“Siêu chiến binh” đặc nhiệm

08/05/2011 23:52 GMT+7

Vụ tiêu diệt Osama bin Laden cho thấy các lực lượng tinh nhuệ với khả năng hành động chớp nhoáng là “tài sản” quý giá của quân đội nhiều nước.

Sau chiến dịch đột kích tiêu diệt Osama bin Laden, người ta mới biết Mỹ đang sở hữu ít nhất một đơn vị biệt kích vô cùng bí mật, chuyên thực hiện những nhiệm vụ khó khăn nhất. Đó chính là Đội sáu (Team Six), tên chính thức là Lực lượng Phát triển chiến tranh đặc biệt của Hải quân Mỹ (DevGru), đơn vị chọn lọc nhất của đặc nhiệm SEAL. Đây được xem là một trong những lực lượng tác chiến đặc biệt mạnh nhất và thần bí nhất thế giới.


Các thành viên SEAL Đội sáu -  Ảnh: US Navy

Tinh nhuệ của tinh nhuệ

Đến nay, giới chức Mỹ vẫn một mực chẳng hé răng gì về SEAL Đội sáu, giống như họ vẫn thường làm trước đây. Hôm 6.5, Tổng thống Barack Obama đã gặp và khen ngợi những thành viên của chiến dịch tiêu diệt bin Laden, nhưng cuộc gặp diễn ra trong phòng kín và đến nay giới truyền thông vẫn chưa tìm được tên tuổi các “siêu chiến binh” này.

Thiếu tướng lính thủy đánh bộ Richard Mills thì không hề ngạc nhiên về chiến công mới nhất của Đội sáu. “SEAL Team Six là độc nhất vô nhị”, tờ Stars and Stripes dẫn lời tướng Mills nói.

Thực tế, Đội sáu ra đời từ một thất bại bẽ bàng trong lịch sử tình báo và quân đội Mỹ. Năm 1980, Mỹ thất bại trong chiến dịch Vuốt đại bàng nhằm giải cứu các nhà ngoại giao Mỹ bị bắt giữ làm con tin ở Iran. Kết quả là 2 máy bay bị bắn rơi, 8 lính Mỹ và một thường dân Iran thiệt mạng. Sau vụ này, Washington quyết định thành lập một đội đặc nhiệm tinh nhuệ, chuyên thực hiện các sứ mệnh cực kỳ bí mật, giảm khả năng thất bại xuống mức thấp nhất. “Bắt đầu với 75 tay súng, chi phí huấn luyện, đạn dược dành cho Đội sáu còn hơn cả toàn bộ lực lượng lính thủy đánh bộ lúc đó”, Tư lệnh đầu tiên của Đội sáu là Richard Marcinko kể với Reuters.

Ông Marcinko còn tiết lộ cái tên Đội sáu được chọn để đánh lừa các kẻ thù của Mỹ rằng Mỹ có nhiều đội biệt kích tinh nhuệ. Theo ước tính của nhiều hãng truyền thông, số thành viên của Đội sáu vào khoảng 200 - 300 người. Họ được chọn lọc cẩn thận từ những thành viên có năng lực nhất của lực lượng lớn hơn là SEAL, vốn có khoảng 2.300 người. Biệt kích SEAL phải trải qua ít nhất 5 năm huấn luyện mới được quyền đăng ký tham gia thi tuyển vào Đội sáu.

Dù sở hữu những kỹ năng hơn người, hầu hết thành viên SEAL đều không chịu nổi quá trình huấn luyện gian khổ trước khi chính thức được công nhận là thành viên của Đội sáu. Đại úy Kenneth Klothe, Trưởng khoa môn Chiến tranh bất thường tại Đại học Quân sự quốc gia ở Washington, cho hay sức ép về tâm lý còn dữ dội hơn so với áp lực lên thân thể và là yếu tố quyết định để một người có thể vào Đội sáu hay không. AFP dẫn lời đại úy Klothe cho hay cao lắm chỉ khoảng 1/3 số lính đăng ký hoàn tất được quá trình khổ luyện.

Các lực lượng đặc nhiệm khác

SEAL của hải quân không phải là lực lượng đặc biệt duy nhất của quân đội Mỹ. Trước đây, khi nói đến lực lượng đặc nhiệm, người ta thường nhắc đến cái tên Delta Force của Lục quân. Nhờ vào chiến công diệt được Osama bin Laden, SEAL Đội sáu đột nhiên nổi trội hẳn so với Delta Force. Sự khác biệt giữa 2 đơn vị này là về mặt lý thuyết, SEAL tiến hành những chiến dịch trên biển, trong khi Delta Force chịu trách nhiệm về các sứ mệnh trên bộ. Tuy nhiên, việc Tổng thống Obama chọn SEAL Đội sáu để tiêu diệt bin Laden cho thấy ranh giới giữa các đơn vị đặc nhiệm của Mỹ có thể bị xóa nhòa.

Bên cạnh SEAL, Delta Force, một số đơn vị đặc nhiệm của Mỹ còn có Lực lượng Mũ nồi xanh và Trung đoàn biệt động quân 75 của Lục quân; các Sư dù 82 và 101 của Không quân; Marine Force Recon của Lính thủy đánh bộ…

Một số chiến dịch của Đội sáu

Chiến dịch Vì công lý (1989)

Cùng sát cánh với Delta Force và các đơn vị đặc nhiệm khác, thành viên của Đội sáu tham gia bắt sống nhà độc tài Manuel Noriega khi Mỹ tấn công Panama vào tháng 12.1989.

Chiến dịch Cây thương lục (1990)

SEAL Đội sáu quay lại Panama để tham gia vào chiến dịch bí mật nhằm bắt trùm ma túy Colombia Pablo Escobar. Tuy nhiên, chiến dịch này đã thất bại do sơ suất của khâu tình báo.

Trận chiến Mogadishu (1993)

Bốn thành viên Đội sáu tham gia Chiến dịch Mãng xà Gothic, sứ mệnh của LHQ do Mỹ dẫn đầu nhằm truy bắt tướng Mohamed Farrah Aidid của Somalia và các cộng sự vào ngày 3.10.1993. Với sự phối hợp của nhiều đội đặc nhiệm Mỹ, ban đầu đây được cho là một sứ mệnh dễ dàng và ngắn gọn. Tuy nhiên, lực lượng phương Tây lọt vào ổ phục kích của các tay súng Somalia tại thủ đô Mogadishu. Kết quả là 160 lính Mỹ phải chiến đấu với từ 2.000 - 4.000 lính Somalia trong hai ngày 3 - 4.10. Tổng cộng, 19 lính Mỹ thiệt mạng, 84 người bị thương và lần đầu tiên trực thăng Black Hawk bị bắn rơi. Hình ảnh lính Mỹ bị bắt, bị trói và xác họ bị kéo lê trên đường phố trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với quân đội cũng như người dân Mỹ, và Tổng thống Bill Clinton phải ra lệnh rút quân khỏi Somalia. Trận chiến này sau đó được đạo diễn Ridley Scott dựng thành phim Black Hawk Down vào năm 2001.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.