Ám ảnh từ kho vũ khí hạt nhân của Pakistan

28/05/2011 22:46 GMT+7

Vụ tấn công của các tay súng nhằm vào một căn cứ hải quân Pakistan trong tuần qua đã làm dấy lên nỗi lo ngại mới về khả năng bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Căn cứ Mehran ở thành phố Karachi là nơi đặt máy bay tuần tra trên biển Orion P3-C của Pakistan. Ít nhất 10 nhân viên tại đây thiệt mạng và 2 máy bay bị phá hủy trong cuộc đối đầu kéo dài 18 tiếng đồng hồ giữa một nhóm tay súng Taliban và lực lượng an ninh Pakistan. Vụ tấn công ngày 22.5, với sự liều lĩnh đặc trưng của Taliban và sự chính xác về mặt quân sự mà nó thể hiện, khiến vấn đề an ninh cho các địa điểm cất giữ vũ khí hạt nhân của quốc gia Nam Á lại trở thành nỗi ám ảnh của thế giới, đặc biệt là Mỹ.

Bức xúc từ thất bại

Theo chuyên san Foreign Policy, người ta thường nói rằng quyết định chế tạo bom hạt nhân của Pakistan được thúc đẩy bằng vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 1974. Nhưng thực tế chương trình hạt nhân của Pakistan là nhằm phản ứng lại việc mất lãnh thổ phía đông vào năm 1971.

 
Một trong 2 chiếc máy bay bị phá hủy sau vụ tấn công của Taliban ở căn cứ Mehran - Ảnh: Reuters

Được hình thành như một nơi trú ẩn an toàn cho người Hồi giáo Ấn Độ, Pakistan cuối cùng lại trở thành "thủ phạm" của vụ thảm sát người Hồi giáo lớn nhất trong lịch sử tôn giáo này, khi trong 9 tháng kinh khiếp của năm 1971 đã sát hại 3 triệu người Bengal, khiến 30 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, và biến nửa triệu phụ nữ trở thành nô lệ tình dục. Pakistan chưa bao giờ đưa ra lời xin lỗi chính thức về hành động này, nhưng vào cao điểm của hành động trên, giới lãnh đạo Pakistan khăng khăng cho rằng nước họ mới là nạn nhân.

Lo ngại "quả bom hạt nhân của al-Qaeda"

Theo Foreign Policy, vào năm 2004, sau khi đường dây bán công nghệ hạt nhân của A.Q.Khan bị phanh phui, một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ xác nhận al-Qaeda đã tìm kiếm sự giúp đỡ của nhân vật này. Và vào năm 2005, một báo cáo khác của Ủy ban Về khả năng tình báo của Mỹ liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt nói rằng al-Qaeda "đã thiết lập mối liên hệ" với nhiều nhà khoa học khác của Pakistan nhằm phát triển vũ khí hạt nhân.

Không lâu trước khi Osama bin Laden bị biệt kích Mỹ hạ sát ở thành phố Abbottabad của Pakistan hôm 2.5, al-Qaeda tuyên bố cũng đã cài sẵn một quả bom hạt nhân ở châu u và sẽ kích nổ quả bom này nếu thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố khét tiếng này bị sát hại.

Pakistan trong thực tế đã không cam chịu thất bại bẽ bàng trước Ấn Độ. Theo tác giả Anh Gordon Corera, vào năm 1972, Thủ tướng Pakistan khi đó là Zulfika Ali Bhutto đã chính thức phát động chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Ông đã tập hợp các nhà khoa học hàng đầu và yêu cầu họ chế tạo một quả bom hạt nhân trong vòng 3 năm. Sau đó, ông bay sang Tripoli và thuyết phục nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi tài trợ cho chương trình. "Nguồn lực của chúng tôi là nguồn lực của các bạn", ông Gaddafi tuyên bố vào năm 1974 trước đám đông người Pakistan tại một sân vận động lớn ở Lahore được đặt theo tên nhà lãnh đạo Libya.

Cũng năm đó, ông Bhutto ra lệnh cho một chuyên gia luyện kim trẻ người Pakistan làm việc trong các nhà máy hạt nhân ở Hà Lan đánh cắp thông tin nhạy cảm. Người đó không ai khác chính là A.Q.Khan, nhân vật được coi là "cha đẻ" bom hạt nhân của Pakistan. Và chỉ đến khi phát hiện ông Khan bán công nghệ hạt nhân ở nhiều cấp độ cho Iran, Iraq, Syria và thậm chí cả CHDCND Triều Tiên, thế giới mới giật mình về khả năng hạt nhân của nước này.

