Ngoại trưởng Đan Mạch Lene Espersen hôm 17.5 thông báo nước này sẽ đòi hỏi quyền lợi tại một số khu vực phía bắc, bao gồm một số vùng thuộc Bắc cực, theo AFP. Tuyên bố này trùng khớp với thông tin trên báo trực tuyến Information trước đó rằng “Copenhagen có ý định đòi chủ quyền ở thềm lục địa thuộc 5 khu vực xung quanh quần đảo Faroe và đảo Greenland, trong đó có một phần thuộc Bắc cực”.
Bắc cực tăng nhiệt
Bà Espersen khẳng định Đan Mạch và 2 lãnh thổ tự trị thuộc vương quốc này là Faroe và Greenland đang hợp tác nghiên cứu kế hoạch “Chiến lược cho Bắc cực 2011-2020”. Tài liệu cụ thể có thể được hoàn thành vào giữa tháng 6.2011. Theo AP, đây là lần đầu tiên Copenhagen chính thức công bố ý định muốn chia phần tại Bắc cực và ít nhất 4 trong số 5 khu vực “đòi hỏi quyền lợi” của họ có tiềm năng đáng kể về dầu mỏ và khí đốt.
Động thái mới nhất của Đan Mạch chắc chắn sẽ làm tăng thêm căng thẳng vốn có giữa các nước cận Bắc cực như Nga, Mỹ, Canada, Na Uy... Hiện tượng trái đất nóng dần lên đang đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường thiên nhiên và sự tồn vong của nhiều vùng dân cư ven biển, nhưng lại mở ra những tiềm năng vô cùng to lớn tại Bắc cực. Cũng trong ngày 17.5, 8 nước thành viên của Ủy ban Bắc cực là Canada, Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Nga, Mỹ, Phần Lan và Thụy Điển đã họp tại Greenland để bàn về việc khai thác bền vững các nguồn tài nguyên ở khu vực này. Hiệp ước đầu tiên về nghiên cứu và cứu hộ tại Bắc cực đã được ký kết.
Bằng mặt với hiệp ước nhưng cả 8 quốc gia này đều không bằng lòng trong việc xác định chủ quyền và phân chia các nguồn lợi. Một số nước như Nga, Canada... đã có các động thái tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực. Ngay sau khi nhậm chức năm 2006, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã hứa tăng kinh phí để đảm bảo nước này có thể triển khai quân sự tại vùng cực. Kế hoạch của ông bao gồm sắm 3 tàu phá băng quân sự, triển khai các máy bay điều khiển từ xa, thiết lập hệ thống thăm dò dưới biển để canh chừng tàu nước ngoài... Năm 2007, Nga đã cắm cờ ở độ sâu 4.500m tại vùng Bắc Băng Dương. Không chỉ chứng tỏ khả năng về khoa học kỹ thuật, Moscow còn nhân sự kiện này lên tiếng rằng khu vực này “thật ra là phần nối dài của lục địa Siberia và Nga hoàn toàn có thể khai thác một cách chính đáng”. Tháng 9.2010, Nga và Na Uy ký hiệp định biên giới về Bắc cực, chấm dứt tranh chấp và mở đường cho các hoạt động khai thác tài nguyên. Việc này khiến Canada, Mỹ và Đan Mạch lo ngại về việc Moscow và Oslo bắt tay “chia đôi” khu vực.
|
Kho báu dưới lớp băng
Theo trang tin Nouvelle-europe.eu, việc trái đất nóng lên đã khiến lượng băng đóng trên mặt biển ở Bắc Băng Dương tan chảy nhanh chóng, mở ra những lối đi mới quanh khu vực Bắc cực. Năm 2008, lần đầu tiên 2 cung đường Bắc - Tây và Bắc -Đông đã được khai thông trong khu vực băng giá của Bắc Băng Dương. Một số chuyên gia đánh giá đường hàng hải Bắc cực có thể được sử dụng từ năm 2015, ít nhất là vào mùa hè.
Đây là một thay đổi vô cùng quan trọng đối với ngành hàng hải. Từ châu u sang châu Á, các công ty vận chuyển hàng hải có thể rút ngắn được 6.000 - 8.000 km và khoảng 2 tuần lễ cho các chuyến hải hành. Cụ thể, để đi từ London đến Tokyo, hải trình sẽ chỉ còn 16.000 km, giảm nhiều so với 21.000 km nếu đi qua kênh đào Suez, hoặc 23.000 km nếu qua kênh đào Panama.
Ngoài ra, Bắc Băng Dương cũng sẽ trở thành vùng biển chiến lược đối với ngành đánh bắt hải sản vì nhiệt độ tăng cùng độ mặn nước biển thay đổi khiến nhiều loài cá di chuyển về phía bắc. Băng tan ở Bắc cực cũng có thể giúp ngư dân tiếp cận với nhiều nguồn dự trữ hải sản mới.
Tuy nhiên, nguồn lợi khiến các nước quan tâm nhất chính là dầu mỏ, khí đốt và các loại khoáng sản “ngủ yên” hàng triệu năm qua dưới lớp băng. Một báo cáo của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ năm 2008 ước tính dự trữ dầu hỏa tại Bắc cực khoảng 220 tỉ thùng, chưa kể lượng khí đốt rất dồi dào. Nguồn năng lượng này tương đương 20-25% dự trữ của thế giới. Không chỉ vậy, Bắc cực có thể còn có các mỏ kim loại và khoáng vật quan trọng như vàng, sắt, bạc, đồng, nickel...
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)