Nhật tăng cường tuyển lao động VN

13/05/2011 23:39 GMT+7

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), trong số các đơn hàng xuất khẩu lao động 2 tháng trở lại đây, thị trường Nhật Bản chiếm tới 70% đơn hàng đã được thẩm định.

Trước đó, không ít người lo lắng sự cố động đất, sóng thần tại Nhật Bản sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu lao động, vì đây là thị trường vốn được xem là hấp dẫn, có thu nhập cao. Thế nhưng, thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, riêng trong tháng 4 đã có 588 lao động Việt Nam (LĐVN) được đưa sang Nhật tu nghiệp. Trong đó, nhiều doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển số lượng lớn như: Airseco, LOD, TMS HR, Letco1, Sovilaco...

 
Tu nghiệp sinh Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản - Ảnh: Tâm Chính

Sẽ có nhiều đợt tuyển dụng

Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ thương mại hàng không (Airseco), cho biết chuyến khảo sát tại 7 tỉnh của Nhật Bản hồi cuối tháng 4 vừa qua, sau thảm họa động đất, sóng thần, hầu hết các nghiệp đoàn đều tăng chỉ tiêu tuyển dụng lao động. Hiện Airseco đang có đơn hàng tuyển dụng hơn 200 tu nghiệp sinh cho các DN Nhật Bản, làm việc trong các ngành nghề: sản xuất phụ tùng ô tô, tiện kim loại, đúc - tiện, mạ - đúc, hàn hồ quang, chế biến thực phẩm, may... Tiêu chuẩn là nói thành thạo tiếng Nhật, có tay nghề tốt, tuổi đời từ 19-30. Từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều đợt tuyển dụng (đợt gần nhất tổ chức từ 9.5-10.6).

Môi trường làm việc cực tốt

Về nước sau 3 năm làm việc tại Nhật, tu nghiệp sinh Nguyễn Thị Hương Lan cho biết: thời gian ở Nhật thực sự là “thời gian vàng”. Lan được làm việc trong Nhà máy chế tạo ô tô Furukawa Sky tỉnh Tochigiken, nơi có điều kiện làm việc rất tốt. Những đồng nghiệp người Nhật ở đó rất thân thiện, hết sức tạo điều kiện cho mình làm việc, không bao giờ quát mắng, phân biệt đối xử giữa chủ và thợ. Họ dạy cho LĐVN từ tính kỷ luật, tự lập, chủ động trong công việc đến những điều tưởng như hết sức nhỏ nhặt trong quan hệ xã giao (như cách chào hỏi, giao tiếp...).

Hương Lan chia sẻ: “Khi còn ở Việt Nam mình không bao giờ dám mơ làm công nhân mà lại có mức lương tới 20 triệu đồng/tháng nhưng điều đó là sự thật ở nơi Lan từng làm việc”. Sau khi về nước, Lan cho hay đang tiếp tục trau dồi ngoại ngữ và sẽ tiếp tục làm việc tại một công ty chế tạo máy của Nhật đóng tại VN.

Thu Hằng

Còn ông Vũ Công Bình, Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực (LOD), cũng cho biết nhu cầu tiếp nhận lao động sang Nhật không hề giảm, kể cả trong thời gian ảnh hưởng động đất, sóng thần. Công ty có nhu cầu tuyển khoảng 300 lao động sang Nhật thuộc các ngành nghề: cơ khí, sửa chữa đóng tàu, chế biến nông sản… Thời gian qua, công ty cũng đã cử nhiều đoàn sang Nhật vừa để chia sẻ khó khăn với các đối tác, vừa nắm bắt thêm nhu cầu tuyển dụng lao động.

