Cắn nhau

24/05/2011 09:15 GMT+7

(TNTS) Cắn là một trong những động từ của loài người tiến bộ và chưa tiến bộ. Muốn có một phát cắn ra hồn ra vía, người ta phải há miệng rộng ra rồi điều khiển cho xương hàm khép lại, cho hai hàm răng... táp vào một cái gì đó mang tính vật chất cao. Theo sự nghiên cứu của… tôi, có hai loại cắn. Loại một, người ta thù nhau, ghét nhau, đánh nhau mới cắn. Loại hai, thương nhau người ta cũng cắn.

Thiên Long bát bộ của Kim Dung kể chuyện gã Phong Ba Ác - một anh hào trong phe Cô Tô ở Giang Nam, dùng tới thủ đoạn hạ lưu là cắn địch thủ. Hắn đấu quyền với một trưởng lão Cái bang. Trưởng lão này có môn Thông tý quyền - một loại quyền thuật đặc biệt có thể vươn cánh tay dài ra hơn bình thường. Thế quyền xuất ra tựa hồ đi hết đà nhưng cánh tay lại sinh ra một luồng kình lực mới, đầu quyền bỗng dài ra hơn nửa thước. Trưởng lão sử Thông tý quyền đánh đến trước mặt Phong Ba Ác.

Nếu là người bình thường gặp quái chiêu này thì mặt mũi đã ăn trầu rồi. Nhưng Phong Ba Ác nghề cao mật lớn, đánh quen ngàn trận, kinh nghiệm ứng biến phong phú. Hắn… há miệng cắn một phát ra trò vào đầu quyền của vị trưởng lão. Trưởng lão hoảng hốt rụt tay về, nhưng mấy ngón tay đã bật máu tươi ra. Những người đứng quan sát hoặc lên tiếng thóa mạ, hoặc bật cười ha hả về phát cắn có một không hai của họ Phong.

 

Bao Bất Đồng - lão thứ ba trong phái Cô Tô, gọi chiêu đó là Lã Động Tân giảo cẩu (Lã Động Tân cắn chó). Xưa nay, chỉ có chó cắn người, nghĩa là chỉ có Cẩu giảo Lã Động Tân chứ nào có chuyện người cắn chó? Hắn nói như vậy là để chữa thẹn cho Phong Ba Ác, vừa biểu dương người phe mình là người, vừa miệt thị vị trưởng lão kia là chó. Rồi hắn huênh hoang cắt nghĩa môn võ công cắn này: "Lã Động Tân giảo cẩu đại cửu thức chia ra chín thế, mỗi thế có tám lối biến hóa, vị chi bảy mươi hai thế biến cực kỳ cao thâm".

Đó là cắn vì thù ghét. Sau đây, tôi bàn qua chuyện cắn yêu. Hành vi cắn cũng khiến người ta yêu mà là yêu đến chết mê chết mệt, mới là quái đản. Ỷ thiên Đồ long ký nói tới hai trường hợp cắn vì yêu. Trường hợp nào cũng đáng cho bạn đọc Thanh Niên tuần san nghiên cứu và áp dụng (nếu thực sự bạn đang yêu và muốn có một mối tình bền chặt).

Trương Vô Kỵ mới mười bốn tuổi, bị n Ly - em cô cậu của mình, định bắt lên đảo hoang giữa biển sống với cô. n Ly nắm chặt tay cậu lôi đi. Trương Vô Kỵ không biết n Ly là ai, cũng không muốn lên đảo ở. Yếu thế hơn n Ly, Trương Vô Kỵ bèn há miệng cắn đại một phát vào tay cô. Phát cắn đó gây ra vết thương. Tất nhiên sau đó, vết thương lành. Từ đó, n Ly đâm ra nhớ thương cậu bé bạc bẽo dữ dằn Trương Vô Kỵ. Thậm chí khi cô bị tâm thần phân liệt, cận kề bên cái chết, cô vẫn lảm nhảm gọi tên cậu Trương.

Lớn lên, Vô Kỵ có một người bạn gái là quận chúa Triệu Mẫn, người Mông Cổ. Triệu Mẫn nghe được "huyền thoại" Vô Kỵ cắn n Ly khiến n Ly say mê chàng suốt đời thì muốn được... cắn Vô Kỵ một phát. Cô quận chúa ngây thơ thầm yêu Trương Vô Kỵ, rút ra được một kinh nghiệm rằng muốn Vô Kỵ nhớ đến mình thì phải tìm cách… cắn cho chàng nhớ, nghĩa là phải cố ý gây thương tích (và thương nhớ!). Trong một lần bên nhau, cô đột ngột nâng cánh tay chàng Trương lên và cắn một phát cực đau để tỏ tình!

