TS-BS Nguyễn Hữu Lân (BV Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) cho biết đó còn gọi là khói thuốc môi trường. Khói thuốc lá chứa hơn 4.000 loại hóa chất (trong đó hơn 200 loại độc hại và trên 70 loại gây ung thư) thì khói thuốc môi trường có đến 3.800 loại. Điều đáng ngạc nhiên là dòng khói phụ có chứa chất gây ung thư mạnh hơn dòng khói chính. Đáng lưu ý nữa, vì kích thước các hạt trong dòng khói phụ nhỏ hơn dòng khói chính nên các hạt này đi sâu hơn vào các tổ chức phổi.
Đó là cái “họa” trong vòng bán kính 1m. Không một liều lượng an toàn nào cho hút thuốc lá thụ động, dù chỉ hít phải trong một thời gian ngắn. Người mang thai gặp người kế bên hút thuốc lá, thai nhi có thể bị tổn thương. Trẻ sinh ra bị nhẹ cân, có phổi bất thường và khi lớn lên phổi vẫn kém phát triển. Hút thuốc lá thụ động còn là nguyên nhân gây chứng đột tử ở trẻ sơ sinh...
Ở người lớn, hít phải khói thuốc thụ động là hít 3.800 chất độc tương tự như người đang hút thuốc lá, có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, gia tăng khả năng mắc các bệnh ung thư phổi từ 20-30%, có thể gây đột quỵ, một số ung thư như ung thư vú, ung thư mũi xoang. Khói thuốc lá có thể gây kích thích da, mắt, mũi, họng. Nếu người bị dị ứng hoặc có tiền sử bệnh hô hấp, hít khói thuốc thụ động có thể làm bệnh nặng thêm. Hút thuốc lá thụ động cũng sẽ hình thành các cục máu đông trong mạch máu, ngay cả khi chỉ ở nơi có khói thuốc trong khoảng thời gian rất ngắn...
BS Lân chia sẻ tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã gặp trường hợp bệnh nhân một bên là bình oxy để thở, bên tay kia hút thuốc và hiểm họa nổ bình oxy có thể xảy ra bất cứ khi nào. Hệ thống oxy tường nổ thì nguy cho cả một khu 300 - 400 bệnh nhân. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), nơi được coi là khá nghiêm ngặt trong việc kiểm tra, nhắc nhở bệnh nhân và thân nhân không hút thuốc lá, nhưng có lần người viết chứng kiến cảnh bệnh nhân nam 27 tuổi ở Bình Dương vào cấp cứu vì ho ra máu. Đây là lần thứ hai bệnh nhân nhập viện. Thế nhưng suốt tuần điều trị là trò cút bắt: khi bác sĩ khám, điều dưỡng cho thuốc thì bệnh nhân có mặt. Sau đó anh ta trèo qua cửa sổ biến ra hành lang bên ngoài hút thuốc! Bà mẹ biết rất rõ, la rầy lẫn đe dọa, nhưng lại là người cảnh giới, gọi con vào khi có bác sĩ đến!
Bệnh viện là nơi bệnh nhân được bác sĩ chỉ rõ căn bệnh của họ có liên quan đến thuốc lá và khuyến cáo không hút thuốc... Thế nhưng có bệnh nhân vẫn hút! Còn ngoài bệnh viện, nơi công sở, xí nghiệp và cả trong trường học khói thuốc lá vẫn không vắng mặt. Chưa kể trên đường phố nhiều người vừa lái xe gắn máy vừa hút thuốc, tàn thuốc, khói thuốc lan khắp nơi. Dẫu không hút thuốc, nhưng không ít người hít phải khói thuốc vẫn bị “ngộ độc thuốc lá thụ động”.
New York cấm hút thuốc nơi công cộng Những người hút thuốc lá tại thành phố New York, Mỹ sẽ không còn thoải mái “nhả khói” nơi công cộng khi lệnh cấm hút thuốc lá ngoài trời trong toàn thành phố có hiệu lực từ hôm 23-5, nếu vi phạm sẽ phải đóng phạt 50 USD. Như vậy, hút thuốc lá là bất hợp pháp ở 1.700 công viên và 14 dặm (khoảng 22,5km) bãi biển công cộng của thành phố New York. Ngoài ra, quảng trường Times cũng cấm hút thuốc vì sức khỏe những người đi bộ. Sau Los Angeles và Chicago, thành phố New York là vùng đô thị lớn nhất đang cố gắng cắt giảm lượng khói thuốc khi ban hành luật cấm hút thuốc lá nơi công cộng. 507 thành phố từ các bang California, Texas, Illinois, Minnesota và New Jersey đã áp dụng luật cấm hút thuốc lá tại các công viên trong thành phố. Một số thành phố lớn như Los Angeles, San Francisco và Salt Lake cấm hút thuốc lá ở các công viên và bãi biển. ANH THƯ (Theo ABC, CNN) |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)