Chí Trung chơi cổ vật

22/05/2011 01:48 GMT+7

Nhiều người sẽ giật mình khi biết NSƯT Chí Trung đang có hàng nghìn món cổ vật. Tự nhận mình chỉ là “con cánh cam” so với làng đồ cổ, nhưng “bây giờ ai muốn lừa Chí Trung thì chỉ có ôm đầu mà tức vì vỡ mộng” - anh hóm hỉnh.

Chí Trung có ba thú vui: xem phim Mỹ, xem bóng đá và chơi cổ vật. Đến nhà anh ở phố Tràng Tiền, tầng nào cũng thấy bày cổ đồ. Hỏi chắc anh phải giàu lắm mới chơi nhiều đồ như vậy, anh cười: “Giàu chứ. Giàu kiến thức. Giàu mối quan hệ. Giàu tình yêu cuộc sống dành cho mình”.

 

 Chiếc điếu hai quả bầu có từ thời Minh Mạng - Ảnh: Minh Ngọc

Đã từng “đi sứ”

Anh kể, những năm 1980 -1982, sân khấu kịch được đón nhận nồng nhiệt với các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, nhưng tới năm 1986, tình hình không còn được như vậy. Mọi thứ khó khăn hơn vì sân khấu đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ bao cấp sang thị trường. Công việc rảnh rỗi, lại muốn kiếm tiền trang trải cuộc sống, Chí Trung liền theo anh bạn thân, con nuôi của mẹ anh, đi… buôn đồ cổ, mà người ta vẫn gọi là “đi sứ”. Anh đến những vùng quê mua lại của thợ sứ, những người đã mua đồ cổ ở nhà dân rồi gom lại. Về đến Hà Nội, anh mở đại lý bán lại cho những người chơi cổ vật.

Chí Trung không ngại kể chuyện mình từng đi buôn cổ vật. Vào những năm 1980-1990, khi cuộc sống còn khó khăn, anh đã bươn chải với đủ thứ nghề, nào là buôn xe đạp, xe máy, dầu, gạo, nào bóng đèn, thuốc lá. Với anh, chính quá khứ khó khăn đã làm nên tình yêu với cuộc sống; nhờ có quãng thời gian vất vả bôn ba đó mới giúp anh đứng vững, tồn tại với nghề và được khán giả biết đến như bây giờ.

Chí Trung ví tình yêu cổ vật như tình yêu với một cô gái. Mới đầu, anh chưa biết, chưa hiểu “nàng” đẹp thế nào. Đến khi nghiên cứu, học hỏi như về hoa văn, niên đại…, anh mới thấy “nàng” đẹp, muốn nâng niu, giữ lại, không muốn rời xa nữa.“Thế là nảy nở một tình yêu” - anh cười cho biết.

Nhưng nếu cứ giữ khư khư tất cả cổ vật thì lấy tiền đâu để chơi mãi, để “duy trì tình yêu”, vì thế có lúc anh đành chia xa vài “nàng”, san sẻ tình yêu cho nhiều người đam mê khác và đón thêm các “nàng” mới về. Chí Trung thừa nhận: “Tôi chơi không tinh mà chỉ chơi theo cái duyên, theo cảm tính, chơi bằng niềm vui, cả sự cay đắng, trải nghiệm của chính mình”. Có những món đồ khi mua anh chỉ mất tiền trăm nhưng khi bán lên tới hàng chục triệu đồng, nhưng “có món mình săn đuổi từ lâu, mua mất tới mười triệu bạc, anh em chơi cùng đến phán là đồ dỏm, bán đi chưa chắc được một trăm ngàn”. Đó là những nỗi “cay đắng” mà Chí Trung đã trải qua vào những năm anh bắt đầu thú chơi. “Tôi chơi cổ vật bằng cả tình yêu và nước mắt, nhưng không bao giờ cay cú, mà chỉ coi là những men say để học hỏi”, còn bây giờ “khôn lắm rồi, không lừa được đâu” - Chí Trung nói. Tính ra anh đã có 24 năm gắn bó với cổ vật.

Từ binh khí Đông Sơn đến chiếc bát chơi dế triều Nguyễn

Chí Trung nhận mình là dân chơi nghiệp dư. Anh không tham gia vào hội chơi nào mà chỉ là thành viên không chính thức của trang web phomuaban.com, để học lỏm cách người khác đánh giá cổ vật. Với anh, người bạn thân là người thầy đầu tiên dạy anh cách chơi, nhưng “trong cuộc chơi này, người thầy dạy mình nhiều nhất chính là trường đời”.

Khắp nhà anh chỗ nào cũng thấy cổ vật. Có tới hàng ngàn món mà anh không bao giờ quên món này có “gốc gác, tiểu sử, lý lịch” thế nào. Anh đùa: “Khi dành tình yêu cho nàng đồ nào rồi, thì nhớ cả ngày được cầm tay nàng, được hôn vào môi nàng. Đến vợ tôi (NSƯT Ngọc Huyền) còn ngạc nhiên vô cùng, không hiểu vì sao tôi lại nhớ thế”. 

Chí Trung sưu tầm từ đồ đồng thời Đông Sơn, Trần, Nguyễn, cho đến đồ cốt đất của văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo, của nhà Hán tại Việt Nam, thời Lê, Lý, Trần… Bộ sưu tập binh khí bằng đồng thời Đông Sơn có niên đại cách đây 2.000 năm của anh có đầy những giáo mác, rìu đồng, rìu lưỡi hài trên có hoa văn vẽ người, thuyền, chó. Ngoài ra còn có cả dao găm, có cái là đồ của dân dùng, có cái vẽ hoa văn chằng chịt là của quan - những con dao đó thường được gọi là dao lệnh, để làm cảnh. Những tấm hộ khiên trước ngực, vành đai đeo ở tay làm bộ sưu tập thêm phong phú.

Chiếc ấm hình con cá cõng con tôm làm từ thời Lê được đôi tay người thợ xưa chăm chút, tỉ mỉ vô cùng mềm mại, uyển chuyển. Một bức tượng nhỏ được bày gần chiếc ấm. Nhìn kỹ thì thấy là hình tượng vũ nữ múa trên đài sen có từ thời nhà Lý. Trong bộ sưu tầm của Chí Trung có nhiều loại ấm, trong đó có chiếc ấm thời Lý, đầu hình rồng, sau lưng có hình con vẹt. “Hồi xưa các cụ mân mê mỗi món hàng mấy tháng trời, nên đồ làm rất tinh xảo. Quý là ở chỗ đấy” - anh  nói.

Mấy chiếc tủ bày cổ vật của anh đầy kín, có khi anh phải cất cả vào trong gầm tủ. Anh khoe chiếc tủ bày đồ sứ có từ thời Nguyễn, nhiều món đồ được triều đình đặt hàng làm bên Trung Quốc mang về dùng trong cung. Nhiều người đến chơi nhà anh rất thích chiếc bát sứ, trên có nắp úp đục lỗ. Hóa ra đây là chiếc bát để nuôi dế. Chiếc bát rất đẹp, có vẽ hình tám cô tiên. Bên cạnh có chiếc điếu hai quả bầu. Chiếc điếu có từ thời Minh Mạng, trên vẽ hình rồng thường được vua ngày xưa dùng.

Chơi cổ vật, với Chí Trung, là cách làm mình tĩnh tâm, thư thái trong cuộc sống, niềm đam mê sau những giờ phút lao động, sáng tạo nghệ thuật, từ nhà hát trở về nhà.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.