Thế nhưng, cô quên một điều là Vô Kỵ có Cửu dương công thâm hậu. Phát cắn của cô thành công tốt đẹp, khiến Vô Kỵ đổ máu. Ngược lại, Cửu dương công của Vô Kỵ cũng phản ứng mãnh liệt hất cô văng ra xa, may mà không tổn thương hai hàm răng. Vô Kỵ hỏi cô sao lại làm chuyện kỳ quái vậy. Cô đáp: Phải gây ra vết thương để Vô Kỵ nhìn thấy là nhớ đến mình. Thật ra, cô không cần cắn thì Vô Kỵ cũng chỉ yêu thương một mình cô!

Cứ nghĩ đến chuyện cắn lãng mạn như vậy, ai nấy có lẽ cũng mong được cắn và bị người khác phái cắn. Cắn nhau một phát để nhớ nhau một đời thì có gì mà hối tiếc để… không cắn và không muốn bị cắn? Đời sống tiên tiến, thuốc men nhiều, người bị cắn không lo chuyện vết thương làm độc, nhiễm trùng. Có lẽ vì vậy mà thiên hạ cũng lai rai cắn nhau. Thế nhưng, do nội công không tới, do áp dụng bài bản trật lất nên một số vụ cắn đời nay không nhằm cố ý gây thương nhớ mà trở thành phạm tội cố ý gây thương tích.

Trong đời làm báo của mình, tác giả đã gặp nhiều vụ án cắn khá ngộ nghĩnh. Vụ thứ nhất: Chị H. (Buôn Hồ, Đăk Lăk) quen anh P. mười năm nhưng anh P. không rục rịch cụ cựa gì. Năm 2004, anh P. đi làm xa, cũng không có thư từ về. Chị H. quyết định lập gia đình với một người đàn ông khác.

Trước ngày cưới một hôm, anh P. đột ngột xuất hiện, mặt mày tươi tỉnh, quần áo bảnh bao. Anh thưa với gia đình chị P. cho phép anh tặng quà và hoa cưới mừng chị. Hai người bạn cũ ngồi nói chuyện với nhau trong vườn nhà. Anh P. xin chị H. cho... hôn tay để cám ơn bạn cũ và bày tỏ lòng hữu nghị anh em.

Chị H. đưa tay ra. Anh P. cầm lấy ngón đeo nhẫn của bàn tay trái chị P. và cắn một phát đến trời long đất lở rồi vận tột đỉnh khinh công, chạy mất. Chị H. ngất xỉu, được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Phát cắn làm đứt hẳn một đốt ngón tay. Đám cưới diễn ra hôm sau phải hoãn lại bởi không có một cô dâu nào đi chào quan khách bằng một bàn tay trái băng bó tù lu hết.

Vụ thứ hai: Anh P. ở thị xã Tam Kỳ (cũ) - nay là thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đi nhậu cháo vịt rượu đế. Nhậu xong, anh đứng dậy... đi luôn, quên trả cho bà chủ quán S. năm ngàn đồng còn thiếu của hai xị rượu. Bà S. chạy theo, níu áo ông khách hậu đậu đòi tiền.

Hai người xô đẩy rồi vật nhau. Anh P. mạnh hơn, đè bà S. và há miệng cắn một phát vào mũi của bà S. Cáo trạng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Tam Kỳ ghi rõ: "P. dùng răng cắn đứt cánh mũi bên trái của bà S. Cánh mũi trái đứt hoàn toàn, bộc lộ sụn, máu chảy nhiều, khoảng một giờ sau gia đình mới tìm được".

Tỷ lệ thương tật do vết cắn gây ra là 14 %, gây cố tật suốt đời cho nạn nhân. Tòa án nhân dân thị xã Tam Kỳ tuyên phạt anh P. hai năm tù giam, đền bù cho bà S. 1,2 triệu đồng.

Than ôi, những phép cắn trong đời ta dung tục quá, lại thiên về trả thù hơn là bày tỏ tình cảm. Chiêu thức Lã Động Tân giảo cẩu được áp dụng một cách bừa bãi, vừa vi phạm pháp luật, vừa làm mất thẩm mỹ cho nạn nhân. Cắn cái chi mà cắn ác hung rứa hở trời?

Viết đến đây, các anh chị trong tòa soạn Thanh Niên tuần san lắc đầu ngoày ngoạy, góp ý: Anh Bì nói chuyện cắn chưa tới nơi tới chốn. Anh chỉ nghĩ đến hành động cắn cụ thể mà chưa nói đến chuyện cắn... trừu tượng. Mấy vị tham ô cắn tài sản quốc gia, mấy vị tham nhũng cắn tiền bạc của nhân dân sao chưa thấy anh đề cập đến? Nhớ nói thêm mấy vụ cắn này nữa, anh Bì nhé.

Vâng, tôi hứa sẽ tiếp tục mần tới các vị vua cắn này. Có lẽ lúc đó, tên của chiêu thức phải được chính thức gọi là Cẩu giảo Lã Động Tân thì mới phù hợp.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.