Là lục địa cổ, con người xuất hiện rất sớm nhưng mãi đến đầu thế kỷ XVI, châu Úc mới được người châu u biết tới. Đến cuối thế kỷ XVIII, Úc trở thành thuộc địa của Anh. Năm 1901, Liên bang Úc ra đời, nằm trong Liên Hiệp Anh. Úc có diện tích hơn 23 lần VN (7.617.930 km2) và chiều dài bờ biển hơn 15 lần VN (gần 50.000 km), nhưng dân số chưa tới 25 triệu người. Phần lớn diện tích là hoang mạc và bán hoang mạc, địa hình bằng phẳng, đất đai già cỗi. Phía nam khí hậu ôn hòa, phía bắc khí hậu nhiệt đới. Môi trường sống ở Úc cực kỳ đa dạng. Khoảng 85% thực vật có hoa, 84% động vật có vú, hơn 45% loài chim, khoảng 89% loài cá ôn đới, 755 loài bò sát (nhiều nhất thế giới)...
|
Động vật ở Úc rất đặc thù và phong phú. Loài thú mỏ vịt sống trong hang nhưng lặn giỏi và có thể sống dưới nước. Mỏ vịt có thân giống chồn nhưng bàn chân có móng sắt và màng như chân vịt, còn mỏ thì y hệt mỏ vịt nhưng có thể đàn hồi và rất linh hoạt để săn mồi. Đây là loài thú đẻ trứng lạ nhất hành tinh. Miệng thú mỏ vịt không có răng, 2 má có thể phình ra để chứa mồi như khỉ. Lỗ mũi nằm phía trước, đuôi rộng và bè để lái khi bơi, lông không thấm nước. Mỏ vịt đực chân sau có 2 cựa như gà trống nhưng chứa nọc độc để tấn công mồi. Khi bơi, tai, mắt, mũi mỏ vịt đều đóng kín, chúng phát hiện mồi nhờ sóng điện từ như cá heo. Loài thú này nuôi con bằng sữa nhưng không có núm vú. Sữa tiết ra theo lỗ chân lông dưới bụng mẹ để con chúng liếm thay vì bú. Con trưởng thành có thể dài tới 60 cm và nặng gần 3 kg. Loài thứ 2 là thú lông nhím. Đây là loài thú có vú nhưng đẻ trứng giống như mỏ vịt. Lông nhím có “nhà vệ sinh” chung và đời sống tình dục kỳ lạ. Con cái có thể giao phối với nhiều con đực. Lông nhím để trứng vào túi của mình và tự ấp. Con non nở ra trong túi cho đến khi mọc đầy lông nhím. Mỗi con lông nhím có khoảng 500 chiếc lông nhọn, vừa để giữ ấm vừa để phòng thủ và tấn công kẻ thù, khi cần lông nhím sẽ xù lông, rụt cổ, thân biến thành túi, che cả chân và đầu.
Các lễ hội không có diễn văn chào mừng hoặc kể lể những thành tích, không băng rôn, khẩu hiệu, kể cả lễ quốc khánh, các nghệ sĩ chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư đều tình nguyện, không nhận thù lao
|
|
Úc có 17 di sản thế giới, trong đó gần một nửa là các vườn quốc gia. Rạn san hô Great Barrier là hệ thống san hô ngầm lớn nhất thế giới, có độ dài 2.600 km, diện tích 344.000 km2, được tạo nên bởi 3.000 dãy đá và 900 hòn đảo ngầm. Công viên quốc gia Purnululu là bộ sưu tập khổng lồ các kết cấu của đá cuội và sa thạch. Công viên quốc gia Nambung với vô số cột đá vôi đủ loại “mọc” lên từ cát giữa hoang mạc. Vịnh Cá mập với các đặc trưng những thảm thực vật biển bạt ngàn, lớn và phong phú nhất thế giới; “giang sơn” của loài bò biển còn gọi là cá nược, “quê hương” của Stromatolies - một loại đá trầm tích cổ chứa nhiều loại vi khuẩn hóa thạch. Núi Augustus cao 1.105m là khối đá nguyên lớn nhất thế giới, dài 8 km có cảnh sắc thay đổi theo thời điểm và độ sáng của trời đất. Nolfe Creek Greater – đường kính 880m được tạo thành bởi sự va đập của một thiên thạch khoảng 50.000 tấn với trái đất cách đây 300.000 năm. Úc còn có rất nhiều thác đẹp, nhiều hang động bí ẩn, những thảm vàng hoa cải ngút ngàn và vô vàn thắng cảnh kỳ thú.
Vườn thực vật Sydney thành lập từ năm 1819 với bộ sưu tập hơn 45.000 loài cây cỏ và hơn 1 triệu mẫu vật; là nơi chụp ảnh cưới trên cả tuyệt vời. Vùng Cabrammatta ở Sydney được xem là thủ phủ của người Việt ở Úc. Tại đây có đủ thứ nhà hàng với hàng trăm món ăn thuần Việt, đủ mặt văn phòng dịch vụ của người Việt, đủ loại cửa hàng - cửa hiệu đầy ấp hàng VN chất lượng cao và dĩ nhiên nói tiếng Việt như ở VN, có cả chùa và nhà thờ của người Việt. Úc được xem là hợp chủng quốc, chỉ riêng Sydney đã có cư dân của gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, nói hơn 140 ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính nhưng hầu hết dân Úc nói được ít nhất 2 thứ tiếng, tiếng Anh-Úc và tiếng bản địa gốc của mình. Người Việt ở Úc gần 300.000 người, nhiều em học rất giỏi, nói tiếng Việt lưu loát.
Úc là xứ sở của lễ hội. Lễ hội ở đây thường được tổ chức cuối tuần để mọi người cùng dự. Dù lớn hay nhỏ, lễ hội đều mang tính cộng đồng rõ nét, đó là một dạng “Family Day” của các gia đình được tổ chức tiết kiệm mà hiệu quả, vui nhộn mà thoải mái. Có lễ hội khu phố đến lễ hội quốc gia, quốc tế. Người đến dự có thể mang theo ghế xếp, tấm trải, lều bạt và cả chăn mền cùng thức ăn. Cứ như đi picnic đường phố vậy. Có nhà còn mang theo bếp ga, lò nướng. Bên cạnh là những quầy thức ăn nhanh, đồ lưu niệm, trò chơi… luôn luôn có nhà vệ sinh công cộng và xe cấp cứu thường trực. Đông vui nhộn nhịp mà trật tự và vệ sinh. Đặc biệt các lễ hội không có diễn văn chào mừng hoặc kể lể những thành tích, không băng rôn, khẩu hiệu, kể cả lễ quốc khánh, các nghệ sĩ chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư đều tình nguyện, không nhận thù lao. Lễ hội chẳng những không tốn tiền mà còn thu được tiền để làm từ thiện. Các lễ hội lớn là: lễ hội thành lập thủ đô, lễ quốc khánh, lễ hội hoa từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 hằng năm, lễ hội đa văn hóa, lễ hội hài hòa…
Hai tuần lễ ở Úc chỉ như cưỡi ngựa xem hoa. Quá nhiều điều kỳ thú đâu đó trên đường phố vẫn bắt gặp hình ảnh người vô gia cư co ro trong túi ngủ, người ăn xin lặng lẽ chờ lòng hảo tâm. Cũng nghe nói có băng đảng quậy phá… tất cả chỉ như nét mờ trên bức tranh hoành tráng, chân thực mà tuyệt đẹp.
Nguyễn Văn Mỹ
Bình luận (0)