Tối 29-5, Sân khấu Kim Châu sẽ tái diễn vở Bà chúa thơ Nôm (tác giả: Linh Huyền, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc). Nghệ sĩ (NS) Linh Huyền sẽ diễn vai Hồ Xuân Hương thay vì mời NSƯT Thanh Thanh Hiền từ Hà Nội vào như trước đây diễn ở Nhà hát TP.
Lỗ nhưng không nản
Sân khấu Cải lương Kim Châu đã đi vào hoạt động với 3 vở cải lương đã lên sàn diễn: Tiểu anh hùng Nam Quốc, Một ông - hai bà và Bà chúa thơ Nôm. Những cố gắng của NS Linh Huyền đã chứng minh tấm lòng đam mê của chị dành cho cải lương. Đồng nghiệp nể phục Linh Huyền vì biết con đường của chị đang đi thật chông chênh. Linh Huyền nói: “Cứ lao vào làm đi đã, rồi hãy nói về mình”.
Kể từ khi kịch bản Bà chúa thơ Nôm được Linh Huyền đầu tư kinh phí dựng và biểu diễn tại Nhà hát TP, tính đến nay chị đã lỗ hơn 700 triệu đồng. Tuy vậy, chị cảm thấy ý nguyện của mình không bị bào mòn. Không có được lịch diễn tại Nhà hát TP, Linh Huyền chạy vạy tìm kiếm cho ra điểm diễn. Chị tìm đến rạp Kim Châu đề nghị bà bầu Hồng Vân sang nhượng lại với số tiền 300 triệu đồng để đầu tư làm sân khấu cải lương.
|
Vậy là Linh Huyền lại đầu tư hơn 1 tỉ đồng làm mới toàn bộ sân khấu này. Linh Huyền tiếp tục phát triển nghệ thuật cải lương bắt đầu từ việc cơ bản nhất nhưng không phải ai cũng ý thức được: Tôn trọng công chúng. Linh Huyền tâm sự: “Sân khấu cải lương đã có một thời hoàng kim với nhiều tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao đi vào lòng khán giả. Để sân khấu cải lương tồn tại, trước tiên phải nâng cao hình thức biểu diễn và sáng tạo nội dung cho phù hợp với nhịp sống hiện đại.
Nhưng xin đừng nhầm tưởng củng cố hình thức nghĩa là hoành tráng hóa cải lương, mỹ thuật hóa cải lương. Làm cải lương “mốt” hơn là vô tình giết chết cải lương. Cải lương chỉ đẹp khi nó là chính nó, không thể lai căng hoặc trẻ hóa như nhạc thị trường được. Tôi không dám nghĩ mình là con én mang về mùa xuân cho cải lương trong thời điểm này, tôi chỉ mong góp phần trả cải lương về với cội nguồn, nơi nó được sinh ra. Đồng thời xây dựng được một đối tượng khán giả đến thưởng thức nghệ thuật cải lương với thái độ lịch sự, văn hóa hơn”.
Thật vậy, đưa vở Bà chúa thơ Nôm vào Nhà hát TP, NS Linh Huyền muốn thỏa mãn những đòi hỏi không gian nghệ thuật tương xứng với khái niệm “thánh đường” của nó. Kế đến, chị mong muốn NS và khán giả đều được tôn trọng hơn. Và trong vở diễn này, Linh Huyền đã trả cải lương về đúng “chất”: mộc mạc, chân thật và giản dị. Vở diễn trong lần tái ngộ này sẽ tập trung một đội ngũ NS tâm huyết với nghề và làm việc đầy trách nhiệm: Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, NSƯT Phượng Loan, Diệu Đức, Hoài Trúc Phương, Võ Minh Lâm, Chấn Cường, Lê Quang, Bảo Trí, Trường Thịnh…
Vẫn với quy định diễn viên tuyệt đối không hát nhép, không hát thêm, nghĩa là buộc phải thuộc lời thoại, phải nhập vai đồng thời hạn chế tối đa sử dụng các thiết bị điện tử mà đặc tả cái “hồn” của cải lương, đó là chất mộc mạc của dàn nhạc cụ dân tộc như: tranh, bầu, sáo, trúc, kìm, tì bà… Nhà giáo Ưu tú Diệu Đức nhận xét: “Tôi quý cô học trò này vì cô có cái tâm đối với nghề quá lớn”.
