Xét xử sơ thẩm lần 3 “kỳ án” vườn mít

18/05/2011 09:53 GMT+7

(TNO) Lúc 9 giờ 35 phút sáng nay 18.5, TAND tỉnh Bình Phước đã đưa ra xét xử sơ thẩm lần 3 vụ án Lê Bá Mai bị cáo buộc dùng vũ lực giao cấu với trẻ em rồi giết người tại khu vực vườn mít.

>> tiếp tục cập nhật

Trong ngày xét xử đầu tiên 18.5 “kì án” vườn mít, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước giữ quyền công tố tại tòa tập trung giải thích những chứng cứ pháp lý không thuyết phục dẫn đến việc cơ quan tố tụng cấp trên hủy bản án sơ thẩm lẫn phúc thẩm trước đó.

Nụ cười ám ảnh

Bị cáo Lê Bá Mai xuất hiện tại tòa với nụ cười “cố hữu” cùng dáng vẻ gầy gò.

Nhiều người dự khán theo dõi các phiên tòa trong 7 năm qua cho biết đó là nụ cười ám ảnh họ nhất vì không biết Mai cười gì khi bị cáo từng đối diện với bản án tử hình.

Bảy năm, tương đương 2.500 ngày trong trại tạm giam, Mai tiếp tục ra trước vành móng ngựa để ánh sáng của công lý soi rõ có hay không hành vi phạm tội của mình.

Chủ tọa cho phép bị cáo Mai ngồi trả lời thẩm vấn vì lý do sức khỏe. Trả lời tòa, Mai cho rằng, những lời khai nhận tội trong quá trình điều tra là do bị điều tra viên đánh đập, ép cung. 

Trong phần công bố bản cáo trạng mới trên tinh thần giữ nguyên quan điểm truy tố Lê Bá Mai tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước cho rằng không có cơ sở nói Mai bị ép cung do Mai chỉ bị tạm giữ tại Công an huyện Bình Long đêm ngày 16.11.2004 và chiều 17.11.2004 đã được di lý về trại giam công an tỉnh.

“Quên” lập biên bản vật chứng

Đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước khẳng định bản ghi lời khai người bị tạm giữ do điều tra viên Nguyễn Hữu Huấn ghi trong ngày 17.11.2004 thì Mai đã nhận tội.

Giải thích về lý do vì sao sau 3 ngày, anh Điểu Ky (một nhân chứng trong vụ án) mới trình báo Công an xã An Khương về việc U. mất tích, Viện KSND tỉnh Bình Phước công bố bút lục lời khai của anh Điểu Ky.

Nội dung: “Tôi không hiểu tại sao trong đó (biên bản ghi lời khai ngày 15.11.2004) lại ghi như vậy (người chở U. đi). Thực tế, con tôi (H.) nói cho tôi biết vào chiều ngày 12.11.2004 là Mai chở U. đi. Vì vậy khi Điểu Cẩn (cha của U.) đến nhà tôi, U. chưa về. Tôi và Điểu Cẩn chạy đến chòi của Mai ở để hỏi Mai… Khi đến chòi tôi thấy 3 người đàn ông nên tôi hỏi rồi mới thấy mặt Mai. Ngày hôm sau, tôi không tìm kiếm vì nghĩ là bố mẹ cháu U. đã tìm thấy U. Ngày thứ ba, thấy Điểu Cẩn đi cùng với anh Sinh công an, tôi mới biết là chưa tìm thấy nên đã làm đơn trình báo với Công an xã An Khương. Do đi tìm U. nên không biết phải đi báo công an”.


Lê Bá Mai sau phiên xử sáng 18.5 - Ảnh: Trần Duy

Về tình tiết các cọng tóc mỏng có tại hiện trường nhưng không được cơ quan điều tra thu giữ, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước cho rằng, theo giải trình của điều tra viên do trời mưa các cọng tóc không còn chân tóc nên không có giá trị chứng minh. Cơ quan điều tra chỉ chụp ảnh mà không thu giữ.

Đối với các vật chứng mà cơ quan điều tra thu giữ như chiếc quần quấn quanh cổ nạn nhân, đôi dép lào, củ đậu ăn dở, chiếc mũ kết đỏ… đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước giải thích do ông Nguyễn Thanh Phước (điều tra viên Công an huyện Bình Long) có lập biên bản thu giữ của Mai nhưng do có nhiều người dân tộc Stiêng đòi đánh Mai (vào thời điểm bắt giữ Mai) nên ông Phước quên không cho Mai ký vào biên bản.

