Ngỡ ngàng Siem Reap

07/05/2011 16:01 GMT+7

Đây là lần đầu tôi đặt chân đến tỉnh Siem Reap của Vương quốc Campuchia, nơi đang sở hữu quần thể Angkor nổi tiếng, ẩn mình trong khu rừng nguyên sinh bạt ngàn.

1. Ngày nay, bạn có thể truy cập trên internet để biết được nhiều điều về Angkor, một đế chế hùng mạnh của người Khmer hơn 1.000 năm trước.

Ở tỉnh Siem Reap, chữ Angkor được sử dụng khá phổ biến trong hoạt động kinh doanh khách sạn, phòng trọ, công ty lữ hành, nhà hàng, siêu thị, chợ, tiệm chụp hình... Ví dụ: Borei Angkor Resort & Spa, Angkor Holiday Hotel, Prince D’Angkor, Royal D’Angkor, King Angkor Villa, Extreme World Angkor Tours, Angkor Market… Chỉ tính riêng hệ thống 300 khách sạn từ 3 đến 5 sao ở Siem Reap, có đến 80% thương hiệu gắn liền với chữ Angkor. Về thức uống, Campuchia có một loại bia khá ngon, cũng mang tên Angkor. Bên cạnh Angkor, chữ Apsara cũng được dùng phổ biến. Hầu hết các bảng quảng cáo thương hiệu, bảng hiệu cơ quan do nhà nước quản lý và tên đường đều dùng song ngữ Khmer - Anh, một số nơi có thêm tiếng Pháp. Siem Reap vì thế mặc nhiên trở thành một vùng đất du lịch mang tính quốc tế. Phi trường quốc tế Siem Reap xem ra còn bề thế và nhộn nhịp hơn hẳn so với phi trường quốc tế của thủ đô Phnom Penh.

 
Tượng Bayon bốn mặt 

Ngay cả hãng hàng không mà đoàn nhà báo Việt Nam chúng tôi sử dụng để di chuyển theo hành trình: TP.HCM - Siem Reap - Phnom Penh -TP.HCM cũng có chữ Angkor: Cambodia Angkor Air. Tại sao phải là Angkor mà không dùng một từ nào khác? Tôi thử đặt câu hỏi như vậy để rồi cố tìm câu trả lời cho riêng mình. Đến khi đặt chân đến Angkor Thom và Angkor Wat, câu trả lời dần hiện ra…

Trong quá khứ, Angkor là một đế chế hùng mạnh, cai quản một vùng đất rộng lớn và giàu có. Đó là lý do khiến người Xiêm La (Siem, tổ tiên của người Thái Lan hiện nay) đưa quân sang xâm lấn. Cùng thời gian ấy, Miến Điện (Myanmar) cũng xua quân sang tấn công vào Ayutthaya - thủ đô của Xiêm La (Ayuthaya hiện chỉ còn là phế tích vì bị đốt cháy trụi, sau đó người Xiêm dời đô về Bangkok). Vì phải lo đối phó với 2 mặt trận khốc liệt, lực bất tòng tâm, quân lính Xiêm La đã bị người Khmer tiêu diệt sạch sẽ trên đất Angkor. Đó là lý do có chữ Siem Reap. Theo lời anh hướng dẫn viên du lịch người Khmer: Siem là người Xiêm La, Reap là bại trận, Siem Reap có nghĩa là Người Xiêm bại trận.

2. Toàn tỉnh Siem Reap có cả thảy 292 đền đài bằng đá, 80% trong số đó đang được ngành du lịch Campuchia khai thác đưa vào phục vụ cho du khách thập phương thưởng lãm.

Những công trình chính của quần thể Angkor phải kể đến Angkor Wat, Angkor Thom, Phnom Bakheng, Bayon, Preah Khan, Neak Pean, Ta Som, Banteay Kdei, Ta Prohm, Ta Keo…, cự ly di chuyển chỉ vài cây số, rất thuận tiện. Đó là quần thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và là kỳ quan nhân tạo của thế giới. Phần lớn những công trình này đang được trùng tu dưới sự tài trợ của các nước Nhật Bản, Đức, Ấn Độ, Mỹ… Công việc trùng tu, phục chế được thực hiện hết sức cẩn thận, đem đống đá đổ nát xếp chúng lại theo đúng vị trí nguyên bản một cách tỉ mỉ (chứ không phải như ở ta phục chế thành nhà Mạc ở Tuyên Quang giống như… cái lò gạch). Chỉ tính riêng việc phục chế thư viện cổ (khoảng 40m2) của Angkor Thom một cách cật lực, mất 4 năm rồi mà vẫn chưa xong. Thế mới biết người ta trân trọng di tích này như thế nào.