Thực lực

Theo Đài BBC, khó có thể xác định cụ thể về lực lượng hạt nhân của Pakistan. Nước này được dự đoán có khoảng 70-90 đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, theo website Pakistan Defense, tính đến thời điểm hiện nay, kho vũ khí hạt nhân của Pakistan tối thiểu phải có từ 110 đến 160 đầu đạn. Hiện Pakistan vẫn đang ra sức hiện đại hóa khả năng của nước này về mọi mặt, bao gồm các hệ thống vũ khí mới có thể mang đầu đạn hạt nhân, cùng những cơ sở hạt nhân mới cung cấp các vật liệu quan trọng cần cho việc mở rộng kho vũ khí có khả năng hủy diệt hàng loạt.

Theo Foreign Policy, vũ khí hạt nhân có vẻ đã giúp Pakistan không bị Ấn Độ trả đũa cho những hành động "gây hấn". Pakistan đã phát động 3 cuộc chiến tranh để giành lại phần đất Kashmir thuộc Ấn Độ, nhưng thất bại trước nước láng giềng mạnh hơn đã buộc Islamabad xoay sang hình thức chiến tranh có chi phí thấp hơn. Pakistan bị cáo buộc đã phái các nhóm tay súng được huấn luyện bài bản tấn công các mục tiêu quan trọng của Ấn Độ, từ vụ tấn công trụ sở Quốc hội vào năm 2001, đến việc đánh bom sứ quán nước này ở Afghanistan năm 2008 và vụ tấn công khủng bố vào Mumbai cũng trong năm đó.

Nhưng khả năng trả đũa của Ấn Độ, dù chỉ bằng những vụ không kích chọn lọc nhằm vào căn cứ khủng bố, lại bị hạn chế bởi lời đe dọa chiến tranh hạt nhân tổng lực của Pakistan.

 
Tên lửa hạt nhân Ghauri của Pakistan  - Ảnh: ISPR

An toàn mà “run”

Mỹ đã hỗ trợ Pakistan bằng các biện pháp kỹ thuật khác nhau nhằm bảo vệ kho vũ khí hạt nhân. Nhưng dù các chính phủ phương Tây và giới phân tích đồng ý rằng các tay súng có rất ít cơ may đánh cắp vật liệu hạt nhân trong một vụ tấn công tương tự như vụ việc vừa xảy ra ở Karachi, những vụ tấn công do al-Qaeda hay Taliban thực hiện nhằm vào một cơ sở hạt nhân vẫn là một khả năng có thể xảy ra.

Theo hãng tin AP, một kịch bản bao gồm các vụ tấn công mới nhằm vào những cơ sở an ninh của Pakistan trong thời gian sắp tới, tính cả các cơ sở hạt nhân, là hoàn toàn "khả thi". Chỉ riêng điều đó thôi đã có thể gia tăng sự lo ngại ở Mỹ rằng quân đội Pakistan bị các tay súng xâm nhập và không thể bảo vệ được những vũ khí nguy hiểm.

Kamran Bokhari, chuyên gia về Pakistan của hãng tình báo toàn cầu Stratfor, nhận định: "Chỉ những vụ tấn công này thôi thì không thể gây tổn hại cho quân đội Pakistan, nhưng chúng định hình nỗi lo sợ của người Mỹ. Thêm các vụ tấn công tạo cảm giác rằng nhà nước Pakistan đang suy yếu, và điều đó khuyến khích thêm các hành động đơn phương của Mỹ, và điều đó phục vụ cho quyền lợi của các tay súng cực đoan".

Trong những tuyên bố đưa ra sau khi nhận trách nhiệm vụ đánh bom hôm 25.5 làm ít nhất 9 cảnh sát và binh lính thiệt mạng, phát ngôn viên Taliban Ahsanullah Ahsan nói các vụ tấn công trong tương lai cũng sẽ nhằm vào tổng thống, thủ tướng và tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan, nhưng các cơ sở hạt nhân sẽ không bị tấn công do "Pakistan là cường quốc hạt nhân Hồi giáo duy nhất".

Dù nỗi lo ngại rằng vũ khí hạt nhân có thể bị cướp đi trong một vụ tấn công của các tay súng có thể bị thổi phồng, một vấn đề cấp thiết hơn là một chính phủ Pakistan bất ổn cố hữu có thể bị các phần tử cực đoan Hồi giáo lật đổ, và cơ chế mới sẽ dẫn đến việc phổ biến công nghệ hạt nhân được nhà nước "bảo kê" cho các quốc gia hoặc nhóm tay súng khác.

Việc bin Laden bị tiêu diệt tại nơi trú ẩn gần một học viện quân sự hàng đầu của Pakistan đã làm gia tăng lo ngại rằng một bộ phận của lực lượng an ninh nước này có cảm tình với al-Qaeda. Vụ tấn công gây sốc hôm 22.5 và những vụ đánh bom liên tiếp sau đó, bao gồm những vụ "trả thù cho bin Laden", cho thấy Pakistan đang có chiều hướng lún sâu vào bất ổn, đồng nghĩa với việc các biện pháp bảo đảm an toàn kho vũ khí hạt nhân sẽ không còn... bảo đảm.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.