Osama bin Laden và al-Qaeda: Tổ chức thánh chiến

06/05/2011 00:07 GMT+7

Rời bỏ cuộc sống của một quý tử, Osama bin Laden đã tới Pakistan để tham gia lực lượng thánh chiến chống Liên Xô, với sự ủng hộ của Mỹ.

Ông Mohamed có ít nhất 54 người con, Salem là con trai đầu, người trở thành chủ nhân của Tập đoàn Bin Laden sau khi cha mình qua đời vì tai nạn trực thăng năm 1967.

Osama bin Laden là con của bà Hamida al-Attas, vợ thứ 10 của ông Mohamed. Bà Hamida sinh Osama vào năm 1957, khi mới 15 tuổi và sau đó ít lâu đã ly dị ông Mohamed.


Osama bin Laden trong thời gian tham gia hoạt động vũ trang ở Nam Á - Ảnh: AFP 

Đường đến Pakistan

Các tài liệu phổ biến cho biết thuở nhỏ Osama là tín đồ Wahhabi, một nhánh Hồi giáo dòng Sunni. Tư tưởng người con trai của Mohamed trong giai đoạn đầu chưa bộc lộ xu hướng cực đoan. Tuy nhiên, những diễn biến vào cuối thập niên 1970 và đầu 1980 đã có tác động sâu sắc tới Osama. Đó là giai đoạn Liên Xô đưa quân vào Afghanistan năm 1979 và duy trì sự hiện diện ở đó. Lúc bấy giờ, ở tuổi ngoài 20, Osama đã tới Pakistan để tham gia các tổ chức thánh chiến Hồi giáo chống Liên Xô. Cuộc gặp gỡ với giáo sĩ Abdullah Yusuf Azzam vào giai đoạn này đối với Osama như cá gặp nước. Với tầm ảnh hưởng trong các tổ chức vũ trang Hồi giáo, Azzam đã nhanh chóng thuyết phục bin Laden tham gia sâu hơn vào các hoạt động thánh chiến liên quan tới chiến trường Afghanistan. Đây chính là lúc mà mạng lưới al-Qaeda manh nha.

Ban đầu, bin Laden và Azzam thành lập tổ chức Maktab al-Khidamat, chịu trách nhiệm quyên góp tài chính, vũ khí và huy động nhân sự từ khắp thế giới Hồi giáo và Ả Rập để chi viện cho thánh chiến quân ở Afghanistan. Đây cũng là lúc Chiến dịch Bão xoáy do Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) triển khai đang ở giai đoạn cao trào. Chiến dịch này có nhiệm vụ tương tự như công việc mà Osama và Azzam đang thực hiện, đó là tuồn tiền và vũ khí cho các thủ lĩnh chống Liên Xô ở Afghanistan. Hai lực lượng vốn khác xa nhau về ý thức hệ, tôn giáo - tức là thuộc hai nền văn minh khác nhau - đã gặp nhau ở một điểm: họ có chung đối thủ.

Tuy nhiên, các tư liệu được công bố tới nay cho thấy vào thời điểm 1984, Osama bin Laden dường như chưa có liên hệ trực tiếp với Mỹ. Có thể có những nguồn tiền xuất phát từ Mỹ và Ả Rập Xê Út được rót cho tổ chức của Osama, nhưng một cái bắt tay trực tiếp thì chưa. Thế rồi, mọi sự dường như thay đổi sau một chuyến đi của Salem bin Laden, xuất phát từ khu dinh thự ở Florida và điểm đến là thành phố Peshawar của Pakistan, cách không xa biên giới với Afghanistan.

Trong cứ địa Peshawar

Cuối năm 1984, khi đang ở Mỹ, Salem mua sắm nhiều vật dụng để chuẩn bị tới Pakistan. Ông ta chất rất nhiều thứ vào các kiện hàng lớn, rồi chuyển tới bang Nam Carolina, từ đây, một công ty tàu biển có liên hệ với gia đình bin Laden chở hàng về UAE, sau đó tới Karachi ở Pakistan.

