Trước khi cưới Ngọc, Long đã phải lấy lòng ba mẹ vợ hết mực. Quà ngày 8.3, ngày Phụ nữ VN, ngày cưới của ba mẹ vợ... không kể, bất cứ việc gì ba mẹ vợ sai bảo anh cũng mau mắn làm ngay. Khi thì chở ba vợ tương lai đi khám bệnh đau chân, nhức mỏi; lúc đưa rước mẹ vợ đi siêu thị, thăm bạn bè... Cưới Ngọc được ba tháng thì gần 90 ngày phải chở vợ về nhà mẹ để cô “đỡ buồn”, đỡ nhớ ba mẹ, rồi chiều chiều đi làm về lại qua đón “cô dâu mới” của mình về nhà mình, y như đón... trẻ mẫu giáo đi học.
Long quê ở tỉnh, có nhà riêng ở thành phố, còn Ngọc có một tiệm làm tóc, nhưng chỉ là làm cho vui, thích thì mở cửa, không thích thì đóng, chủ yếu tụ tập mấy cô gái trẻ làm đẹp, ăn diện, tám chuyện, cơ ngơi mấy căn nhà cho thuê của ba mẹ cô đủ để cô chẳng làm gì cũng có tiền tiêu thoải mái. Mẹ cô nhỏ to với hàng xóm: “Có mỗi đứa con gái, chúng nó yêu nhau mấy năm rồi chẳng lẽ không cho cưới. Nhưng mà nhớ con lắm (dù nhà Long chỉ cách nhà cô vài cây số). Con bé không phải ở chung với bố mẹ chồng, nên tôi mới cho lấy. Tôi ra điều kiện với con rể là phải đưa con bé về nhà bố mẹ đẻ thường xuyên…”.
Đúng là hôm đám cưới con gái, bà Tâm khóc sướt mướt, Ngọc cũng vậy. Rồi suốt cả tuần trăng mật ở Phú Quốc, lúc thì Ngọc ôm điện thoại gọi về nhà, lúc thì mẹ vợ gọi tới chuông réo rắt giữa đêm khuya. Ngọc sụt sùi, mẹ vợ ngọt nhạt. Anh con rể mủi lòng, đành sáng sáng chiều chiều làm tài xế chở vợ về nhà vợ để cô “tâm sự” với mẹ. Rồi anh phải tiếp tục mủi lòng khi vợ thỏ thẻ: “Em ngủ ở nhà anh không quen, thôi mình ngủ ở nhà em một bữa”. Thế là tuần nào cũng ngủ lại nhà ba mẹ vợ vài bữa, vì hễ anh đòi về nhà mình là cô vợ nũng nịu hờn dỗi, và sợ nhất là mẹ vợ sầm mặt xuống như trời sắp giông lớn. Ngôi nhà anh mất bao công sức sắm sửa, sắp đặt với mơ ước sau đám cưới cô vợ yểu điệu sẽ thực sự là bà chủ xinh đẹp làm sống động không gian sống của anh, giờ vẫn thường xuyên vắng lặng, nguội lạnh như vô chủ. Có khi còn “nguội” hơn cả lúc Long còn độc thân.
Cho đến khi Ngọc có bầu, niềm hyvọng được “trở về nhà mình” của Long tắt lịm. “Nó yếu ớt lắm, để ở đây mẹ chăm cho”, bà Tâm nói như ra lệnh. Bác sĩ khuyên Ngọc không nên đi lại nhiều, thế là mỗi bữa ăn, dù nhà có người giúp việc, Ngọc vẫn nằm trên lầu, Long phải đích thân bê mâm cơm lên cho vợ (Con chiều nó, thể hiện tình cảm như thế nó mới… khỏe được - mẹ vợ nói), còn nếu Ngọc muốn xuống nhà ăn với mọi người thì chồng phải bồng xuống. Có khi đi năm sáu cây số, chen chúc với lô cốt, kẹt xe để mua loại chè mà Ngọc thích, mang về thì nàng đã ngủ chẳng buồn ăn, mẹ vợ lại còn thủng thẳng nhận xét “con quên nói họ để nước cốt dừa riêng à?”. Người ta chiều vợ có bầu một thì Long phải chiều gấp hai, ba lần, lại phải luôn cẩn trọng trước con mắt soi xét của mẹ vợ. “Ấy chết, con vắt nhiều chanh vào tô phở của Ngọc như thế không được”, “Con xoa bóp chân tay cho vợ cũng phải biết cách, nhẹ nhàng thôi”, “Vợ con đang có bầu, tâm lý không ổn định mà con nghe điện thoại... lâu như thế làm sao nó chịu thấu”... bà cứ nhẹ nhàng góp ý mà Long thấy thật căng thẳng.
Cho đến khi Long bày tỏ ý muốn tham gia tour du lịch cơ quan tổ chức hai ngày lễ vừa qua để xả stress, thì “bão tố” đã thực sự bùng nổ. “Thôi con tôi để tôi tự chăm lo cho nó. Lúc chưa cưới anh hứa sẽ chăm sóc nó thế nào…”, mẹ vợ đanh giọng. Phải rút tên giờ chót không đi đã đành, Long còn mất mấy ngày túc trực bên vợ để “lấy lại uy tín”. Những nỗi niềm như cục đá tảng vẫn còn nguyên...
Hạ Minh
Bình luận (0)