VN phân lập được tế bào gốc tủy răng

26/05/2011 10:27 GMT+7

Sau gần 10 năm nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam đã chính thức công bố phân lập và nuôi cấy tăng sinh tế bào gốc từ tủy răng. TS Trần Lê Bảo Hà, trưởng nhóm nghiên cứu, đã dành riêng cho phóng viên Báo Người Lao Động cuộc phỏng vấn xung quanh nghiên cứu này.

* Phóng viên: Xin được chia sẻ niềm vui với bà cùng các cộng sự ở Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM. Xin bà cho bạn đọc biết khái niệm về tế bào gốc từ tủy răng?

- TS Trần Lê Bảo Hà: Cứ hiểu nôm na thế này nhé: Tế bào gốc là các tế bào tồn tại ở phôi, thai, phần phụ của thai hay cơ thể trưởng thành, có khả năng tăng sinh và biệt hóa thành các tế bào chuyên hóa. Trong đó, tủy răng là mô giàu tế bào gốc, có khả năng biệt hóa thành các tế bào hình thành mô cứng, tế bào thần kinh, tế bào mỡ… sau khi tổn thương.
 
* Có nghĩa là tế bào gốc tủy răng sẽ giúp chúng ta cơ hội tạo ra những cái răng thật thay thế các răng phải loại bỏ vì hư hỏng?
 
- Đúng rồi. Kỹ nghệ mô liên quan đến việc tạo ra các mô chức năng có khả năng thay thế mô bị mất hoặc hư hỏng. Điều này có thể được thực hiện bằng cách nuôi cấy tế bào trong một khung nâng đỡ có lỗ xốp nhằm tạo ra cấu trúc có kích thước và hình dạng mong muốn.

* Theo tôi biết thì năm 2003, Mỹ  và Úc đã khám phá trong tủy răng sữa bị rụng của trẻ em có  những tế bào gốc có khả năng biệt hóa. Như  vậy, đã có những quốc gia đi trước chúng ta rồi?
 
- Đúng vậy. Từ năm 2000 cho đến tận bây giờ, rất nhiều nhà khoa học đã quan tâm đến tế bào gốc tủy răng. Ban đầu là đối với tế bào gốc tủy răng động vật, sau đó là răng người và tất cả vẫn đang trong quá trình nghiên cứu tiếp tục. Công trình của chúng tôi không phải là mới so với thế giới nhưng đã có một số thay đổi về phương pháp nghiên cứu và đây là công trình đầu tiên của Việt Nam liên quan đến vấn đề này. Chỉ khi phân lập được tế bào gốc tủy răng, chúng ta mới hy vọng lập được ngân hàng tế bào gốc để sử dụng chứ không trông chờ vào việc mua từ nước ngoài. Vả lại, nếu mua được từ nước ngoài, chắc chắn bệnh nhân sẽ chịu chi phí rất cao. Chúng tôi cũng tiến hành nghiên cứu từ năm 2002 và bây giờ thì thành công rồi đấy.


Mô phỏng khả năng ứng dụng tế bào gốc tủy răng trong tái tạo răng. Ảnh: C.T.V

* Vậy đến thời điểm này, bà đã nghĩ đến việc thành lập ngân hàng này chưa?
 
- Trong một thời gian ngắn nữa thôi, Việt Nam chúng ta sẽ có ngân hàng tế bào gốc tủy răng.
 
* Tôi có điều băn khoăn khi biết bà và các cộng sự tách tế bào từ răng loại bỏ ở các cơ sở nha khoa. Theo cách nghĩ thông thường, răng bệnh người ta mới loại bỏ. Vậy tái tạo răng mới từ những tế bào này liệu chúng ta có được những chiếc răng thật và khỏe mạnh không?
 
- Có chứ. Nói là răng loại ra từ các cơ sở nha khoa nhưng không phải chúng đều là răng bệnh. Rất nhiều người phải loại bỏ những chiếc răng lành do mọc lệch hoặc vì thẩm mỹ (chỉnh nha). Nguồn răng lành này nếu bỏ đi thì rất phí, tại sao chúng ta không sử dụng?
 
* Nhưng thưa bà, bao giờ người bệnh hy vọng được sử dụng nguồn tế bào gốc tủy răng “made in Vietnam” này?
 
- Trong tương lai gần thôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thể ứng dụng điều trị cho bệnh nhân trong thời gian sớm nhất. Trước mắt, chúng tôi sẽ ghép tự thân. Nghĩa là nếu một người có chiếc răng bệnh thì khi điều trị, người ta sẽ rút hết tủy răng nên chiếc răng ấy còn đấy nhưng xem như đã chết rồi và sẽ xỉn màu. Chúng ta cấy tế bào tủy lấy từ nguồn răng của chính họ, sau đó chiếc răng này sẽ sống lại với màu sắc tươi sáng nguyên thủy. Và theo Bộ Y tế, nhu cầu chữa bệnh về răng miệng cho nhân dân là rất cao và cấp thiết vì chúng ta đang có khoảng 80% - 90% học sinh tiểu học mắc các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm quanh răng; tỉ lệ này ở học sinh trên tiểu học là 60%-70%.

Tủy răng là nguồn tế bào gốc rất phong phú. Việc nghiên cứu về tế bào gốc từ răng sữa hiện còn ở giai đoạn bình minh song một ngày không xa, chúng sẽ rất hiệu quả trong việc sửa chữa các tổ chức quan trọng trong cơ thể và giúp tránh được rủi ro đào thải trong liệu pháp cấy ghép.
 
Ông Howard Morris (Giám đốc Viện Hanson thuộc Bệnh viện Hoàng gia Adelaide - Úc)

Một số mốc quan trọng trong nghiên cứu tế bào gốc tủy răng
 
- Năm 2003: Mỹ và Úc khám phá trong tủy răng sữa của trẻ em từ 7 - 8 tháng sự hiện diện của những tế bào gốc và kết luận những chiếc răng sữa có thể tạo nên một kho dự trữ lý tưởng tế bào gốc để sửa chữa cấu trúc răng bị tổn hại.
 
- Năm 2006: Mỹ tái tạo thành công răng heo trong phòng thí nghiệm từ tế bào gốc của những chiếc răng khôn ở người.
 
- Năm 2007: Nhật Bản biệt hóa được tế bào gốc lấy từ răng cấm của người.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.