Chó lạ hung dữ xuất hiện ở biên giới phía bắc

11/05/2011 01:55 GMT+7

Những con chó không rõ nguồn gốc, rất hung dữ tấn công nhiều người tại 2 huyện biên giới của tỉnh Lào Cai là Si Ma Cai và Mường Khương trong nhiều ngày qua đang khiến người dân địa phương hoang mang, lo sợ.

“Giống chó lai Bergie, màu lông đa dạng, thường đuổi cắn gia súc và người (giống như biểu hiện của bệnh dại) gây tâm lý hoang mang, lo sợ, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân”, ông Đào Duy Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lào Cai, nói.

 

 Một con chó lạ bị bắt sống, chuẩn bị đưa đi tiêu hủy - Ảnh: Phạm Linh

Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND H.Si Ma Cai, cho biết từ tháng 2 đến nay đã phát hiện tổng cộng 6 con xuất hiện tại 6 xã vùng biên giới: “Chúng rất hung dữ, cắn chó nhà nuôi, cắn gia súc, gia cầm. Gặp người là chúng cứ nhảy lên mặt, lên cổ mà cắn. Đã có 13 người trong huyện bị chó cắn”. Còn theo Phó chủ tịch UBND H.Mường Khương Phạm Bá Uyên, trên địa bàn huyện này đã phát hiện trên 10 con.

Thú lạ xuất hiện ở làng chài

Ngày 10.5, ông Cao Tấn Sơn, Trưởng công an xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) xác nhận từ đêm 6 đến 8.5, người dân làng chài Sơn Trà, xã Bình Đông đã nghe tiếng gầm rú của loài thú lạ từ trên núi Đình và phát hiện rất nhiều dấu chân trên cát (giống chân thuộc họ mèo, nhưng rất to, có đường kính khoảng từ 12-15 cm, hơn 20 con chó của người dân đã bị cắn đứt đầu, ăn hết ruột, gan. Dù chưa ai thấy rõ đó là con gì nhưng mọi người đều rất lo lắng, ăn ngủ không yên. Theo ông Cao Tấn Sơn, địa phương đã báo cáo với các ngành chức năng của huyện Bình Sơn; đồng thời lực lượng công an, bộ đội và kiểm lâm đã về kiểm tra, lùng kiếm nhưng chưa bắt được thú lạ. Chính quyền xã Bình Đông đã khuyến cáo người làng chài Sơn Trà không nên đi lại nơi nghi thú lạ ẩn nấp.

Hiển Cừ

Thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Thú y tỉnh Lào Cai, có tổng cộng 22 con xuất hiện và tấn công người, gia súc, gia cầm trên địa bàn các huyện Si Ma Cai và Mường Khương. Chúng xuất hiện tại các xã giáp biên giới của tỉnh Lào Cai với H.Mã Quan (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) như Nậm Chảy, Pha Long, Tả Gia Khâu, Thào Chư Phìn, Quan Thần Sán, Bản Mế, Si Ma Cai.

Nhiều phán đoán khác nhau về nguồn gốc

Những người dân vùng biên mà chúng tôi hỏi đều cho rằng chắc chắn những con chó này từ bên kia biên giới lạc sang, vì từ xưa đến nay ở đây chưa hề có giống chó như vậy và trên địa bàn cũng không có đơn vị thi công nào nuôi nhiều chó. Lại có người nói đó là những con chó do một trang trại nuôi chó phía bên kia biên giới để sổng ra và xâm nhập vào. Một số nguồn tin thì lại khẳng định, một xe chở chó bên Trung Quốc bị tai nạn, làm chó sổng ra chạy tứ tung... Chi cục Thú y tỉnh Lào Cai cho rằng, hiện chưa thể xác định chính xác nguồn gốc những con chó xuất hiện tại các huyện vùng biên giới giáp với Trung Quốc.

Chi cục Thú y tỉnh Lào Cai đã có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát tình hình bệnh dại và hiện tượng chó lạ trên địa bàn, triển khai các biện pháp ngăn chặn. “Thú y viên xã phối hợp với trưởng thôn, bản, tổ dân phố giám sát tình hình chó lạ tại địa bàn, tổ chức tiêu diệt chó thả rông, chó không rõ nguồn gốc, tiêu hủy xác chó và xử lý môi trường. Tổ chức tiêm vắc - xin phòng dại cho 100% đàn chó trong cư dân địa phương. Thường xuyên thông báo tình hình xuất hiện chó lạ gây hại và triển khai các biện pháp tiêu diệt chó lạ gây hại và phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh”, công văn viết.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Mường Khương Phạm Bá Uyên, hiện nay người dân và lực lượng chức năng trên địa bàn đã tiêu diệt được 6 con. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai, cho biết lực lượng chức năng của huyện đã bắt nhốt 6 con để theo dõi.

 Tăng cường biện pháp phòng chống

Hôm qua 10.5, UBND tỉnh Lào Cai có văn bản yêu cầu các địa phương trên địa bàn tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật. Công văn nêu rõ: cơ quan chức năng và chính quyền các cấp chủ động tổ chức tốt công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho 100% đàn chó trong diện tiêm phòng; tăng cường giám sát, phát hiện bệnh dại; tích cực tuyên truyền sự nguy hiểm, biện pháp phòng, chống bệnh dại; bắt buộc người bị chó, mèo cắn, cào... phải tiêm phòng bệnh dại; lập danh sách quản lý chó nuôi tới các thôn, tổ, cụm dân cư; thành lập các tổ, đội bắt giữ, tiêu diệt chó thả rông, chó không rõ nguồn gốc chạy rông...

UBND tỉnh giao Sở NN - PTNT chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố xác định nguồn gốc, dịch bệnh của đàn chó lạ...

Phạm Linh - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.