Biển Đông không phải “ao nhà” của Trung Quốc!

28/05/2011 23:38 GMT+7

Việc Trung Quốc (TQ) gia tăng các hành động đơn phương tại khu vực biển Đông đã gây nên nhiều lo ngại cho các nước trong khu vực.

Gây hấn với Philippines

Từ đầu năm tới nay, các hoạt động quân sự của TQ ở biển Đông đã liên tục gây ra những phản ứng giận dữ từ phía Philippines. Theo báo PhilStar.com, hồi tháng 3, hai tàu hải quân của TQ với súng ống đầy mình đã quấy rối một tàu nghiên cứu hải dương của Bộ Năng lượng Philippines. Vụ việc xảy ra vào ngày 2.3 tại vùng biển thuộc Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), khi chiếc M/V Veritas Voyager đang đo đạc địa chấn thì bị tàu TQ uy hiếp. Trung tướng Juancho Sabban, Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền tây Philippines, cho biết không lực nước này đã điều máy bay cường kích và máy bay do thám Britten - Norman Islander cùng 3 tàu hải quân ra chặn tàu TQ. “Tuy nhiên, chúng tôi đã không tóm được tàu TQ vì chúng đã cao chạy xa bay khi phi cơ ập đến”, PhilStar.com dẫn lời tướng Sabban. Hai chiếc tàu của TQ được xác định có số hiệu 71 và 75, màu trắng. Lực lượng Tuần duyên Philippines vào giữa tháng 3 cũng nhận được thông báo tàu khảo sát địa chấn M/V Venture của nước này bị một tàu TQ quấy rối.


Lực lượng tàu ngư chính nằm trong những nỗ lực gia tăng kiểm soát biển Đông của TQ - Ảnh: PD

Báo chí Philippines sau đó lại dẫn thông tin từ giới chức không quân cho hay vào ngày 12.5, hai máy bay MiG (thông tin không cho biết là MiG 21 hay 29) được cho là của TQ đã tiến hành hoạt động quấy rối trên vùng trời Bãi Cỏ Rong. Khi đó, hai máy bay trinh sát OV-10 của Không quân Philippines đã bị hai chiếc MiG đe dọa.

Thạc sĩ Hoàng Việt, Đại học Luật TP.HCM:

TQ đã và đang tìm cách cô lập VN. Họ tuyên bố là trỗi dậy hòa bình nhưng thực sự họ lại đang thực hiện tham vọng lãnh thổ bằng nhiều hình thức, cả biện pháp đe dọa quân sự. Theo tôi, hành động xâm phạm vùng biển VN và phá hoại tàu Bình Minh 02 đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Giới chức Philippines hiện cũng đang thẩm định thông tin rằng TQ đang gia tăng xây dựng các cơ sở quân sự ở khu vực quần đảo Trường Sa. Cũng trong thời gian này, TQ đã tiến hành một loạt đợt tập trận phối hợp hải quân và không quân tại vùng biển quốc tế phía nam quần đảo Okinawa của Nhật Bản, tức phía bắc Philippines.

Phá hoại tàu dân sự VN

Một hành động quấy rối tương tự, nhưng táo tợn hơn nhiều, đã được TQ nhằm vào tàu dân sự VN. Rạng sáng 26.5, giữa lúc tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn dầu khí VN đang khảo sát địa chấn tại Lô 148 trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN thì bị 3 tàu hải giám mang số 72, 17 và 84 của TQ tấn công. Tàu TQ đã cắt đứt cáp của tàu VN và sau đó tiếp tục đe dọa. Đây là hành vi xâm phạm trắng trợn chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của VN, nhưng không phải duy nhất…

Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng VN, trong thời gian gần đây, tàu TQ liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN để đánh cá. Có ngày có tới hơn 200 tàu ngang nhiên xâm phạm. Song song với đó là hành vi bắt giữ tàu và ngư dân, cướp đoạt ngư cụ, tịch thu hải sản và đòi tiền chuộc đối với các ngư dân VN đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của VN. Một số tàu cá VN khi gặp bão đã vào các đảo do TQ chiếm đóng ở Hoàng Sa để lánh nạn cũng bị ngăn trở, thậm chí bị bắn chặn.

