"Tử thần” rình rập những chuyến đò ngang

28/05/2011 01:24 GMT+7

Trên các chuyến đò ngang tại Bình Dương, Đồng Nai là những hiểm họa chực chờ.

Hiểm họa lơ lửng trên tàu

Sáng 26.5, chúng tôi có mặt tại các bến đò An Sơn (TX Thuận An) và bến đò Phú Cường (TX Thủ Dầu Một), cách không xa địa điểm xảy ra vụ chìm tàu Dìn Ký làm 16 người chết. Đây là 2 bến đò hoạt động tấp nập cả ngày lẫn đêm đưa khách qua lại giữa Bình Dương và Củ Chi (TP.HCM).

 

 Hành khách qua sông không mặc áo phao tại bến đò Phú Cường (Bình Dương) - Ảnh: Tuy Phong

Bước lên đò qua bên bờ Củ Chi, chúng tôi không được hướng dẫn phải đứng ở đâu cho an toàn ngoài tiếng quát của người lái đò: “Đứng gọn vào trong”. Trên con đò, 2 bên thành được treo khoảng gần 10 áo phao và 2 chiếc phao cứu hộ nhỏ nhắn. Không một hành khách nào mặc áo phao, còn lái đò cũng chẳng cần nhắc nhở. Chúng tôi liên tưởng nếu khi xảy ra sự cố, nhiều khả năng xảy ra trước tiên là việc hành khách sẽ tranh giành áo phao vì trên mỗi chiếc đò có từ 30 đến 40 người. Thậm chí như chiếc đò mang số hiệu SG-0883 tại bến Phú Cường có gần 20 người (tải trọng của đò là 30 người) nhưng chỉ thấy có 3 phao cứu hộ nhỏ và 2 áo phao. Tại một số bến đò ngang chở khách qua sông Đồng Nai (giữa Bình Dương và Đồng Nai) trên địa bàn xã Thạnh Phước và thị trấn Thái Hòa (huyện Tân Uyên), tình trạng áo phao để trên khoang cũng chỉ mang tính đối phó vì số lượng chẳng thấm vào đâu so với số hành khách trên tàu.

6/7 bến tàu du lịch không phép

Về các bến khách du lịch, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 7 bến hoạt động. Qua kiểm tra, Thanh tra giao thông Đồng Nai phát hiện chỉ có bến tàu  Công ty xăng dầu Tín Nghĩa có đủ điều kiện hoạt động (có giấy phép mở bến, đăng kiểm, có bảo hiểm trách nhiệm dân sự và trang thiết bị cứu sinh), 6 bến còn lại đã hết hạn giấy phép và hoạt động không phép. Ông Dương Mạnh Hưng, Chánh thanh tra Sở GTVT cho biết: "Qua kiểm tra, chúng tôi còn phát hiện các bến này có 6 phương tiện gắn động cơ vận chuyển khách du lịch nhưng không có đăng kiểm, không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự và phương tiện không phép. Nhiều tàu có khả năng vận chuyển từ 20-40 khách nhưng hoạt động không phép, rất nguy hiểm. Hiện chúng tôi đã quyết định đình chỉ 4 bến hoạt động du lịch nhưng không có giấy phép gồm: bến Bằng Lăng Tím, bến du lịch Bò cạp vàng, bến Hương Đồng, bến Đảo dừa lửa - H.Nhơn Trạch".

Kim Cương

Ngày 27.5, PV có mặt tại bến đò Bửu Long (thuộc P.Bửu Long, TP Biên Hòa, Đồng Nai), trong vai khách qua đò, chúng tôi chạy thẳng xe máy lên con đò số hiệu ĐN 08... Tới giờ xuất bến, con đò già nua tròng trành chao đảo. Dường như tải trọng trên đò đã vượt quá sức chịu đựng của nó. Ông chủ đò hầu như chỉ quan tâm đến việc thu tiền và lái con đò cho mau qua sông để kịp đón chuyến mới chứ không hề hướng dẫn hành khách phải mặc áo phao. Quan sát trên 10 chuyến đò, nhưng chúng tôi không hề thấy bất kỳ người nào mặc áo phao. Nhiều người đi xe gắn máy, chở hàng đầy vun, chạy thẳng xe lên đò và ngồi trên xe cho đến khi đò cập bến mà không thấy ai nhắc nhở.

