Mig-35 thua thầu ở Ấn Độ

14/05/2011 15:28 GMT+7

(TNTS) Vào những ngày cuối tháng 4.2011, thông tin từ Ấn Độ cho biết, chiếc Mig-35 của Nga đã bị loại khỏi cuộc đấu thầu chương trình MMRCA, theo đó hãng nào thắng thầu sẽ bán cho New Delhi 126 chiếc tiêm kích đa năng hạng trung.

Cuộc đấu thầu chương trình MMRCA bắt đầu từ tháng 8.2007 và dự kiến kết thúc vào khoảng năm 2012 - 2014. Nhưng sau đó Ấn Độ mong muốn đẩy nhanh tiến trình này. 

Vào tháng 4.2008, 6 hãng tham gia thầu: Boeing và Lockheed Martin (Mỹ), Eurofighter (châu u), RSK Mig (Nga), Saab (Thụy Điển), Dassault (Pháp), chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Ấn Độ tài liệu về chiếc tiêm kích của mình cùng các đề nghị về thương mại. Trị giá hợp đồng được đánh giá vào khoảng 10,4 - 12 tỉ USD.

 
Mig-35 - Ảnh: migavia.ru 

MMRCA được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 kết thúc vào tháng 7.2010, thời điểm mà không lực Ấn Độ thử nghiệm cả 6 loại tiêm kích tham dự đấu thầu. Sau đó nhóm thử nghiệm sẽ làm báo cáo chi tiết trình Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Giai đoạn 2, những hãng được chọn sẽ tiến hành thương thảo, ký kết hợp đồng mua bán với hãng thắng thầu.

Theo thỏa thuận, hãng thắng thầu phải chuyển giao 18 chiếc tiêm kích và tái đầu tư 50% tổng giá trị hợp đồng vào nền kinh tế Ấn Độ. 108 chiếc còn lại sẽ được sản xuất tại Ấn Độ theo giấy phép sản xuất và chuyển giao công nghệ. Sau khi nhận 126 chiếc tiêm kích, Ấn Độ có khả năng sẽ mua thêm 64 chiếc nữa.

Danh sách các hãng lọt vào vòng chung kết được các báo Ấn Độ dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này công bố vào sáng ngày 28.4.2011. Bốn hãng bị loại là Lockheed Martin, Boeing, Mig và Saab.

 
Typhoon - Ảnh: Members.quicknet.nl

Nguyên nhân thất bại

Một trong những yêu cầu chính của Ấn Độ là hãng thắng thầu phải chuyển giao càng nhiều càng tốt về công nghệ. Ngay từ năm 2008, Mig và sau đó là Dassault, Eurofighter và Saab đều tuyên bố sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này. Trong tình thế như vậy, hai chiếc F-16IN Super Viper và F/A-18 Super Hornet tham dự thầu của Mỹ không còn khả năng cạnh tranh. Bởi phía Mỹ rất ít khi và rất miễn cưỡng khi phải chia sẻ công nghệ của mình.

Mùa thu năm 2010, kênh truyền hình Times Now, Ấn Độ thông báo, hãng Boeing từ chối chia sẻ công nghệ của chiếc F/A-18. Tương tự, Lockheed Martin cũng quyết định từ chối không phổ biến các công nghệ sản xuất chiếc F-16. Giả sử Mỹ đồng ý chia sẻ công nghệ thì yếu tố chính trị cũng góp phần quyết định thắng - thua trong cuộc đấu thầu này. Bởi vào năm 1998, Ấn Độ sau khi thử vũ khí hạt nhân đã bị Mỹ phong tỏa về mua bán vũ khí. Mãi đến tháng 9.2001 lệnh này mới được dỡ bỏ. Vì thế không có gì đảm bảo là Ấn Độ sẽ lại không bị Mỹ phong tỏa về mua bán vũ khí một lần nữa. Đặc biệt là khi xét đến quan hệ Ấn Độ - Pakistan không mấy thuận hòa. Mà Mỹ thì luôn ủng hộ Pakistan trong nhiều vấn đề. Trong năm 2011, Mỹ đang dự kiến sẽ giúp Pakistan 3 tỉ USD về quân sự.

 
Rafale - Ảnh: aircraftinformation.info

Hãng Saab của Thụy Điển (với chiếc JAS 39 Gripen IN) bị loại cũng có thể lý giải được. Bởi chiếc JAS 39 Gripen IN dùng động cơ của F-16. Hơn thế, dường như không lực Ấn Độ không thích thú với hệ thống radar của chiếc tiêm kích này.

Mig-35 được đánh giá là "ngựa ô" trong cuộc đấu thầu. Nhưng thất bại của nó có thể tiên đoán trước. Trong vòng 2 năm trở lại đây, thường xuyên xuất hiện thông tin Mig-35 khi thử nghiệm thể hiện tốt khả năng tham chiến, nhưng phía Ấn Độ không hài lòng về động cơ của nó. Báo Kommersant, Nga, dẫn nguồn từ cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga -Rosoboronexport, cho hay: Bộ Quốc phòng Ấn Độ có gửi thư cho cơ quan này nêu ra 14 điểm hạn chế của Mig-35. Một trong số đó là Mig-35 lắp loại động cơ RD-33MK, cải tiến từ loại RD-33, sản xuất năm 1972. Ngoài ra, chương trình thiết kế Mig-35 vẫn chưa hoàn tất. Việc sản xuất hàng loạt chỉ được bắt đầu từ năm 2013 - 2014.

