Học trò làm nông cùng chuyên gia Nhật

25/05/2011 18:30 GMT+7

30 học trò THCS ở Vĩnh Long đã giúp gia đình mình thay đổi cách canh tác với sự giúp đỡ trực tiếp của các nhà khoa học nông nghiệp từ Nhật Bản.

Em có giúp bố mẹ làm nông không? Câu trả lời của đa số các em là: “Dạ không! Ba má nói em lo đi học thôi”. Nếu câu trả lời là có thì việc mà các em kể ra là: mang cơm ra đồng cho bố mẹ! Nhưng từ khi dự án về mô hình giao tiếp, truyền đạt qua thanh thiếu niên do Tổ chức phi chính phủ Pangaea và Trung tâm Tin học thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp triển khai tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, đã khởi đầu cho một thay đổi lớn với các cô cậu học trò.

Chuyên gia nhí

Trần Nam Anh (học sinh lớp 9, trường THCS Thiện Mỹ) kể: mỗi ngày trước lúc đến trường và sau khi từ trường về, em dành thời gian ra ruộng lúa của gia đình. Bắt đầu từ việc đo chiều dài cây lúa, nhiệt độ, độ ẩm, thỉnh thoảng bắt sâu hại xuất hiện và dùng điện thoại di động chụp lại ảnh chúng trên nền kẻ ô để xác định kích thước… Một số dữ liệu được gửi ngay qua tin nhắn, một số thì gửi qua trang web của dự án đến các nhà khoa học đang ở Nhật. Từ Nhật, các chuyên gia nông nghiệp của ĐH Tokyo và ĐH Mei sẽ hướng dẫn cách xử lý, trả lời tất cả các thắc mắc để Nam Anh về truyền đạt lại bố mẹ mình trong quá trình canh tác.

 
Nam Anh hướng dẫn em trai và đám trẻ hàng xóm cách lấy các thông số trên ruộng - Ảnh: T.P

29 bạn khác từ 11 đến 15 tuổi ở xã Thiện Mỹ cũng cùng nhiệm vụ như Nam Anh. Mỗi bạn được dự án trang bị cho 1 điện thoại di động, một bộ công cụ để lấy số liệu trên đồng lúa, còn máy tính thì có sẵn ở trung tâm văn hóa xã, nơi mỗi tuần các “chuyên gia nhí” sẽ gặp nhau để làm việc nhóm 2 lần với sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông xã.

Tổ chức Pangaea đã thành công khi đưa ra ý tưởng: chính cách tiếp cận từ trẻ em để thay đổi thói quen canh tác lạc hậu của bố mẹ các em hiệu quả hơn là đi chuyển giao công nghệ trực tiếp cho nông dân.

Thay đổi tích cực

Thực tế là trẻ em nông thôn bây giờ có vẻ như không thích nghề nông, không quan tâm đến việc canh tác của bố mẹ, thì dự án này đã làm thay đổi điều đó

PGS - TS Triệu Văn Hùng Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Vướng mắc về ngôn ngữ giữa các học sinh và chuyên gia nông nghiệp Nhật được giải quyết bằng sự cộng tác của các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Toàn bộ câu hỏi của các em và gia đình tại Vĩnh Long được hệ thống chuyển tự động từ tiếng Việt sang tiếng Anh cho các chuyên gia Nhật đọc và trả lời theo quy trình ngược lại.

Các chuyên gia công nghệ thông tin của ĐH Kyoto (Nhật) và Phòng Thí nghiệm trí tuệ nhân tạo (AILab), trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đang phát triển công nghệ cho phép các em gọi trực tiếp vào một tổng đài tự động hoạt động liên tục để báo cáo số liệu và nêu câu hỏi bằng tiếng Việt, hệ thống sẽ tự động chuyển thành dạng văn bản tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, khi chuyên gia nước ngoài trả lời, các em sẽ nhận được chỉ dẫn tự động chuyển ngữ lại bằng tiếng Việt. Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Trưởng phòng Thí nghiệm AILab, cho biết: “Ứng dụng CNTT vượt qua rào cản ngôn ngữ để ứng dụng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội cũng là hướng nghiên cứu mà ĐH Quốc gia TP.HCM ưu tiên đầu tư”.

Một khi chương trình thành công, có thể sẽ nhân rộng ra nhiều nơi, dựa trên những thông số về thời tiết, thổ nhưỡng, giống lúa… ghi nhận được, cộng với phương pháp canh tác tiên tiến được chuyển giao sẽ hình thành một quy trình sản xuất gạo sạch, bảo vệ môi trường, đủ hấp dẫn để xuất khẩu giá cao sang Nhật.

Ở góc độ khác, theo PGS - tiến sĩ Triệu Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì: “Thực tế là trẻ em nông thôn bây giờ có vẻ như không thích nghề nông, không quan tâm đến việc canh tác của bố mẹ, thì dự án này đã làm thay đổi điều đó”. Câu chuyện của nhiều bạn nhỏ và gia đình ở đây là một ví dụ sống động. Chẳng hạn cậu bé Trần Bảo Ngọc, học sinh lớp 8 trường THCS thị trấn Trà Ôn, sau 9 tuần làm chuyên gia đã khẳng định lớn lên sẽ trở thành kỹ sư nông nghiệp. Hay Nam Anh, Hoài Nam… - những cậu học trò lớp 8, 9, đã có thể cho ý kiến giúp những hộ chưa tham gia dự án lần này cách phòng trừ sâu bệnh, cách bón phân, tháo nước… một cách rất tự tin.

Bố của một cậu bé tham gia chương trình khi được hỏi đã vui vẻ trả lời đoàn khách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Có sự giúp sức của chuyên gia Nhật qua thằng con, vụ này nhà tui tiết kiệm được đáng kể tiền điện bơm nước, tiền phân và thuốc trừ sâu do không xài bừa bãi như trước. Nhưng đáng nói nhất là mấy đứa nhỏ bắt đầu biết bàn chuyện mần ruộng với vợ chồng tui sôi nổi suốt ngày, chứ không hết học bài là bỏ đi chơi như trước”.

Trọng Phước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.