Bản thân Salem bay sang Đức, sau đó tới Anh, rồi qua Áo trước khi về Ả Rập Xê Út có quá cảnh ở Cairo, Ai Cập. Lúc ở Áo, Salem có gặp trùm buôn lậu vũ khí Adnan Khashoggi. Sau khi nghỉ ngơi một thời gian tại Ả Rập Xê Út, một ngày đầu hè 1985, Salem cùng 2 người bạn Mỹ, một kỹ sư hàng không Thụy Điển và tổ lái lên một chiếc máy bay Mitsubishi MU-2 để bay tới Karachi. Tại cảng Karachi, Salem nhận các kiện hàng lớn rồi sau đó chuyển lên thành phố Peshawar. Không ai biết ông ta chở cái gì, nhưng không loại trừ đó là vũ khí.

“Salem nói rằng Osama đang ở đấy và ông ấy là người trung gian giữa Chính phủ Mỹ, Ả Rập Xê Út và các lực lượng vũ trang ở Afghanistan”, người bạn Mỹ George Harrington sau này kể lại với tác giả Steve Coll (trong sách: Bin Laden: một gia đình Ả Rập trong thế kỷ Mỹ, 2008).

“Họ tiếp tục bay và sau đó đáp xuống một phi đạo đầy bụi ở Peshawar, mà Harrington không biết đấy là đường băng hay một con lộ thông thường”, tác giả Coll viết. Harrington kể lại ấn tượng đầu tiên về Osama: “Tôi thấy hắn ta cao hơn Salem rất nhiều (trên 1m9). Lúc bấy giờ hắn chừng 27 tuổi”. Sau khi gặp nhau, Salem và Osama nói chuyện bằng tiếng Ả Rập trong chừng hai tiếng đồng hồ. Tiếp đó, Osama dẫn anh trai mình và các vị khách tới thăm trại tị nạn và những nơi các tay súng thánh chiến ẩn náu. Salem dùng một chiếc máy quay phim nhỏ ghi lại hoạt động của Osama.

Sau chuyến đi, Salem đã trở về Ả Rập Xê Út và sau đó có thể đã tháp tùng Vua Fahd tới thăm Washington vào cuối năm 1985. Theo tác giả Coll, có thể đoạn phim quay các hoạt động của Osama ở miền biên giới Pakistan - Afghanistan đã được chuyển cho Tổng thống Ronald Reagan, để thuyết phục ông này tăng cường hỗ trợ các tổ chức vũ trang chống Liên Xô.

Hoạt động của Osama bin Laden trong tổ chức Maktab al-Khidamat chấm dứt vào năm 1988, khi có bất đồng với giáo sĩ Azzam, và al-Qaeda đã ra đời ngay lúc ấy. Đây cũng là năm mà Salem thiệt mạng khi đang lái một chiếc máy bay nhỏ ở Mỹ.

Sau sự ra đời của al-Qaeda, xu hướng cực đoan của Osama càng phát triển cao hơn khi Mỹ xua quân tới vùng Vịnh vào năm 1990 và sau đó là sự hình thành chính quyền Taliban ở Afghanistan vào năm 1996.

Đòi tiền thưởng


Gary Faulkner - Ảnh: Reuters 

Gary Faulkner, một công nhân xây dựng ở bang Colorado, Mỹ vừa lên tiếng đòi 1/4 số tiền 25 triệu USD của FBI treo thưởng cho cái đầu của Osama bin Laden, theo AP hôm qua. Faulkner thu hút sự chú ý vào năm ngoái khi một mình sang Pakistan để truy lùng bin Laden. Ông bị chính quyền Pakistan bắt hồi tháng 6.2010 khi đang lang thang trong một khu rừng ở phía bắc nước này với một khẩu súng ngắn, một thanh đoản kiếm và một cặp kính hồng ngoại. Faulkner khẳng định mình không bị tâm thần và tin rằng nhờ “cuộc truy lùng” của mình mà bin Laden phải rời vùng núi hiểm trở dọc biên giới Pakistan - Afghanistan để rồi bị biệt kích Mỹ hạ sát.

Trùng Quang

Đỗ Hùng
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.