“Ao nhà”

TQ ngày càng thể hiện tham vọng “biến biển Đông thành ao nhà”. Hành vi trắng trợn nhất là tuyên bố đường lưỡi bò “ôm trọn” khoảng 80% diện tích biển Đông về phần mình.

Ý đồ này của TQ đã bị một loạt nước tiếp giáp với biển Đông, như VN, Philippines, Malaysia... phản đối.

Với thực trạng có nhiều tranh cãi về chủ quyền tại biển Đông, các nước liên quan đã thống nhất Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), xem đó là cơ sở ban đầu cho việc giải quyết các tranh chấp, bên cạnh Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Tuy nhiên, với vị thế là quốc gia có sức mạnh kinh tế và quân sự vượt trội, TQ đã không tuân thủ các nguyên tắc ứng xử trên vùng biển này. Các hành động đơn phương mang tính chất đe dọa và gây hấn của họ tại đây đã khiến các nước xung quanh biển Đông cực kỳ lo ngại.

 
Bản đồ thể hiện yêu sách đường lưỡi bò vô lý của TQ - Ảnh: U&C

Có một thực tế là nhiều nước có quyền lợi và chủ quyền ở biển Đông, nên việc giải quyết tranh chấp đòi hỏi nhiều bên tham gia đối thoại. Chính vì thế, quốc tế hóa giải quyết tranh chấp là điều cần thiết.

Tuy nhiên, chính quyền TQ lại coi quốc tế hóa giải quyết tranh chấp là mối đe dọa đối với họ. Họ chỉ muốn đối thoại song phương với từng nước liên quan, như VN, Philippines, Malaysia… Đây là một chiến thuật khôn ngoan của TQ, bởi khi đối thoại song phương, với sức mạnh vượt trội, họ sẽ dễ dàng gây được áp lực đối với đối tác. Lợi thế này sẽ bị hao hụt nhiều trong các cuộc đối thoại đa phương, khi có nhiều nước ASEAN và thậm chí các quốc gia ngoài khu vực tham gia.

Một sự đoàn kết ASEAN sẽ khiến TQ mất rất nhiều lợi thế nước lớn. Chính vì thế, họ một mặt phản đối quốc tế hóa vấn đề biển Đông, một mặt gia tăng các hoạt động ngoại giao với từng nước riêng rẽ, mà một trong những mục đích của nó là phá vỡ khối đoàn kết ASEAN bằng cách gia tăng nghi kỵ giữa khối. Đó là chiến thuật “chia để trị”, như kiểu người ta tách bó đũa ra để dễ dàng bẻ gãy từng chiếc vậy.

Sau khi hứng chịu hàng loạt tố cáo từ Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lương Quang Liệt đã lập tức đi thăm Manila trong tuần rồi. Tại Manila, ông Liệt nói rằng TQ không ủng hộ các hành động đơn phương ở biển Đông; cũng như mọi vấn đề ở đây cần được giải quyết bằng đối thoại. Bộ trưởng Liệt cũng nói rằng TQ không có chiếc MiG nào. Không cần phải có kiến thức uyên thâm cũng có thể thấy lời ông Liệt đầy mâu thuẫn cũng như dễ dàng nhận ra thâm ý của ông ta. Trong khi ông nói phản đối các hành động đơn phương thì chính TQ đang có hàng loạt hành động đơn phương gây quan ngại cho khu vực và quốc tế. Trong khi ông nói TQ không có chiếc MiG nào thì quân đội nước này lại đang sở hữu hàng trăm máy bay J-7, một bản sao của MiG-21. Và cũng dễ dàng nhận thấy khi nói rằng “TQ không có chiếc MiG nào”, ông Liệt đang muốn lái Philippines chĩa mũi dùi nghi kỵ về đâu.