Tương tự, đối với các vật chứng khác như một nón lá, khăn vải, bình đựng đá màu đỏ thu giữ tại chòi ở của Mai… đại diện Viện KSND tỉnh Bình Phước giải thích do trong chòi không có ai nên đã không lập biên bản theo quy định…

    Vụ án này xảy ra cách đây 7 năm. Lê Bá Mai (sinh năm 1982 tại Thanh Hóa; tạm trú tại xã An Khương, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước) bị cáo buộc dùng vũ lực giao cấu với U. (11 tuổi) rồi giết chết U. tại khu vực vườn mít xã An Khương, huyện Bình Long (tỉnh Bình Phước).

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Phước, vào khoảng 6 giờ ngày 12.11.2004, Mai đi rải phân trong vườn thì nhìn thấy H. và U. đang mót sắn cách chỗ Mai khoảng 50m. Mai kêu U. “Bé ơi! Qua đây chú hỏi tí” rồi kêu U. lên xe gắn máy đến một chỗ khác để nói.

Khi đến khu vực vườn mít, Mai dùng tay bất ngờ chặt vào gáy U. làm nạn nhân ngã xuống đất và thực hiện hành vi đồi bại đối với U. sau đó giết U. vì sợ bị tố cáo.


Bị cáo Lê Bá Mai (phải), "nhân vật" chính trong "kỳ án" kéo dài 7 năm nay - Ảnh: Trần Duy

Năm 2005, hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm là TAND tỉnh Bình Phước và TAND Tối cao tại TP.HCM đều tuyên án tử hình Lê Bá Mai. Mai và gia đình đã làm đơn kêu oan.

Cuối năm 2006, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã ra kháng nghị giám đốc thẩm phân tích hàng loạt sai sót của cơ quan tố tụng trong vụ án này.

Theo đó, Viện KSND Tối cao chỉ ra những lời khai mâu thuẫn của H. Cụ thể: có lúc H. khai người chở U. đi là Mai nhưng có lúc khai “đứng xa 100m nên không biết người đó là ai”.

Ngoài ra, Mai khai “lúc xảy ra vụ việc U. cầm củ sắn đang ăn dở” nhưng kết quả khám nghiệm tử thi của cơ quan pháp y không phát hiện loại thức ăn này. Biên bản khám nghiệm hiện trường ghi thu giữ “một đôi dép lào và chiếc quần quấn quanh cổ nạn nhân” nhưng lệnh nhập kho lại ghi “một đôi dép nhựa màu xanh và một cái quần màu trắng đục đã cũ”; còn phiếu nhập kho tang chứng lại ghi “một đôi dép màu trắng đã cũ”...

Ngày 22.5.2007, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ra quyết định hủy bản án hình sự phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM và bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước đối với vụ Lê Bá Mai bị truy tố tội danh “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”.

Gần đây nhất, ngày 30.11.2010, Viện KSND tỉnh Bình Phước có văn bản cho rằng kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi vụ án. Vì vậy, Viện KSND tỉnh Bình Phước giữ nguyên quan điểm đã truy tố đối với Lê Bá Mai về các tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em” theo quy định tại Điều 93 và 112 Bộ luật Hình sự theo bản cáo trạng số 17/QĐ/KSĐT-TA ngày 24.7.2009.

 

Diễn tiến vụ án vườn mít

Vụ án xảy ra vào ngày 12.11.2004. Lê Bá Mai bị cáo buộc dùng vũ lực giao cấu với U. (11 tuổi) rồi giết chết U. tại khu vực vườn mít xã An Khương, huyện Bình Long (tỉnh Bình Phước).

Đầu năm 2005: Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Phước tuyên tử hình đối với Mai.  Đến giữa năm 2005, TAND tối cao tại TP.HCM tuyên y án sơ thẩm và giữ nguyên bản án tử hình đối với Mai.

Ngày 22.5.2007: Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ra quyết định hủy bản án hình sự phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM và bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước.

13.7.2010: TAND Bình Phước mở lại phiên tòa sơ thẩm (lần 2). Đại diện Viện KSND tỉnh vẫn đề nghị Hội đồng xét xử tuyên án tử hình Lê Bá Mai. Nhưng Hội đồng xét xử tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Cuối năm 2010: Viện KSND tỉnh Bình Phước đã có văn bản gửi cho TAND cùng cấp khẳng định kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi nội dung vụ án nên giữ quan điểm truy tố đối với Lê Bá Mai.

Trần Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.