Bà Nhiên nguyên là Phó giám đốc Bảo tàng Phú Yên, công việc khi chưa nghỉ hưu cho bà cơ hội tiếp xúc với tiền cổ. Bà kể về thú sưu tập của mình: “Tôi bắt đầu sưu tầm tiền cổ từ năm 2004. Hiện tôi đã sưu tầm 60 loại tiền cổ từ thời Lý đến thời Pháp thuộc; 42 loại tiền cổ Trung Quốc và 300 loại tiền nhiều mệnh giá có in hình Bác Hồ”.
|
Đối với tiền cổ, bà Nhiên trưng bày theo hệ thống tiền tệ từ triều Lý đến triều Lê Trung Hưng. “Vì sưu tập ít nên chỉ triển lãm để biết, chứ không thể triển lãm theo chủ đề được”, bà Nhiên tâm sự. Trong đó, riêng hệ thống tiền tệ thời Tây Sơn, bà sưu tầm được khá nhiều nên trưng bày theo chủ đề là bông hoa 5 cánh. Bà Nhiên giải thích: “Hệ thống tiền thời Tây Sơn là phong phú nhất, đã thay thế và không lệ thuộc hoàn toàn tiền của Trung Quốc lúc bấy giờ, thể hiện qua các đợt khai quật. Tôi chọn chủ đề bông hoa là để thể hiện thời kỳ thăng hoa tiền tệ của nước Việt”. Còn với hệ thống tiền tệ triều Nguyễn, bà Nhiên chọn chủ đề là cổng Điện Thái Hòa để trưng bày.
Trong gian phòng triển lãm, bà Nhiên bố trí chính giữa là trụ bông hoa sen trưng bày bộ tiền có in ảnh Bác Hồ với tiêu đề: “Tiền đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tín phiếu Trung Bộ, tín phiếu Nam Bộ, tiền miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiền giai đoạn 1975-1978 và tiền từ 1978 đến nay”.
|
Bà Nhiên có ý tưởng trưng bày tiền cổ, tiền Việt Nam qua các thời kỳ và tiền các nước từ năm 2008, nhưng mãi đến tháng 12.2010 mới ra mắt được. “Trước đây, tôi không có ý định mở phòng trưng bày tiền cổ nên chỉ xin đem về cất giữ. Khi sắp nghỉ hưu, tôi lấy ra xem và chợt nghĩ mình nên tổ chức phòng trưng bày tiền để có kỷ niệm và niềm vui khi về già. Thế là tôi bắt đầu sưu tập bổ sung thêm những loại tiền còn thiếu. Có cái được người ta cho, có cái tôi bỏ tiền ra mua”, bà Nhiên bộc bạch về nỗi đam mê của mình.
Trong bộ sưu tập tiền cổ của bà Nhiên, triều Lý có 8 đời vua nhưng chỉ có 5 đời vua đúc tiền. Hiện bà Nhiên đã sưu tầm được tiền đúc của 4 đời vua. Thời Tây Sơn có 37 loại, bà Nhiên chỉ mới sưu tầm được 7 loại, trong đó tiền thời vua Quang Trung là nhiều nhất… Bà tỏ ra tiếc nuối: “Hồi tôi còn công tác ở bảo tàng, đi cơ sở thấy nhiều điểm thu mua phế liệu có tiền cổ nhiều vô số kể, chỉ xin vài đồng về cất chứ đâu nghĩ bây giờ mình có cơ hội sưu tầm nó”. Bà Nhiên cho biết, ngày 2.9 tới bà sẽ cho ra mắt bộ sưu tập tiền các nước. Tâm nguyện của bà là mong muốn liên kết với các trường học để các em học sinh tìm hiểu lịch sử thông qua bộ sưu tập tiền cổ.
Bài & ảnh: Đức Huy
Bình luận (0)