Dị nhân điêu khắc

07/05/2011 14:56 GMT+7

Da dẻ đỏ au, tóc râu trắng xóa, mặc áo cánh dơi tự may và đội mũ cao bồi, thoắt ẩn thoắt hiện ở Sài Gòn, Phạm Văn Hạng không chỉ là “dị nhân” trong đời thường mà đi tới đâu ông cũng để lại những tác phẩm không lẫn vào đâu được.

Ngồi uống bia với bạn bè, ông thường nói năng ồn ào, khoái hoạt như tính khí vốn có của một người con gốc Quảng Nam. Chính vì thế mà cũng có người không ưa Phạm Văn Hạng nhưng với tôi, ông là một người có cái tâm trong sáng, đặc biệt ông luôn coi trọng các giá trị văn hóa truyền thống.

Tác phẩm với xương sọ và... ruột người

Ngày 8.5.1970, cái tên Phạm Văn Hạng đã làm chấn động giới mỹ thuật Sài Gòn khi ông ôm một “bức tranh” từ vùng bom đạn Quảng Trị vào tham gia một cuộc triển lãm hội họa. Trong bức tranh S.O.S Việt Nam của ông (sau này Trịnh Công Sơn đổi thành Chứng tích) là một mảnh ván dài trên đó có đính những “hiện vật”: vỏ đạn, mảnh bom, những vòng rào kẽm gai, xương sọ và những đoạn ruột người đầy máu me (đã ngâm phoọc-môn)...

 
Tượng đài Mẹ Dũng sĩ ở Đà Nẵng - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ tác phẩm phản chiến này mà sau này hầu hết tác phẩm của Phạm Văn Hạng đều hướng đến sự lên án chiến tranh, khao khát tự do và đề cao hòa bình, điển hình như tượng đài Mẹ Dũng sĩ ở Đà Nẵng (thực hiện năm 1985) với chất liệu là... 10.000 vỏ đạn đại bác 105 ly được ông cắt, trui, gò, hàn suốt một năm để dựng nên một bức tượng hoành tráng cao 15m. Rồi Đài Tưởng niệm ở Hà Nội, tượng đài Nhà Đày Lao Bảo (Quảng Trị)... Ngay cả những “vườn tượng Phạm Văn Hạng” ở các địa phương gắn bó với ông (Đà Nẵng, TP.HCM, Đà Lạt) thì đề tài hòa bình lúc nào cũng là ý tưởng chủ đạo cho những tác phẩm trưng bày ở đó (chim bồ câu, trẻ em, bầu vú mẹ...).

Vườn tượng danh nhân

Ở vườn tượng mà ông đang sinh sống và làm việc hiện nay (số 2 Yên Thế, Đà Lạt), ngoài các tác phẩm nghệ thuật, còn có rất nhiều tượng của các văn nghệ sĩ quen thuộc là bạn bè của ông hoặc là người được ông ngưỡng vọng: các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Dzoãn Mẫn, Hoàng Giác, Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Thẩm Oánh, Trịnh Công Sơn, Tô Vũ, Dương Thiệu Tước, Trần Văn Khê...; các nhà văn, nhà văn hóa Nguyễn Tuân, Đào Duy Anh, Cao Xuân Hạo, các danh họa Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, các nhà thơ Hàn Mạc Tử, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Dần, Lê Đạt... Là một con người thích dịch chuyển, Phạm Văn Hạng luôn rong ruổi khắp miền đất nước. Ở đâu ông cũng có bạn bè, thân hữu mà đông nhất là giới văn nghệ sĩ. Cho nên không lạ khi ông sở hữu một bộ sưu tập ảnh chân dung của rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng (cất giữ để có tư liệu làm tượng của họ).

Những đề tài về lịch sử, văn hóa dân tộc cũng khiến ông đau đáu. Năm rồi, nhân Ngày đọc sách thế giới - Ngày hội tôn vinh sách và chữ viết (23.4.2010) ông đã đưa từ Đà Nẵng ra Hà Nội hai bức tượng của Hàn Thuyên và Alexandre de Rohdes để tặng Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ông lý giải: “Hàn Thuyên là người đặt nền tảng cho chữ Nôm, còn Alexadre de Rohdes là người tổng hợp ký tự Latin cho tiếng Việt mà Thư viện Quốc gia Việt Nam là nơi xứng đáng để vinh danh hai vị được coi là tổ của Việt ngữ xưa và nay”. Ngoài ra, cũng phải nhắc tới tác phẩm về những nhân vật lịch sử mà ông đã thực hiện: Lê Văn Duyệt, Phan Chu Trinh, bác sĩ Yersin (người tìm ra cao nguyên Lang Biang)...