LĐVN được đánh giá cao

Thông tin từ Ban Quản lý LĐVN tại Nhật Bản (Ban QLLĐ), hiện có khoảng 35.000 tu nghiệp sinh Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật. Trong tổng số 14 nước có tu nghiệp sinh làm việc tại Nhật Bản, Việt Nam là nước có số lượng đông thứ hai (sau Trung Quốc). Trong chính sách tài khóa năm 2011, Nhật cũng có chủ trương tăng lao động nước ngoài sang Nhật làm việc.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Trưởng ban QLLĐ cho biết, sau thảm họa động đất, sóng thần và sự cố rò rỉ hạt nhân, tu nghiệp sinh một số nước cũng về nhiều. Trong khi đó, tu nghiệp sinh Việt Nam vẫn sang Nhật bình thường. Phía chủ sử dụng lao động đánh giá rất cao LĐVN, họ rất cảm kích trước tình cảm của LĐVN sẵn sàng ở lại chung tay tái thiết nước Nhật sau thảm họa. “Vừa rồi, có hàng loạt DN Việt Nam chủ động sang Nhật xúc tiến ký kết các hợp đồng tiếp nhận lao động, Ban QLLĐ cũng đã phối hợp với các DN nắm bắt thông tin nhu cầu tiếp nhận lao động cụ thể từ phía Nhật Bản”, ông Liêm cho biết.

Không chỉ DN chủ động khai thác hợp đồng mới, các hoạt động xúc tiến đưa lao động sang thị trường Nhật Bản còn diễn ra ở cấp cao. Cuối tuần trước, trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH với Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế các DN vừa và nhỏ Nhật Bản (IMM Japan), lãnh đạo IMM Japan hứa sau khi về Nhật sẽ có kế hoạch vận động các DN Nhật Bản tiếp nhận thêm LĐVN. Theo ông Vũ Minh Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, trong mắt giới chủ Nhật Bản, tu nghiệp sinh Việt Nam đã “ghi điểm” và được chủ DN Nhật Bản chú ý sau thảm họa. Ông Xuyên cho rằng, việc tu nghiệp sinh Trung Quốc về nước do lo ngại thảm họa xảy ra tại Nhật Bản là thời cơ cho LĐVN.

Làm việc ở Nhật được nâng cao tay nghề

Theo chương trình tu nghiệp sinh, người lao động không phải đóng góp các khoản chi phí đặt cọc hay thế chấp mà chỉ phải chịu các chi phí: làm hộ chiếu, lệ phí visa, chi phí khám sức khỏe, chi phí ăn, ở, đi lại trong quá trình đào tạo tiếng Nhật, rèn luyện thể lực và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trong thời gian 4 tháng trước khi đi.

Trong thời gian tu nghiệp tại Nhật Bản, người lao động được hưởng trợ cấp tu nghiệp trong năm đầu khoảng 800 - 1.000 USD/tháng. Từ năm thứ hai, được trả lương theo hợp đồng ký với công ty tiếp nhận, mức lương từ 1.000 - 1.500 USD/tháng (chưa kể tiền làm thêm ngoài giờ). Đánh giá của Trung tâm Lao động ngoài nước, so với các thị trường lao động khác, cuộc sống, điều kiện làm việc của tu nghiệp sinh ở Nhật tương đối tốt, những phát sinh phức tạp ít. Nếu như những năm 2004-2005, tỷ lệ bỏ trốn lên đến 30%, thì hiện nay số lao động bỏ trốn hầu như không có. Hiện chương trình đưa tu nghiệp sinh đi tu nghiệp tại Nhật Bản có hai hình thức: tu nghiệp theo hợp đồng 3 năm và tu nghiệp theo hợp đồng 1 năm.

Ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hầu hết người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài đều gọi chung là lao động. Riêng Nhật Bản gọi là tu nghiệp sinh bởi ngoài thu nhập hằng tháng, người lao động được nâng cao tay nghề qua làm việc. Ngoài ra, được làm việc trên các thiết bị sản xuất hiện đại, được rèn luyện về tác phong làm việc, ý thức kỷ luật, đồng thời được đào tạo về kỹ năng quản lý và biết thêm tiếng Nhật. Vì vậy, sau khi trở về nước, cơ hội việc làm của những tu nghiệp sinh rất rộng. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho các DN trong nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các DN của Nhật Bản.

Hải Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.