Việt Nam: 100 người chết mỗi ngày
Theo Bộ Y tế, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam với 40.000 người chết mỗi năm, hơn 100 người chết mỗi ngày. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất trên thế giới khi 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc lá (Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2010). Việc sản xuất thuốc lá tại Việt Nam đã tăng đều đặn từ năm 2000.
|
Theo mức thuế hiện hành khi một bao thuốc lá được bán cho những người hút thuốc, thuế chiếm ít hơn 45% giá bán lẻ, trái ngược với tỷ lệ 80% theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới. Giá trung bình của các bao thuốc lá chỉ là 5.500 đồng khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có giá bán thuốc lá rẻ nhất thế giới.
Các cuộc khảo sát gần đây của Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành cho thấy 73% người trưởng thành nói họ ủng hộ việc tăng thuế thuốc lá. Trong số những người trưởng thành không hút thuốc lá, 67% bị tiếp xúc với khói thuốc lá ở nhà và 49% tại nơi làm việc.
Theo Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế), tổn thất kinh tế do thuốc lá tại Việt Nam là rất lớn. Ngoài khoảng 14.000 tỷ đồng người dân bỏ ra mua thuốc lá, mỗi năm chi phí cho 3/25 loại bệnh do thuốc lá gây ra (như hen suyễn mãn tính, ung thư phổi và nhồi máu cơ tim) cũng tiêu tốn hết 2.034 tỷ đồng. Nếu chi số tiền mua thuốc lá để mua lương thực phẩm sẽ giúp 11,2% số hộ gia đình tại Việt Nam thoát nghèo…
Theo ước tính của WHO, hút thuốc lá thụ động gây ra khoảng 600.000 ca tử vong ước tính mỗi năm trên toàn cầu. PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan, giảng viên bộ môn hô hấp Đại học Y Dược TPHCM, cho biết mỗi điếu thuốc chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó 70 chất được biết là chất gây ung thư. Thuốc lá gây ra hơn 20 bệnh khác nhau, phần lớn gây tử vong hoặc tàn phế. Điều này là nguyên nhân của hơn 71% số ca tử vong do ung thư phổi trên toàn cầu, 42% số ca tử vong do bệnh mãn tính về đường hô hấp và gần 10% số ca tử vong do bệnh tim mạch. Những tai họa do sử dụng thuốc lá là hoàn toàn có thể ngăn ngừa được.
10 năm, phạt 10 trường hợp!
Mặc dù Chính phủ đã ban hành quy định về việc phòng chống thuốc lá, trong đó có việc xử phạt những trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng, tuy nhiên, với những lý do như thiếu thanh tra, nhân sự nên các địa phương chưa thực hiện được. Thậm chí, ngay trong các bệnh viện, vốn dĩ rất khắt khe với sức khỏe bệnh nhân nhưng tình trạng hút thuốc lá vẫn tràn lan. Kết quả là sau nhiều năm phòng chống thuốc lá, Việt Nam chỉ xử phạt được 10 trường hợp! Tuy Việt Nam nằm trong nhóm các nước cam kết thực hiện công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO nhưng xem ra vẫn chưa triển khai thấu đáo.
Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO được phát triển nhằm ứng phó lại sự toàn cầu hóa của nạn dịch thuốc lá và đại diện cho một cách tiếp cận mới trong hợp tác y tế quốc tế, bằng cách sử dụng một khuôn khổ pháp lý toàn cầu để giải quyết một nạn dịch toàn cầu hóa. Công ước này là hiệp ước quốc tế đầu tiên được phát triển dưới sự bảo trợ của WHO để giảm gánh nặng y tế và kinh tế của việc sử dụng thuốc lá. Công ước kêu gọi cấm mọi hình thức quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá, cung cấp các cảnh báo sức khỏe, cấm bán thuốc cho trẻ vị thành niên, bảo vệ con người chống lại việc hút thuốc lá thụ động, tăng giá và thuế và các biện pháp khác để điều tiết việc sử dụng thuốc lá.
Theo TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế, đã đến lúc cần có những biện pháp mạnh tay hơn như tăng thuế bán thuốc, hạn chế nhập khẩu… để giảm dần tỷ lệ người hút thuốc lá cũng như giảm tỷ lệ tử vong, bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Số phụ nữ trẻ hút thuốc có chiều hướng tăng
Số người hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn rất cao, cùng với đó là tình trạng gia tăng số người mắc bệnh tật do thuốc lá, thực thi quy định về cấm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn chỉ là hình thức… Đây là những vấn đề bức xúc được đặt ra tại hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Chính sách Quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2000-2010 được tổ chức ngày 27-5. Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết về phòng chống tác hại thuốc lá, số người hút thuốc tại nước ta đã có chiều hướng giảm, nhưng vẫn rất khiêm tốn. Theo đó, số nam giới sử dụng thuốc lá giảm từ 56% vào năm 2001 xuống còn hơn 47% vào năm 2010. Đối với nữ giới, tỷ lệ hút người hút thuốc lá đã giảm xuống còn 1,4%, đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ nữ giới hút thuốc xuống dưới 2%. Mặc dù số người hút thuốc ở nước ta đã bắt đầu giảm nhưng theo nhiều chuyên gia y tế, cũng như đánh giá của WHO, Việt Nam hiện vẫn là 1 trong 15 quốc gia có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Ước tính hiện cả nước có 21 triệu nam giới hút thuốc và mặc dù số phụ nữ hút thuốc giảm nhưng phụ nữ trẻ hút thuốc lại đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, việc thực thi những quy định về phòng chống tác hại thuốc lá vẫn rất hạn chế. Kể từ năm 2010, Việt Nam đã có quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng, nhưng tại các bến tàu, bến xe, công viên, thậm chí ở trường học, bệnh viện, công sở khói thuốc vẫn mịt mù. Hơn một năm qua, số người bị xử phạt vì hút thuốc ở nơi công cộng vẫn chỉ … “đếm trên đầu ngón tay”. Q. Khánh |
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)