Bảo Quốc không bon chen, không hối hả đi trên đường nghệ thuật. Ông từ tốn hát, từ tốn sống, mặt lúc nào cũng nở nụ cười. Vậy mà khán giả và đồng nghiệp thương mến lạ lùng.
Diễn viên trẻ gọi ông là “chú Sáu”, có đứa thích bẹo má ông, cái má phúng phính! Hình như chẳng thấy ông hờn giận bao giờ. Ông tới tập tuồng, kiên nhẫn ngồi chờ cả tiếng đồng hồ, đến mức tụi nhỏ…sợ. Rồi tự động đi đúng giờ. Khỏi la khỏi rầy, cũng khỏi thuyết giáo dài dòng. Ông cứ làm tấm gương cho đàn em cháu bằng chính hành động của mình.
|
Ông làm live show để cả gia đình Thanh Minh - Thanh Nga có dịp hát chung với nhau, giờ chỉ còn lại Bảo Quốc, Hữu Châu, Hồng Loan, Hà Linh, Gia Bảo. Và cả những người đã khuất nhưng từng gắn bó với đoàn hát ngày xưa, giờ hiện diện trong những tác phẩm mà họ từng gây dấu ấn. Chẳng hạn Lữ Bố hý Điêu Thuyền do NSND Phùng Há viết và NSND Ba Vân nổi tiếng trong vai Tư Đồ. Ba Vân cũng là người thầy dạy nghề cho Bảo Quốc khi ông chập chững bước lên sân khấu. Cha ông là kép Năm Nghĩa, chị ông là nghệ sĩ Thanh Nga, đều quá giỏi, nhưng đâu có thời gian kèm cặp ông. Việc chỉ đạo nghệ thuật hồi ấy bà bầu Thơ (mẹ ông) đều giao cho Ba Vân, một đạo diễn xuất sắc đã đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ tài danh. Bảo Quốc đóng lại vai Tư Đồ, tri ân thầy như thế.
Vở cải lương Đi biển một mình là kỷ niệm khó quên một thời của đoàn Thanh Minh. Sau năm Mậu Thân 1968, các đoàn hát rơi vào khủng hoảng, bà bầu Thơ gánh cả mấy chục anh em, lo đến bạc tóc. Nhưng bà giỏi xoay trở, nghĩ ngay đến một dạng cải lương ngắn gọn hơn, hài hước hơn. Thế là đặt hàng tác giả Hà Triều - Hoa Phượng viết Đi biển một mình, chỉ dài 1 tiếng rưỡi. Vừa tung ra, khán giả đã đầy chật rạp. Vở này cứu cả đoàn Thanh Minh. Cho đến bây giờ vẫn còn tính thời sự vì nội dung cười vào thói giả dối của con người. Bảo Quốc rút lại kịch bản chỉ còn 45 phút, thay bớt bài ca thành lời thoại để diễn viên kịch như NSƯT Kim Xuân, Ngọc Trinh, Trung Dân có thể diễn chung với NSƯT Lệ Thủy, Vũ Luân, Tú Sương. Lần đầu tiên Lệ Thủy đóng cặp với “kép” Bảo Quốc, lại vào một vai hơi “hề”, chị rất phấn khởi. Cả Đàm Vĩnh Hưng cũng tập ca vọng cổ, coi như ai cũng có dịp “làm mới mình”, nên đều vui thích.
Trích đoạn Nỏ thần (diễn cùng Hữu Châu, Huỳnh Đông, Hà Linh, Gia Bảo, Xí Ngầu) đánh dấu thành công rực rỡ của Bảo Quốc khi ông chuyển sang lĩnh vực kịch nói. Vai Nhan Tấn là một vai rất hay, từng đoạt huy chương vàng trong Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Khán giả ấn tượng bởi cách diễn từ tốn nhưng sâu sắc tâm lý của Bảo Quốc, giỏi từ nét mặt, ánh mắt cho đến nhấn nhá giọng nói, chứng tỏ một “cao thủ” trong nghề. Ông nói: “Nhân vật như vậy diễn mới đã. Nó bắt mình tập luyện kinh khủng, nhưng xứng đáng với nghề. Đã là nghệ sĩ, phải dám thử thách với những dạng nhân vật khó”. Giải Thanh Tâm trao cho ông ngày xưa cũng là trao cho trái tim làm nghề như thế.
Nhưng người ta vẫn không quên ông còn là một danh hài. Trích đoạn Thị Mầu kết thúc live show để có một dư âm vui vẻ, đúng với cái chất của ông, hiền lành, thích làm mọi người được vui và nhẹ lòng. Ngay cả những “đại gia sân khấu” như NSƯT Hồng Vân, Phước Sang, diễn viên điện ảnh Chi Bảo, Anh Vũ, Tấn Beo cũng nhiệt tình góp mặt, đâu phải vì cát-sê, mà vì cái tình với chú Sáu. Ngay cả Ngọc Giàu cũng xuyên suốt chương trình trong vai người dẫn chuyện, bởi chị quen biết Bảo Quốc từ 13 tuổi, cái tình đồng nghiệp ấy thắm thiết biết chừng nào.
Đạo diễn Tất My Loan được mời thực hiện live show, nhưng anh nói thiệt tình là công tác chỉ đạo nghệ thuật đều do NSƯT Bảo Quốc đảm nhiệm, bởi anh không rành cải lương bằng “chú Sáu”. Anh chỉ lo vòng ngoài, chăm sóc toàn cảnh, phối hợp các khâu cho nhịp nhàng, nổi bật. |
Hoàng Kim
Bình luận (0)