Công ty hương liệu Dục Thân sau khi bị khám xét - Ảnh: ON.CC |
DEHP (tên gốc: Di-(2-ethylhexylPhthalate, còn được gọi là DOP) là một dạng dịch thể không màu không mùi, không dễ hòa tan với nước nhưng dễ hòa tan với ethylether, ethanol, dầu mỏ... Chất này được sử dụng với mục đích chóng tạo hình, đã bị Đài Loan xếp vào nhóm độc dược thứ 4 (là loại độc dược gây ô nhiễm môi trường và gây hại tới sức khỏe con người), nghiêm cấm sử dụng trong thực phẩm.
DEHP gây kích thích hormone của con người, gây hại tới năng lực sinh dục của nam giới, khiến lượng tinh trùng bị sụt giảm nghiêm trọng, hình dáng biến dạng và di chuyển chậm chạp...; kích thích nữ giới phát triển tính dục sớm, trẻ từ 2-8 tuổi cũng có khả năng có kinh nguyệt...
Cục Quản lý an toàn thực phẩm quốc gia (QLATTPQG) Trung Quốc cho biết người lớn mỗi ngày chỉ cần uống 500 cc đồ uống có hàm lượng DEHP chiếm 30 ppm trở lên đã vượt chuẩn cho phép đến 2 lần. Trong khi đó, nhiều sản phẩm sử dụng chất tạo đục của Dục Thân có hàm lượng DEHP đến trên 34 ppm...
30 năm tung hoành thị trường
Sự việc trên chỉ bị phát hiện từ tháng 4.2011, khi một cơ quan y tế Đài Loan tiến hành kiểm tra và phát hiện thấy một loại bột probiotics do Công ty Khang Phúc sản xuất không hề được gửi tới Cục QLATTPQG để kiểm nghiệm.
Chuyên viên kiểm định phát hiện trong chất bột này có chứa DEHP với hàm lượng rất cao, tới 600 ppm. Điều tra ban đầu phát hiện Công ty TNHH nguyên liệu thực phẩm Kagawa là đơn vị cung cấp hàng bán buôn cho Công ty Khang Phúc. Sau khi phối hợp điều tra với phía đại lục, họ phát hiện thấy Công ty Dục Thân là đơn vị sản xuất hóa chất tạo đục có DEHP và khoảng 30 đơn vị sản xuất, cung ứng ở cả Đài Loan, Trung Quốc dính líu tới việc giúp Dục Thân tiêu thụ sản phẩm rộng rãi ra bên ngoài.
Theo kết luận của Cục QLATTPQG Trung Quốc, hiện đã có tới hơn 50 loại đồ uống có chứa DEHP. Các cơ quan hữu quan hiện vẫn đang điều tra các loại nước trái cây, mứt hoa quả, bột trái cây, bột yogurt, các loại kẹo que ngậm có chứa sữa lên men (lactic acid)... Ước tính, phạm vi bị ảnh hưởng rất rộng lớn và chưa từng có từ trước tới nay.
Hiện Lại Tuấn Kiệt đã bị bắt giam. Cơ quan chức năng cũng đã thu giữ 18 tấn nước ép hoa quả, mứt, bột trái cây, bột yogurt... của Công ty Dục Thân và gần 460.000 chai nước uống tăng lực, tiêu hủy hơn 130.000 hộp probiotics, hơn 200 kg kẹo bị nhiễm DEHP.
Lại Tuấn Kiệt, 57 tuổi, thừa nhận việc sử dụng DEHP vào sản xuất chất hóa đục suốt 30 năm qua với lượng cung cấp nguyên liệu rất rộng rãi khắp Đài Loan, Trung Quốc, Philippines và cả Việt Nam.
50 loại đồ uống, thực phẩm bị nhiễm DEHP Quan chức của công ty nước uống tăng lực Taiwan Yes đã họp báo xin lỗi người tiêu dùng và ra lệnh thu lại sản phẩm bị nhiễm DEHP 16 loại đồ uống tăng lực Duyệt Thị, Taiwan Yes... (có nồng độ DEHP từ 2,4-34.1 ppm); nhiều loại đồ uống dạng gói pha nước; đồ uống đóng chai như nước ổi, nước táo, nước lựu, nước mãng cầu, nước chanh Sun Kist...; nhiều loại thạch, bột trái cây, kẹo các loại... |
Chưa phát hiện tại Việt Nam Chiều qua, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, sau khi rà soát thông tin, chưa phát hiện ra doanh nghiệp nào nhập sản phẩm chất tạo đục có chứa DEHP của Công ty Dục Thân. Phóng viên Thanh Niên đã trực tiếp khảo sát một số khu vực bày bán các loại hàng khô trên địa bàn Hà Nội như chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, phố bánh kẹo Hàng Buồm... cũng chưa phát hiện. Riêng tại phố bánh kẹo Hàng Buồm, một tiểu thương cho biết trước đây “có nhập vài bao chất tạo đục dạng bột từ Trung Quốc về bán thử nhưng không có khách lẻ hỏi mua”. Trên mạng internet chúng tôi phát hiện một công ty chuyên cung cấp các hương liệu, phụ gia thực phẩm và gia vị, có trụ sở tại Hà Nội rao bán chất này nhưng không phải sản phẩm của Công ty Dục Thân ở Đài Loan mà có xuất xứ từ Trung Quốc và Ý. Nhân viên phòng kinh doanh của công ty này cho hay, loại chất tạo đục dạng sệt lỏng mang tên Titanium, trên bao bì có ghi Shanghai Jianghu Titamium Chemical Manufacture, loại thùng 25 kg có giá 170.000 đồng/kg. Mặt hàng này hiện đang hết hàng, chỉ còn dạng bột giá 80.000 đồng/kg có nguồn gốc từ Ý. Cũng theo lời nhân viên này, chất tạo đục thường không bán cho các khách lẻ mà chủ yếu bán cho các công ty, nhà máy và các cơ sở chế biến thạch, nước giải khát hoa quả... Đối với mặt hàng đồ uống giải khát, chúng tôi cũng chưa phát hiện các loại nước tăng lực, nước chanh, đồ uống dạng gói pha... nằm trong danh sách 50 loại đồ uống có chất tạo đục chứa DEHP mà báo chí nước ngoài công bố. Theo những người bán hàng, riêng về đồ uống, người VN chỉ chuộng một số loại nước giải khát đã có thương hiệu trong nước. Thu Hằng |
Nguyễn Lệ Chi
(Tổng hợp theo mạng chinataiwan.org, chinanews.com, sohu.com...)
Bình luận (0)