Bên cạnh đó, Ấn Độ hiện vẫn chuộng và đang hướng đến việc mua thêm loại Su-30MKI và Mig-29K/KUB của Nga. Nga và Ấn Độ còn hợp tác để thiết kế chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 FGFA dựa trên nền tảng hình mẫu của chiếc T-50. Vì thế Mig-35 thất bại trong đấu thầu là điều dễ hiểu.

Cơ hội chiến thắng

Chiếc Typhoon của Eurofighter và Rafale của Dassault lọt vào vòng chung kết là hợp lý. Cho dù về mặt kỹ thuật, cả hai chiếc tiêm kích này không thua kém nhưng cũng chẳng vượt trội so với 4 loại khác cùng tham gia đấu thầu. Song, hiện Pháp đang có hợp đồng đóng 6 tàu ngầm thuộc dự án Scorpene cho New Delhi và sắp tới còn nâng cấp 45 chiếc Mirage-2000H cho không lực Ấn Độ. Dù vậy khả năng thắng thầu của Rafale không cao. Bởi đây là loại tiêm kích hiệu quả nhưng kỹ thuật phức tạp và chi phí vận hành cao. Hơn thế trong khoảng 10 năm qua, kể từ khi chiếc tiêm kích này ra đời, Pháp chưa ký được một hợp đồng xuất khẩu nào. 

Cơ hội chiến thắng của Typhoon là khá cao. Không lực Anh cho biết: chiếc tiêm kích này chi phí vận hành cao nhưng về kỹ thuật đơn giản hơn Rafale. Quan trọng hơn, Typhoon do Eurofighte và EADS (bao gồm BAE Systems và Alenia Aeronautica) phối hợp sản xuất. Mà EADS đang mong muốn giúp Ấn Độ trong việc thiết kế, hoàn thiện loại tiêm kích Tejas của nước này. Với việc Typhoon thắng thầu, Ấn Độ không chỉ nhận kỹ thuật hàng không của châu u mà còn tăng cường khả năng hợp tác với Eurofighter và EADS trong thiết kế sản xuất chiếc Tejas.  

Phía Nga tiếp nhận thông tin không trúng thầu của Mig-35 khá bình thản, nhưng ít nhiều cũng cay đắng. Thông cáo báo chí của Rosoboronexport ngắn ngủi nhưng dễ hiểu: "Ấn Độ có toàn quyền quyết định chọn lựa nhà cung cấp này hay cung cấp khác". Hơn thế, thất bại của Mig-35 tại Ấn Độ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến số phận của chính chiếc tiêm kích này. Nếu ký hợp đồng với Ấn Độ thì Mig-35 sẽ được sản xuất với số lượng lớn, giúp giảm chi phí sản xuất. Còn kế hoạch từ 2011 - 2020, Bộ Quốc phòng Nga chỉ dự kiến đặt mua 72 chiếc Mig-35. Hơn thế, hợp đồng chưa được ký kết. Nhưng nếu giá bán sau này tăng cao (vì sản xuất với số lượng ít), chưa chắc Bộ Quốc phòng Nga sẽ đặt mua Mig-35. Giờ đây, Nga đang hy vọng các nước thuộc châu Mỹ La-tin và Trung Đông sẽ quan tâm đến Mig-35. Bởi Rosoboronexport đang bắt đầu xúc tiến giới thiệu Mig-35 tại hai khu vực này.

Một số tính năng kỹ thuật của 6 loại tiêm kích tham dự thầu

Mig-35

Vận tốc cao nhất: 2,1 nghìn km/giờ
Hai động cơ: RD-33MK
Tầm bay: 3 nghìn km
Bán kính tác chiến: 960 km
Trần bay: 17,5 nghìn mét
Vũ khí: pháo 30 ly và 10 điểm treo tên lửa, bom với tổng trọng lượng 6,5 tấn.

Rafale

Vận tốc cao nhất: 2,4 nghìn km/giờ
Hai động cơ: Snecma M88-2.
Tầm bay: 3,7 nghìn km
Bán kính tác chiến: 1,7 nghìn km
Trần bay: 16,8 nghìn mét
Vũ khí: Pháo 30 ly và 14 điểm treo tên lửa, bom với tổng trọng lượng 9,5 tấn.

Typhoon

Vận tốc cao nhất: 2,5 nghìn km/giờ
Hai động cơ: EJ200
Tầm bay: 2,9 nghìn km
Bán kính tác chiến: 1,2 nghìn km
Trần bay: 19,8 nghìn mét
Vũ khí: pháo 27 ly và 13 điểm treo tên lửa, bom với tổng trọng lượng 7,5 tấn.

F-16IN

Vận tốc cao nhất: 2,3 nghìn km/giờ
Một động cơ: F110-132A
Tầm bay: 4,2 nghìn km
Bán kính tác chiến: 500 km
Trần bay: 18,5 nghìn mét
Vũ khí: pháo 20 ly và 11 điểm treo tên lửa, bom với tổng trọng lượng 7,7 tấn.

F/A-18

Vận tốc cao nhất: 1,9 nghìn km/giờ
Hai động cơ: F414-GE-400
Tầm bay: 2,3 nghìn km
Bán kính tác chiến: 700 km
Trần bay: 16 nghìn mét
Vũ khí: Pháo 20 ly và 11 điểm treo tên lửa, bom, tổng trọng lượng 8,05 tấn.

Gripen NG

Vận tốc cao nhất: 2,5 nghìn km/giờ
Một động cơ: F414G
Tầm bay: 3,2 nghìn km
Bán kính tác chiến: 800 km
Trần bay: 16 nghìn mét
Vũ khí: Pháo 27 ly và 8 điểm treo tên lửa, bom, tổng trọng lượng 8 tấn.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.