Đồng vợ đồng chồng...
Linh Huyền có một gia đình thật hạnh phúc, làm chỗ dựa cho cô theo đuổi niềm đam mê của mình. Ông xã của Linh Huyền là họa sĩ người Ý Richard di San Marzano. Ông là người rất mực yêu thương vợ. Bao nhiêu tiền bán tranh đều đưa hết cho vợ để làm sân khấu. Theo chân vợ từng buổi tập, từng xuất diễn để cổ vũ, niềm vui của ông là được hòa mình vào đời sống sân khấu của vợ, cho dù số tiền ông phải chi cho niềm đam mê của vợ đã lên đến hàng tỉ đồng nhưng ông chẳng một lời than vãn và vẫn tin vợ mình sẽ làm nên chuyện.
Bù lại, NS Linh Huyền không bỏ phí những hoài bão mà chồng mình ôm ấp, đó là cố gắng gầy dựng một sân khấu cải lương đúng chất để đón chào những tâm hồn đồng điệu và chia sẻ niềm hạnh phúc khi sân khấu được sáng đèn. Nói về dự án đưa vở Tiểu anh hùng Nam Quốc sang Campuchia biểu diễn mỗi tháng một suất, Linh Huyền cho biết chị đã triển khai việc làm hộ chiếu cho tất cả công nhân hậu đài, chuyên viên âm thanh, ánh sáng, ban nhạc cổ và diễn viên để cố gắng đưa nhiều vở diễn sang phục vụ bà con kiều bào ở nước bạn. Dù chỉ là những dự án nhỏ trong kế hoạch gầy dựng Sân khấu Kim Châu nhưng NS Linh Huyền đã từng bước khẳng định vị thế để có thể đại diện cho những NS trẻ hết mình với niềm đam mê sân khấu dân tộc.
Yêu sân khấu từ năm 11 tuổi NS Linh Huyền từng là học trò của nhạc sĩ Út Trong (thầy của các thế hệ tài danh như: Cố NSƯT Thanh Nga, NSƯT Bảo Quốc, NS Tài Linh…). Chị học ca cải lương từ năm mới 11 tuổi, được thầy khen ngợi vì sáng dạ và thông minh. Chị học rất nhanh những bài bản, còn giúp thầy chép bài ca cho các bạn cùng học nên chỉ sau một năm, Linh Huyền rành bài bản đến nỗi chỉ nghe rao một đoạn đã biết tên bài bản và lời ca nằm trong vở cải lương nào. Năm 1989, Linh Huyền đoạt HCB tại cuộc thi Giọng ca cải lương toàn quốc tổ chức tại TPHCM và đó là cái cớ để chị từ bỏ ngành nữ công của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM để quyết chí theo nghệ thuật. Biết được Linh Huyền có ý hướng theo nghề, nhà giáo ưu tú Diệu Đức đã “đặc cách” chị vào học tại Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM) dù chị chưa đủ tuổi. Khi đó, với nỗ lực phấn đấu không ngừng, Linh Huyền liên tục đạt thành tích cao trong học tập. Ngoài việc tham gia biểu diễn, NS Linh Huyền liên tục cho ra mắt những kịch bản cải lương và hài kịch… Bước tiến của Linh Huyền liên tục được đánh dấu bằng những giải thưởng như: Giải A Liên hoan Tiếng hát Dân tộc và hát ru TPHCM (năm 1989); Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp ĐBSCL (1993); HCB Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1995); HCV kịch bản Sương Nguyệt Anh Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc (2008)... |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)