Nghe cách giới thiệu hấp dẫn nên một hôm tôi thức dậy sớm theo một người anh bơi thúng ra biển. Buổi sáng biển Long Thủy khu vực gần bờ thật nhộn nhịp, mỗi người một chiếc thúng chai, tay chèo chống tay kia kéo bẫy.
Bẫy là... phế liệu
"Ngư dân thật tài, họ nghĩ ra nhiều cách làm sáng tạo để tận thu lộc biển mọi lúc mọi nơi", đó là câu nhận xét của một khách du lịch có mặt tại bãi biển Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa, Phú Yên) khi cùng tôi chứng kiến cảnh nhiều ngư dân đang bơi thúng mang từ biển về hàng trăm tôm hùm con. Trong khi những ngày biển nổi gió, ghe cập bờ chật ních thì những ngư dân ở đây lại cần mẫn lắc thúng chai ra biển đặt bẫy, thăm bẫy tôm hùm, không kể ngày tháng, nắng, mưa, gió, bão,... việc làm mang lại hiệu quả kinh tế tại làng biển này.
|
|
Để có những chiếc bẫy, người muốn làm ra nó phải chạy ngược xuôi tìm dụng cụ. Đó là những thứ “nộm” xà bần như lốp xe máy cũ, lưới mành trũ cũ, cây khô, rổ rá hư... "Công nghệ" chế biến bẫy thô sơ, đơn giản. Người làm nghề dùng mành lưới cũ bọc túm xung quanh một chiếc rổ rá cũ, mỗi bẫy có đường kính khoảng 30 cm, nặng khoảng 2 kg; cách khác: cũng có thể lấy một khúc cây cỡ bằng cổ tay cổ chân, dùng mũi khoan khoan dày kín những lỗ cỡ bằng ngón tay trên thân cây; hoặc dùng lốp xe máy, xe đạp buộc với những viên đá san hô có nhiều lỗ... Tất cả các bẫy trên được ngư dân đánh thành một đường dây dài, cách 3 - 5m, cột vào neo, rồi đem thả xuống biển (nơi ngư dân đoán định có khả năng nhiều tôm), hai đầu dây cột vào hai chiếc phao lớn đánh dấu vị trí và có dấu hiệu riêng của mình. Dọc theo đường dây là các bẫy, trên mỗi cái bẫy có một cục xốp làm dấu, người đi thăm cứ bơi thúng theo đường phao thăm từng bẫy một.
Theo ngư dân Nguyễn Văn Trung, cách làm bình dân này được một số người tại địa phương học được từ làng biển Đại Lãnh (Khánh Hòa) hơn một năm trước. Từ khi làm ăn hiệu quả, ngư dân Long Thủy nhiều người làm theo. Làm bẫy kiểu này ít vốn, chỉ chịu khó đi tìm phế liệu và cục xốp, tốn tiền mua dây neo, thế là có một dàn bẫy hái ra tiền. Hiện nay, mỗi người làm nghề bắt tôm con ở đây đều có một dàn bẫy khá hoành tráng. Mỗi dàn khoảng từ 50 đến 200 bẫy. "Dù trời nắng ấm hay biển động, dàn bẫy kia cũng được ngâm dưới nước suốt năm. Khi nào rảnh thì chống thúng ra thăm, nếu bận bịu lắm thì thôi", anh Trung cho biết.
|
|
|
Thu nhập đều đều
Nếu như nghề chong mành được mùa, mỗi đêm một thuyền bắt được trên cả lầm (100 con), bán được cả chục triệu đồng thì nghề bẫy tôm hùm, khi trúng mánh, một đêm một người cũng chỉ được cao nhất là 20 - 30 con, thông thường từ 5 - 10 con. Đi bẫy, số lượng tôm bắt được ít, song nghề này có thế mạnh riêng: ít vốn, ít tốn công, làm được dài dài...
Theo anh Mai Tiến Đạt thì nghề chính của anh là đi biển chong mành, nghề bỏ trũ (đặt bẫy) này được xem là làm thêm nhưng khá hấp dẫn. "Sướng nhất là lúc kéo bẫy lên, thấy con tôm nằm trong lỗ thò hai cái râu ra ngoài cựa cựa. Mỗi sáng mong được đều đều thấy râu tôm cứ như thế này thì mình ấm túi…", anh Đạt vui vẻ kể. Cứ thế, mỗi sáng dù làm gì, mỗi người cũng tranh thủ ra biển, kiếm được một vài con gọi là có thêm thu nhập. "Lâu lâu mới trúng được bữa nhiều nhưng thường ngày nào cũng được vài con, lại có suốt quanh năm, không giàu nhưng có tiền đều như nước mạch, đỡ khổ", một phụ nữ trạc ngoài 40 ngồi đợi chồng bên bờ biển cho biết.
Hiện nay, do tôm hùm con xuất hiện nhiều nên thương lái đã ép giá xuống thấp. Một con tôm sao chỉ còn 95.000 đồng, 50.000 đồng một con tôm xanh (trước đây giá một con tôm sao có lúc lên đến 190.000 đồng). Anh Trung cầu mong: "Một sáng thăm bẫy được 4 con sao cũng kiếm được vài trăm ngàn, ít nhưng mình ăn trọn, không phải chi phí tiền cá ngũ (tiền công bạn chài), tiền dầu như đi ghe chong mành".
Gần đây giá dầu lên cao, nhiều ngư dân làm ăn không được, không có tiền mua dầu gọi bạn ra khơi nên đành neo ghe bó gối ngồi ở nhà. Trong lúc giá cả thị trường bấp bênh như vậy, việc đánh bắt theo kiểu thủ công như bẫy tôm hùm thế này là một việc làm tạo được thu nhập đều đều cho gia đình.
Bài & ảnh: Đào Tấn Trực
Bình luận (0)