Giá đường

14/05/2011 00:32 GMT+7

Hệ thống phân phối đường đang có vấn đề. Đó là nhận định của ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương tại họp báo về nhập khẩu đường do Bộ Công thương tổ chức sáng 13.5.

Cụ thể hiện giá bán buôn đường RS khoảng 17.000 - 18.500 đ/kg, đường trắng RE khoảng 18.000 - 20.000 đ/kg tùy khu vực, giảm 500 - 1.000 đ/kg so với những tháng đầu năm, nhưng vẫn cao hơn khoảng 2.500 - 3.500 đ/kg so với cùng kỳ năm 2010. Đáng nói, giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng hiện ở mức 22.000 - 23.000 đ/kg, thậm chí giá bán lẻ một số nơi đã lên tới 26.000 - 28.000 đ/kg.

Trong khi Hiệp hội Mía đường VN, cụ thể là ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch, đề xuất Bộ Công thương tiếp tục cho giữ mức giá đường cao với lý do: giá đường thấp sẽ đẩy giá mía xuống thấp, gây thiệt hại cho người nông dân trồng mía. Trên thực tế, giá thu mua mía bao tiêu hiện chỉ ở mức 800 đ/kg mía.

Nhưng ở góc độ khác khi dẫn lại câu chuyện năm 2010, lúc giá đường tăng vọt và được điều chỉnh tăng hằng ngày, người dân TP.HCM phải xếp hàng mua đường, ông Nguyễn Lộc An cho biết, thời điểm đó, Bộ Công thương đã yêu cầu các nhà máy cung cấp đường trực tiếp cho Sở Công thương TP.HCM, không thông qua các đại lý để bình ổn giá, nhưng các nhà máy đã không trả lời.

 Cũng theo ông An, từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, giá đường thế giới đã giảm 18% nhưng giá bán buôn đường trong nước chỉ giảm khoảng 5-6%. Đây là lý do ông An cho rằng, phải xem lại hệ thống phân phối đường trong nước.

Trên thực tế, tiêu thụ đường trong nước đang ì ạch, dẫn tới tồn kho lớn tại các nhà máy. Và các nhà máy lại gây sức ép ngược lại lên Bộ, nhằm hạn chế nhập khẩu.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng, sản xuất đường trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu (sản xuất đạt 1,1 triệu tấn, nhưng nhu cầu tiêu thụ cả nước là 1,4 triệu tấn). Việc tiêu thụ đường 4 tháng đầu năm cũng diễn ra bình thường, thậm chí tăng cao hơn cùng kỳ năm 2010 tới 80.000 tấn. Đặc biệt, kết quả thực hiện nhập khẩu 4 tháng đầu năm cho thấy nguồn đường nhập khẩu không lớn, không tác động xấu đến sản xuất và tiêu thụ trong nước.

Nhưng theo ông Nguyễn Thành Long, nếu không dừng nhập khẩu đường và không có biện pháp ngăn chặn với đường nhập lậu, đường trong nước sẽ không tiêu thụ được, ảnh hưởng đến đời sống người trồng mía.

Sức ép này đã khiến Bộ Công thương một lần nữa ra tay cứu ngành mía đường trong nước. Theo đó, các nhà máy đường đã được cấp quota nhập đến hết tháng 6.2011 dừng nhập với các hợp đồng đã ký nhưng chưa thanh toán và không ký thêm hợp đồng mới. Các doanh nghiệp thương mại cũng chưa ký tiếp các hợp đồng mới, giãn tiến độ nhập khẩu với các hợp đồng đã ký đến hết tháng 7.2011.

Hệ quả dễ thấy là giá đường đến tay người tiêu dùng vẫn chưa thể giảm!

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.