Mỹ nỗ lực chôn vùi bãi thử hạt nhân của Liên Xô

22/05/2011 23:24 GMT+7

Nga cung cấp tin tức, Mỹ đầu tư chi phí còn Kazakhstan góp công sức, nhân lực cho một sứ mệnh bí mật nhằm bảo đảm an toàn hạt nhân tại quốc gia Trung Á.

Tại một nơi từng là khu vực đồn trú của hơn 20.000 lính Liên Xô cách đây hơn 20 năm, sự hiện diện của Mỹ đang ngày càng trở nên rõ nét hơn. Lầu Năm Góc đã chi đậm để bảo đảm các máy bay không người lái liên tục trinh sát bầu trời ở vùng nhạy cảm. Các hệ thống thiết bị phát hiện chuyển động được lắp đầy tại khu vực để chắc rằng bất cứ hành động xâm nhập nào vào khu vực cấm cũng được báo động cho bộ chỉ huy.

Trên đây chỉ là một số phương pháp an ninh thuộc dự án bí mật của Mỹ nhằm bảo vệ Địa điểm thử nghiệm hạt nhân Semipalatinsk (STS) và các vật liệu ở đây (từ plutonium đến uranium đã làm giàu).


Bãi thử nghiệm hạt nhân gần thị trấn Kurchatov - Ảnh: AFP

Chiến dịch Chuột chũi

Nguồn nguyên liệu hạt nhân khổng lồ

Sau khi các cuộc thử nghiệm hạt nhân trên mặt đất bị cấm tiệt, Liên Xô đã cho nổ 295 thiết bị trong 181 đường hầm dưới núi Degelen ở thảo nguyên Trung Á, theo báo cáo hồi năm ngoái của Viện An toàn phóng xạ và sinh thái Kazakhstan. Mỗi vụ nổ tiêu thụ từ 1 đến 30% vật liệu phóng xạ, để lại một mớ ngổn ngang các nhiên liệu còn lại hòa lẫn cùng với đất đá bên dưới.

Việc bảo vệ các nguyên liệu trên đồng nghĩa với chuyện phải xóa bỏ hoàn toàn những bí mật hạt nhân tồn tại từ thời Chiến tranh lạnh. Theo báo The New York Times, Nga đang thận trọng chia sẻ kho tài liệu về các cuộc thử nghiệm nguyên tử thời Liên Xô, và Mỹ đang chi tiền để dỡ bỏ hoặc đảm bảo sự an toàn của các vật liệu ở cấp độ vũ khí. Về phần mình, Kazakhstan cung cấp nhân lực, nhưng do không phải là một quốc gia hạt nhân nên giới chức Astana không hề biết được chính xác là họ đang canh giữ cái gì.

Năm 1948, Liên Xô đã chọn khu vực hẻo lánh tại vùng thảo nguyên của Kazakhstan để lập nên cái gọi là Địa điểm thử nghiệm hạt nhân Semipalatinsk gần thị trấn Kurchatov. Dân làng xung quanh chẳng biết chuyện gì đang xảy ra trong vùng sau khi các trận động đất liên tục xảy ra. Sau khi Liên Xô tan rã, khoảng 20.000 đến 30.000 lính rút khỏi vị trí canh phòng, để lại khoảng 500 binh sĩ Kazakhstan bảo vệ khu vực này. Khi đó, Mỹ lập tức nhảy vào thay thế Nga, viện dẫn lý do phải bảo vệ các nguyên liệu và sản phẩm hạt nhân trong bàn tay an toàn. Tuy nhiên, dự án của Mỹ luôn được bảo vệ trong vòng bí mật, trừ đôi lần rò rỉ bất khả kháng như vào năm 2003. Giới chức Kazakhstan đã nói với phóng viên tờ Science về chiến dịch Chuột chũi và chuyện họ phải chôn vùi đất đai nhiễm plutonium dưới lớp bê tông để tránh khỏi bàn tay của các tổ chức khủng bố đang tìm cách sở hữu bom bẩn.

Lại là WikiLeaks

Tất nhiên, khi giới truyền thông quay sang hỏi Chính phủ Mỹ, chẳng quan chức nào thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Ngoại giao chịu hé răng một lời về chiến dịch tại Kazakhstan. Đến khi WikiLeaks tung ra một loạt các thư tín ngoại giao vào năm ngoái, sự thật mới được phơi bày. Trong một thư tín, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ vào năm 2009 kêu gọi Lầu Năm Góc phải khẩn cấp ngăn chặn vật liệu hạt nhân rơi vào tay khủng bố, theo báo Guardian. Trong một thư tín khác, chiến dịch tại Kazakhstan được miêu tả là “đóng vai trò then chốt nhất” trong tất cả các dự án do Mỹ tài trợ nhằm bảo vệ vật liệu hạt nhân phát sinh từ thời Liên Xô.

Thời điểm ông Barack Obama vào Nhà Trắng cũng đánh dấu sự thay đổi đến tận gốc rễ về thái độ của Mỹ trong chiến dịch trên. Báo The New York Times dẫn lời ông Kairat K.Kadyrzhanov, Tổng giám đốc Trung tâm Hạt nhân quốc gia Kazakhstan, cho hay phía Mỹ yêu cầu phải tăng tốc độ dự án tại Địa điểm thử nghiệm hạt nhân Semipalatinsk lên gấp 5 lần so với trước đây, nhất là sau khi một số dân thường thiệt mạng do hít phải khí độc trong lúc cố gắng bò vào các đường hầm kiếm dây đồng bán cho người Trung Quốc. Đến năm 2004, có đến 110 trong số 181 đường hầm bị bịt kín đã bị đào bới thông suốt trở lại, và hiện Mỹ gây áp lực buộc phía Kazakhstan phải lấp hết những đường hầm này trong vòng 2 năm.

Theo ông Kadyrzhanov, nếu tổng thống kế nhiệm ông Nursultan Nazarbayev nổi hứng muốn khai thác “mỏ” nguyên liệu hạt nhân tại STS, ông này phải bỏ rất nhiều công sức vì công tác bịt đường hầm hiện nay đã bảo đảm rằng các nguyên liệu tại đây sẽ không thể sử dụng được trong thực tế nữa.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.