Ngang nhiên "nhái"
Sau nhiều đợt ra quân chấn chỉnh của cơ quan chức năng, ghi nhận thực tế cho thấy hàng loạt taxi dù, taxi nhái vẫn ngang nhiên chèo kéo, đón rước hành khách mà không bị tuýt còi. Trong đó, phần đông lượn lờ trước các điểm tập trung đông người ở khu trung tâm TP.HCM như: chợ Bến Thành (phía đường Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu), bến tàu cánh ngầm (đường Tôn Đức Thắng), sân bay Tân Sơn Nhất, Bệnh viện Từ Dũ (đường Cống Quỳnh), Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (đường Trần Hưng Đạo)...
|
Các taxi này dán biểu tượng na ná các hãng uy tín nhằm cố tình gây ngộ nhận cho hành khách. Chẳng hạn, xe sử dụng hộp đèn và dán biểu tượng có chữ M.Group (nhái hãng Mai Linh); hoặc dán biểu tượng Vinasum, Vina, Vinamet, Taxi Meter, Meter Taxi kèm số điện thoại 8.272777, 54.272727 (nhái hãng Vinasun)... Với các taxi nhái kiểu này, nếu tinh ý hành khách vẫn có thể phát hiện ra, song theo ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc pháp chế Công ty Vinasun, đáng lo ngại nhất là vừa qua đã bắt đầu xuất hiện taxi nhái giống hệt với taxi của hãng về kiểu dáng, biểu tượng, hộp đèn. Thậm chí tài xế còn mặc cả đồng phục và thắt cà vạt của hãng. "Với các taxi kiểu này, ngay cả người trong nghề cũng khó lòng nhận ra mà chỉ có thể căn cứ vào biển số để biết xe đó không thuộc hãng mình", ông Tiến nói.
Kiện ra tòa |
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, từ tháng 1.2010 đến nay, Vinasun đã khởi kiện 24 trường hợp tài xế nhái logo, số điện thoại, gây ảnh hưởng uy tín của công ty. Trong số 24 vụ này, có 1 trường hợp xe thuộc HTX taxi 27.7 (Q.11), còn lại chủ yếu là các xe hoạt động chui. Tòa án đã yêu cầu tài xế viết cam kết không tái phạm hành vi nhái logo, số điện thoại Vinasun và bồi thường thiệt hại tương đương một ngày thu nhập (khoảng 1,5 triệu đồng). |
Chỉ khi bước lên xe, hành khách mới nhận ra chất lượng của các taxi nhái này khác một trời một vực so với taxi chính hiệu. Trong đó, phổ biến là tình trạng lấy giá cước "cắt cổ".
Ngày 7.5, khách hàng tên Châu đi xe nhái hãng Mai Linh (biển số 52P-567...) đã bị lái xe "chém" 1,5 triệu đồng cho đoạn đường ngắn từ chợ Bến Thành đến đường Phạm Ngũ Lão. Ngày 8.5, khách hàng tên Minh cũng đi taxi biển số như trên đã phải trả 70 USD (hơn 1,4 triệu đồng) cho đoạn đường từ chợ Bến Thành đến đường Lữ Gia.
Nhiều nạn nhân của taxi nhái hãng Mai Linh và Vinasun đã phải trả những cái giá cao một cách vô lý, như: 400.000 đồng cho đoạn đường từ chợ Bến Thành về đường Trần Bình Trọng, 390.000 đồng đi từ chợ Bến Thành về đường Cống Quỳnh, 450.000 đồng từ chợ Bến Thành về đường Hai Bà Trưng...
Nhiều trường hợp hành khách không đồng ý với mức phí quá cao thì bị tài xế chửi bới, đe dọa nên đành cắn răng trả tiền, khi lên công ty khiếu nại hoặc lấy hóa đơn đỏ mới phát hiện mình đi nhầm taxi nhái.
Ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Mai Linh - bức xúc vì nạn taxi nhái tiếp tục gia tăng, hoạt động công khai và ngang nhiên sử dụng hộp đèn, biểu trưng, số điện thoại của Mai Linh để đánh lừa khách hàng. Điều này đã tạo nên một thị trường cạnh tranh không lành mạnh và thiếu văn hóa như: tranh giành, bắt chẹt, chặt chém, ăn cắp tiền cước của hành khách bằng nhiều hình thức..., ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự tại TP.HCM.
Chiêu thức tinh vi
Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - cho rằng đến 99% taxi nhái là xe trốn thuế, không đăng ký kinh doanh, không có đơn vị quản lý, giám sát, cũng không được kiểm định định kỳ. Tài xế cắt sẵn logo của các hãng uy tín để dán vào, khi phát hiện thanh tra hoặc GSGT thì nhanh chóng tháo logo phi tang khiến cơ quan chức năng bó tay. Thậm chí, nhiều tài xế còn chuyên nghiệp tới mức chuẩn bị sẵn nhiều logo để lúc nhái hãng này, khi nhái hãng khác.
Với các taxi kiểu này, ngay cả người trong nghề cũng khó lòng nhận ra mà chỉ có thể căn cứ vào biển số để biết xe đó không thuộc hãng mình
|
|
Ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc pháp chế Công ty Vinasun |
Cũng chính vì không ai quản lý, các tài xế này có vô số mánh lới "móc túi" hành khách mà không quan tâm đến chuyện bị phạt. Thô sơ thì có chiêu điều chỉnh đồng hồ tính cước cao hơn giá niêm yết trên xe, hoặc sử dụng bánh xe nhỏ hơn kích cỡ quy định của phương tiện để đồng hồ tính cước nhảy nhanh hơn (cụ thể, xe chạy 950m thì đồng hồ tính tiền 1 km, tức cứ mỗi km hành khách bị “móc túi” 50m). Một số trường hợp còn gian lận cước bằng cách lập trình đồng hồ theo thời gian.
Trình độ "móc túi" của taxi dù còn "thượng thừa" tới mức sử dụng bộ tạo xung có điều khiển từ xa hoặc công tắc siêu nhỏ để tác động lên đồng hồ tính cước. Với cách gian lận này, tài xế chỉ cần đấu nối thêm một bộ tạo xung phụ vào bộ tạo xung chính (thường đặt tại hộp số của xe). Mỗi khi bấm công tắc, đồng hồ sẽ nhảy nhanh hơn bình thường do cùng lúc nhận được hai lực xung, trong đó có một lực xung ảo do bộ tạo xung phụ gây ra. Tài xế bấm công tắc càng nhiều và càng lâu thì số tiền gian lận càng lớn. Đáng nói là, công tắc của bộ tạo xung phụ này siêu nhỏ, đường kính chưa tới 2 mm nên tài xế có thể dễ dàng giấu trên cần sang số, còi xe, đèn xi-nhan... Mỗi lần thực hiện các thao tác này, tài xế tranh thủ bấm công tắc là có thể “móc túi” mà hành khách không hề hay biết. Nhiều tài xế khác không cần dùng đồng hồ tính cước mà ngang nhiên trả giá, bắt chẹt khách, thậm chí khi khách trả tiền còn "xin" luôn tiền thừa.
Phương Thanh
Bình luận (0)