Từ đó, HS thi khối A, khối B có nhiều cơ hội chọn trường để thi, chọn ngành nghề phù hợp với năng lực học tập của mình, khả năng đậu đại học nhiều hơn; ra trường dễ kiếm việc làm, lương bổng lại cao, như các ngành thuộc khối các trường kinh tế, kỹ thuật. Còn các trường đào tạo khối C vừa ít trường vừa không nhiều ngành nghề để lựa chọn, ra trường khó xin việc, lương lại thấp. Nên việc HS ít chọn các trường đào tạo ngành KHXH để theo học là tất yếu, như thực tế hiện nay.
Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt của vấn đề. Việc lựa chọn ngành nghề của HS chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố: gia đình, nhà trường và xã hội… Trong đó, vai trò của người thầy là rất quan trọng. Để HS yêu thích các môn KHXH, thì chính các thầy cô giáo dạy các bộ môn này phải truyền cho các em ngọn lửa đam mê qua mỗi tiết dạy của mình. Một tiết học văn mà cho các em thấm nhuần được ý nghĩa sâu sắc của nội dung tác phẩm, cảm thụ được cái hay cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ; một bài học lịch sử mà khơi gợi được ở các em lòng tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc, của loài người... cũng chính là đã bồi dưỡng cho các em những giá trị nhân văn, sẽ khiến các em yêu thích môn học. Từ yêu thích đến đam mê, các em sẽ không còn chán học Văn, ngại học Sử, lười học Địa như tình trạng phổ biến bấy lâu.
Tất nhiên không phải cứ yêu thích là các em sẽ thi vào các trường đại học đào tạo các ngành KHXH. Nhưng với các HS có thiên hướng về các môn XH, niềm đam mê sẽ khiến các em tự tin hơn trong việc định hướng nghề nghiệp, giúp các em vượt qua những rào cản của sự toan tính về việc làm, lương bổng sau này cũng như vượt qua những áp lực từ phía gia đình và XH để đến với ngành học mà mình yêu thích. Còn với các HS khác, đó cũng là một yếu tố giúp các em có những nhận thức tích cực, học các môn XH tốt hơn cho dù các em chọn ngành nghề gì chăng nữa.
Để làm được điều đó, người thầy cũng phải vượt qua những gánh nặng của cuộc sống đời thường để làm tròn sứ mệnh, truyền ngọn lửa đam mê từ chính mình cho HS.
Ba Hưng
Bình luận (0)