Cũng trong thời gian mới đây, theo báo Jakarta Post, TQ đã lên kế hoạch hợp tác tuần tra biển chung với Indonesia. Mục đích được công bố là nhằm ngăn chặn ngư dân TQ xuống biển Indonesia đánh cá bất hợp pháp. Nhưng cũng không khó để thấy rằng kế hoạch này liên quan tới đường lưỡi bò ở biển Đông, vì Indonesia nằm tận phía nam trong khi TQ nằm ở phía bắc biển Đông. 

Cơn khát dầu

Có một câu hỏi là tại sao TQ gần đây lại gia tăng các hoạt động phô trương sức mạnh ở biển Đông? Tất nhiên, các hoạt động này nằm trong chiến lược lâu dài của chính quyền Bắc Kinh là thâu tóm gần như toàn bộ vùng biển này, nhằm kiểm soát một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới cũng như độc chiếm nguồn lợi về hải sản và dầu mỏ, đồng thời gia tăng ảnh hưởng xuống khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

Trong chiến lược dài hạn đó, còn có những lý do cấp bách. Hồi tháng 3, cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu mỏ quốc gia TQ Trần Canh - hiện là đại biểu Quốc hội - đã lên tiếng cảnh báo rằng dự trữ xăng dầu chiến lược của quốc gia này đang ở mức rất thấp. “Nguồn dự trữ chỉ đủ dùng trong mươi mười lăm ngày một khi có cuộc khủng hoảng về nguồn cung xảy ra”, ông Canh nói với tờ Minh Báo ở Hồng Kông. Theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo, năm ngoái, TQ tiêu thụ 460 triệu tấn dầu, trong đó 260 triệu tấn - tức 55% - là nhập khẩu.

Trong bối cảnh khu vực Bắc Phi và Trung Đông có nhiều bất ổn thì nguồn cung dầu mỏ cho TQ đang bị đe dọa. “Tôi lo ngại rằng những bất ổn ở Bắc Phi và Trung Đông sẽ ảnh hưởng tới nhập khẩu dầu mỏ của TQ. Nếu bất ổn kéo dài hơn nửa năm thì TQ sẽ hứng chịu nhiều tổn thất”, ông Canh nói.

Đây có lẽ là một trong những lý do cấp bách khiến TQ gia tăng các hành động cơ bắp ở biển Đông, nhằm dọn đường cho hoạt động khai thác dầu khí vốn nằm trong chiến lược lâu dài của họ. Cụ thể là, vào ngày 23.5, TQ đã cho hạ thủy giàn khoan dầu lớn và hiện đại nhất của họ tại Thượng Hải. Giàn khoan nặng 31.000 tấn và có boong lớn như một sân bóng đá này có thể hoạt động ở vùng biển sâu 3.000 mét. Nó sẽ giúp nâng cao năng lực khai thác của TQ, vốn lâu nay chỉ có giàn khoan hoạt động được ở các vùng biển sâu 500 mét.

Đáng chú ý là giới chức TQ muốn sự xuất hiện của giàn khoan mới sẽ “giúp TQ có một sự hiện diện mạnh mẽ hơn tại vùng biển chưa được khai thác ở nam phần Nam Hải”, theo Hoàn Cầu Thời Báo. “Nam Hải” tức là biển Đông, và “nam phần Nam Hải” tức là vùng biển nam biển Đông, có thể thuộc quần đảo Trường Sa hoặc thậm chí xa hơn nữa về phía nam, nơi TQ không có chủ quyền nhưng lại nằm trong phạm vi “tuyên bố lưỡi bò” của họ. Đây chính là một bước đi nữa để hiện thực hóa tham vọng biến biển Đông thành ao nhà mà chính quyền Bắc Kinh đang ráo riết theo đuổi.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.