công Kiên (ĐH KH tự nhiên TP.HCM), bộc bạch: “Tôi tự bỏ kinh phí để xây dựng trung tâm này trước hết là để đáp ứng một phần nhu cầu về giống cây trồng của nông dân quá lớn, sau đó là để có nơi cho các em sinh viên đến thực tập. Nếu tính toán hết những công sức bỏ ra thì rất lớn, chưa kể chi phí nhân công, điện nước mỗi tháng xấp xỉ 40 triệu đồng. Vậy mà chưa hề nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước, ít nhất là các chi phí ưu đãi cơ bản về điện, nước...”. Ông Trần Huy Đường - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cũng trăn trở về việc nông dân và các DN nhỏ hiện nay chưa có những chính sách ưu đãi để phát triển.
TS Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm Sinh học TP.HCM, kiến nghị: “Hiện nay nhu cầu về chế phẩm SH, các giống cây trồng mới trong nước rất lớn. Nhà nước nên xem xét mua lại công nghệ này từ các công ty nước ngoài thay vì mất thời gian để các nhà KH trong nước nghiên cứu từ đầu. Nhà nước nên tập trung nguồn lực để giải quyết xong từng vấn đề CNSH mà thực tế đang có nhu cầu lớn, chứ nếu đầu tư tản mạn thì rất khó mang lại hiệu quả cao”.
Tại một hội nghị mới đây về CNSH, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định: “Nếu cứ chăm bẵm các viện KH của nhà nước thì không ăn thua, họ chưa đủ tầm. Phải DN mới đủ tầm, họ sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để mua công nghệ và thiết bị, miễn là đáp ứng đúng nhu cầu của họ. Do đó phải xây dựng cơ chế khuyến khích DN đầu tư, tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ KH. Có làm được như vậy thì trong tương lai ngành CNSH của đất nước mới có thể phát triển mạnh mẽ”.
Quang Thuần
Bình luận (0)