Những công trình dang dở

Phạm Văn Hạng có đến hàng trăm tác phẩm nhưng khi hỏi ông tâm đắc cái nào nhất thì ông bảo, nếu xét về góc cạnh nghệ thuật thì tác phẩm Người chứng thực hiện trên 100 tấm đá granit trong khuôn viên Đại chủng viện Thánh Giuse (số 6 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM) là ông ưng ý hơn cả.

Nhưng điều khiến ông tâm huyết và thuyết minh thao thao bất tuyệt lại là... những ý tưởng, những dự án không chỉ trong tương lai mà là đã được vẽ thành mô hình, xây dựng hồ sơ đề án gửi đi những nơi có trách nhiệm và được nhiều lãnh đạo tâm huyết ủng hộ, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được hoặc thực hiện dở dang... Đó là phác thảo Biểu tượng Thống Nhất ấp ủ từ năm 1995, được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hết sức quan tâm. Đó là một biểu tượng hình trái tim bằng thủy tinh (khung titan) cao 15m, đặt trước Dinh Thống Nhất (ông Võ Văn Kiệt gợi ý là đặt giữa giao lộ Lê Duẩn - Pasteur) mà ông sẽ thực hiện với nhóm tác giả: kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, kiến trúc sư Vũ Đại Hải, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Hoài Hương... Đó là tượng Hoàng đế Quang Trung bằng đồng cao 3,7m đã hoàn thành từ năm 2006, đáng lẽ đã được đặt tại ngã ba Phú Tài, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), nhưng vì nhiều lý do nên vẫn còn “tạm trú” tại khu Trung Sơn (TP.HCM). Đó là Nhà nguyện tình yêu - một đồng cảm giữa ông và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (trước khi nhạc sĩ qua đời) là xây dựng một “nhà nguyện” cho những người yêu nhau đến sẻ chia, tâm sự... Đó là dựng tượng danh nhân Nguyễn Trãi trên một sườn núi nào đó ở Côn Sơn (Hải Dương), dự án này có từ những năm 1980 nhân kỷ niệm “600 năm Nguyễn Trãi”. Đó là tượng đài Con cháu vua Hùng (lập đề án từ năm 1989), dự án xây dựng tòa nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới (2007).

Đặc biệt là cuối tháng 11.2009, Phạm Văn Hạng đã gửi tới Tổng thống Mỹ Barack Obama ý tưởng xây dựng Nhà Hòa Bình: “Tôi trân trọng mời gọi tổng thống cùng tham gia khởi động và thể hiện một ý tưởng “Nhà Hòa Bình” - sẽ là nơi quảng bá và giao lưu văn hóa hòa bình giữa các dân tộc trên thế giới”.  

Tập thơ bằng đồng

 
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng - Ảnh: H.Đ.N 

Không chỉ nổi tiếng là nhà điêu khắc, Phạm Văn Hạng còn là một nhà thơ thực thụ. Không biết ông làm thơ lúc nào nhưng vào tháng 9.2007 Phạm Văn Hạng cho ra đời một tập thơ bằng đồng nặng đến 220 kg! Tập thơ có tên 30 năm tập tễnh làm thơ gồm 29 bài. Mỗi bài thơ được gò nổi với 4 ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh, Hoa trên những miếng đồng khổ 50 cm x 60 cm. Thơ ngắn nhưng hàm ý, súc tích. Phạm Văn Hạng nói rằng: “Bây giờ sao người ta làm thơ dễ quá! Riêng tôi lao động nghệ thuật cả đời chỉ có ngần ấy bài thơ nên phải bỏ ra 5 năm gò nổi lên những tấm đồng, để... nhỡ có bị cháy cũng còn cái để lại cho con cháu!”.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.