Theo trang tin Top News, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Bonn (Đức) đã phát hiện hơn 480 phân tử thay đổi mật độ trong máu khi một người mắc bệnh ung thư phổi. Sự thay đổi này xảy ra rất sớm, nghĩa là bệnh có thể được phát hiện lúc vẫn còn chữa trị được.
Các phân tử này là những a-xít nucleic, vốn hình thành trong cơ thể khi một số loại gien nhất định được sao chép.
Nhóm nghiên cứu do giáo sư Joachim L. Schultze chủ trì đã tiến hành kiểm tra máu của trên 200 người hút thuốc trong nhiều năm.
Khoảng phân nửa trong số này mắc bệnh ung thư phổi, những người còn lại hoặc khỏe mạnh hoặc bị một bệnh khác liên quan đến phổi.
Các nhà nghiên cứu sau đó kiểm tra máu của những đối tượng này bằng cách sử dụng các chip sinh học để dò tìm một số a-xít nucleic nhất định, và họ đã phát hiện ra cơ chế đặc thù nói trên.
Phát hiện trên mở ra cơ hội phát triển một loại xét nghiệm máu để chẩn đoán sớm ung thư phổi.
“Hiện tại, khối u ung thư phổi hiếm khi được phát hiện sớm, chỉ khoảng 15% trong tất cả các ca bệnh. Nếu một cuộc xét nghiệm máu đơn giản có thể làm tăng tỷ lệ này, phần lớn bệnh nhân có thể sống sót”, trang tin News Medical dẫn lời giáo sư Schultze cho biết.
Hiện tại, theo giáo sư Schultze, trên 80% bệnh nhân ung thư phổi tử vong trong vòng 2 năm sau khi phát hiện bệnh, do khối u đã phát triển rất mạnh và khó chữa.
Quyên Quân
Bình luận (0)