Cần chấn chỉnh cấp phép khai thác khoáng sản

26/05/2011 01:36 GMT+7

Hội nghị Đối thoại phòng chống tham nhũng (PCTN) trong lĩnh vực khai thác khoáng sản do Thanh tra Chính phủ (TTCP), Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội hôm 25.5.

Trong phần khai mạc, ông Nguyễn Đình Phách, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, cho biết trong những năm gần đây, công nghiệp khai khoáng đang trở thành ngành sản xuất quan trọng nhưng các chính sách quản lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản đã bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập.

Theo ông Trịnh Xuân Bền, Phó cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản VN (Bộ Tài nguyên - Môi trường), nhiều văn bản luật và dưới luật quy định về quản lý khoáng sản không còn phù hợp với thực tế dẫn đến sự tùy tiện trong quá trình xử lý công việc của cơ quan quản lý nhà nước, dễ gây ra tham nhũng.

Ông Staffan Herrstrom - Đại sứ Thụy Điển tại VN, cho biết trong danh mục nước nghèo nợ cao của Ngân hàng Thế giới có 12 nước phụ thuộc hầu hết vào khoáng sản và 6 nước phụ thuộc chủ yếu vào dầu hỏa. Đồng thời 1,5 tỉ người đang sống ở những nước giàu tài nguyên chỉ kiếm được dưới 2 USD/ngày. “Điều đó cho thấy quốc gia giàu khoáng sản không hoàn toàn giúp cho đất nước đó ít nghèo hơn và có phúc lợi tốt cho người dân. Và hậu quả nhãn tiền: tỷ lệ thất thoát cao trong quá trình khai thác buộc VN phải nhập than vào năm 2012 cho tiêu thụ trong nước”, ông đại sứ nói.

Nhiều đại biểu cho rằng cần phải sớm khắc phục các chế tài, quy định  pháp luật, minh bạch trong nguồn thu, trong đấu thầu và cấp phép khai thác, cần sự tham gia giám sát của toàn xã hội... để hướng tới cơ chế “không thể và không dám tham nhũng”.

Cục Chống tham nhũng (TTCP) trong một khảo sát mới đây tại 110 dự án ở 15 tỉnh, thành phố về nguy cơ tham nhũng ẩn chứa trong một số hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản cho biết, có tới 91% doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải mất các khoản chi phí không chính thức để có được thông tin về quy hoạch khoáng sản và nguồn cung cấp thông tin này có tới trên 71% là từ các cơ quan quản lý nhà nước. Số tiền các doanh nghiệp phải chi bình quân là 178 triệu đồng, cá biệt có trường hợp lên tới 5 tỉ đồng/dự án. Để có quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, các doanh nghiệp chi bình quân 110 triệu đồng, cao nhất lên tới 1,2 tỉ đồng/dự án.

Chuyển 9 vấn đề của Vinashin sang cơ quan điều tra

Bên lề hội nghị, Tổng TTCP Trần Văn Truyền đã trao đổi với báo chí một số vấn đề liên quan đến kết luận thanh tra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin). Theo ông Truyền, các sai phạm được phát hiện không khác nhiều so với báo cáo của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trước Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra đã xác định có một số sai phạm như hành vi làm trái quy định pháp luật, làm trái chỉ đạo của Chính phủ, có dấu hiệu của sự móc ngoặc với nhau trong việc làm ăn phi pháp. Ngoài ra, Vinashin cũng có việc làm mang tính tùy tiện, thậm chí cục bộ trong phạm vi gia đình. Ông Truyền khẳng định: “Đó là dấu hiệu của tiêu cực tham nhũng và đương nhiên Thanh tra Chính phủ phải kiến nghị tiếp tục điều tra để làm rõ, xử lý hình sự các hành vi này. Chúng tôi đã kiến nghị 9 vấn đề cụ thể tới cơ quan điều tra. Hiện thanh tra và cơ quan điều tra vẫn đang tích cực phối hợp với nhau để làm rõ những sai phạm tại Vinashin”.

Hôm 25.5, nguồn tin Thanh Niên cho biết Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã chuyển kết quả hỗ trợ ủy thác tư pháp của cơ quan chức năng Hàn Quốc đến Viện KSND tối cao về việc Vinashin mua dây chuyền thiết bị nhà máy nhiệt điện đã qua sử dụng tại Hàn Quốc. Hiện, toàn bộ tài liệu bằng tiếng Hàn này đã được chuyển sang Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an dịch sang tiếng Việt để phục vụ công tác giám định tài chính và điều tra vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã đề nghị Viện KSND tối cao hỗ trợ ủy thác tư pháp về hình sự đối với Bộ Tư pháp Hàn Quốc.

Thái Sơn - Thái Uyên

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.