 
Angkor Thom - Ảnh: Đ.X.H

Giá trị lịch sử là vậy, những phiến đá, tượng đá ấy còn mang một giá trị kinh tế khủng khiếp. Nhiều thập niên trước, có khá nhiều tượng đá trong quần thể Angkor bị mất đầu. Sở dĩ chỉ mất cái đầu vì tượng người khá nặng, bọn trộm chỉ có thể “chặt” lấy thủ cấp mà thôi, rồi đem bán cho những tay săn cổ vật với giá khá ấn tượng: quy trọng lượng “món hàng” ra vàng. Ví dụ, chiếc đầu ấy nặng 5 kg sẽ được mua lại với số tiền tương đương 5 kg vàng 24K.

3. Ở Siem Reap, đồng đô la Mỹ được sử dụng thanh toán một cách phổ biến bên cạnh đồng riel bản xứ. Nếu bạn không kịp đổi USD sang riel cũng chẳng hề gì, vì mọi giao dịch, mua bán ở vùng đất này đều có thể quy thành USD. Khái niệm “đô la hóa nền kinh tế” vì thế được nhìn thấy một cách khá rõ. Đây là lần đầu tiên ra nước ngoài mà tôi không phải dùng USD đổi sang tiền bản xứ để chi tiêu. Kể cũng ngộ.

 
Angkor Wat - Ảnh: Đoàn Xuân Hải

Là miền đất du lịch nhưng giá sinh hoạt ở Siem Reap thuộc vào loại bình dân, phù hợp với thu nhập của người Việt Nam. Campuchia đang là điểm đến của đông đảo du khách Việt vì giá tour có thể chấp nhận được. Theo thống kê của Bộ Du lịch Campuchia, du khách Việt Nam đang dẫn đầu về số lượng đến Siem Reap, tiếp theo là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Du khách của ta đến Campuchia bằng đường bộ là phổ biến. Thế nhưng di chuyển bằng ô tô từ Sài Gòn đến Siem Reap nhanh nhất cũng phải mất nửa ngày ngồi bó gối trên xe, rất bất tiện đối với người già và trẻ em. Để giải tỏa sự ức chế, ngại ngùng đó, Công ty du lịch Vietravel đã liên kết với Cambodia Angkor Air mở tour TP.HCM - Siem Reap - Phnom Penh - TP.HCM di chuyển bằng máy bay mà giá cả, theo lời ông Trần Đoàn Thế Duy - Phó tổng giám đốc Vietravel - chỉ cao hơn vài trăm ngàn đồng so với đường bộ. Một thông tin đáng lưu ý cho những ai muốn khám phá xứ chùa tháp.

4. Ngày chúng tôi đến Siem Reap cũng là lúc quân đội 2 nước láng giềng đấu pháo dữ dội ở khu vực biên giới giữa tỉnh Surin của Thái Lan và tỉnh Oddar Meanchey của Campuchia. Cuộc chiến tranh này, có thể gọi như vậy, xuất phát từ sự tranh chấp về đường biên giới giữa hai nước. Và còn vì một lý do khác: ở tỉnh Oddar Meanchey (giáp với Siem Reap về phía đông-bắc) có khá nhiều đền đài giống như quần thể kiến trúc Angkor của Siem Reap. Trong đó, có đền Ta Krabek (người Thái gọi là Ta Kwai). Trước đó, Thái Lan và Campuchia cũng giao tranh ở khu vực đền Preah Vihear cổ kính được xây dựng cùng thời với Angkor Wat, trên địa bàn tỉnh Preah Vihear (giáp với Siem Reap phía tây bắc). Ai sở hữu những di sản trong vùng chiến sự này cũng đều có cơ hội “hốt bạc” khi đưa chúng vào khai thác du lịch. Có đến Siem Reap mới thấu hiểu điều này.

Ước tính có hàng triệu du khách đến tham quan di sản Angkor hằng năm, mỗi vé vào cổng là 20 USD/người (có giá trị sử dụng cho tất cả các điểm tham quan trong 1 ngày), số tiền thu được là rất lớn, chưa kể các dịch vụ “ăn theo” như khách sạn, nhà hàng, bán đồ lưu niệm... Ngành du lịch hiện chiếm 10% GDP của Vương quốc Campuchia. Trong tương lai, nếu Chính phủ Campuchia khai thác luôn các di sản khác như ở 2 tỉnh Oddar Meanchey và Preah Vihear thì lúc đó, cùng với Siem Reap, sẽ tạo thành một tam giác đầy triển vọng cho phát triển du lịch mà các nước Đông Nam Á khác không thể có được.

Có một cái gì đó buồn man mác toát lên trên những phiến đá ở Angkor. Ngay cả  tượng Bayon bốn mặt tuy nở nụ cười nhưng sao vẫn thấy nét buồn xa xăm trong ánh chiều tà. Phải chăng tượng buồn vì thời hoàng kim của đế chế Angkor đã đi vào dĩ vãng? Cũng có thể. Những phiến đá ấy tuy buồn và cũ kỹ nhưng lại đem đến cho du khách một sự tò mò, hồi hộp, để rồi kết thúc bằng niềm vui, mãn nguyện khi tận mắt nhìn thấy một tuyệt tác của người Khmer nói riêng và nay trở thành di sản chung của nhân loại.

Nếu có dịp, tôi sẽ trở lại Angkor lần nữa…

Đoàn Xuân Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.