Còn nhiều bến đò "lậu"

Theo báo cáo của Thanh tra Sở GTVT Đồng Nai, toàn tỉnh có 52 bến khách ngang sông, trong đó chỉ có 31 bến được cấp phép, còn lại đều là bến lậu.

Một cán bộ Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho biết: "Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nhiều chủ bến đò, chủ đò có trình độ văn hóa thấp, không đủ các điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động. Song do nhu cầu đi lại qua sông của người dân địa phương, nên các đò ngang dù vi phạm vẫn hoạt động hằng ngày… trong đó có nhiều bến lòng sông rộng, nguy hiểm nên tai họa có thể ập đến bất kỳ lúc nào".

Còn tại Bình Dương, sau một tuần xảy ra vụ chìm tàu Dìn Ký, UBND tỉnh đã có chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra các phương tiện đường thủy chở khách và các bến thủy nội địa. Theo nhận định của UBND tỉnh Bình Dương, trên địa bàn vẫn còn tình trạng người điều khiển phương tiện đường thủy không có bằng lái, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm kỹ thuật. Hành khách đi trên tàu không được trang bị áo phao… đây chính là những nguyên nhân dễ dẫn đến tai nạn. UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng như Thanh tra giao thông, CSGT đường thủy và các huyện thị tăng cường kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh, đề phòng những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 26.5, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã triển khai việc kiểm tra. Qua đó, cơ quan chức năng chủ yếu nhắc nhở các chủ đò mua sắm theo áo phao, phao cứu hộ...

Tổng cục Du lịch đề nghị chấn chỉnh hoạt động du lịch đường thủy

Ngày 26.5, Tổng cục Du lịch có công văn đề nghị các sở VH-TT-DL chủ động phối hợp với các ban, ngành kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh du lịch trên sông nước, đặc biệt là các phương tiện thủy có dịch vụ lưu trú, nhà hàng; đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế; tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách. Trước mắt, các sở thống kê danh sách và tình hình các phương tiện thủy tham gia hoạt động du lịch tại địa phương; tập hợp đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh này; gửi báo cáo về Tổng cục Du lịch trước ngày 10.6. Được biết, sắp tới, Bộ VH-TT-DL sẽ làm việc với các bộ, ngành hữu quan, đề xuất giải pháp quản lý hoạt động du lịch đường thủy.

* Theo tin từ Văn phòng UBND TP.HCM ngày 27.5, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân vừa yêu cầu Giám đốc Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, Ban An toàn giao thông TP, Công an TP, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch và UBND các quận, huyện có đường thủy nội địa, trong tháng 6.2011 xây dựng kế hoạch và tổ chức tổng kiểm tra toàn bộ các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, các loại phương tiện thủy đang hoạt động, các thuyền trưởng, tài công đang hành nghề...

Thiện Nhân - Minh Nam

Yêu cầu tháo dỡ bến tàu "lậu" của Dìn Ký

Sáng 27.5, Khu du lịch xanh Dìn Ký (xã Bình Nhâm, TX Thuận An, Bình Dương) đã tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn chìm tàu ngày 20.5 vừa qua. Trong khi đó, việc khám nghiệm con tàu BD 0394 vẫn chưa thực hiện được do chưa bịt được lỗ thủng.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã có chỉ thị yêu cầu Khu du lịch Dìn Ký tháo dỡ toàn bộ hệ thống tàu nhà hàng nổi cơi nới ở trên sông Sài Gòn nếu không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Ông  Châu Hoàn Tâm, Giám đốc Khu du lịch xanh Dìn Ký cho biết, dự kiến, hôm nay (28.5) đại diện Khu du lịch Dìn Ký và gia đình của tài công Lê Văn Đức, quản lý du thuyền Lao Văn Quang sẽ ra Nghệ An để gặp gỡ gia đình các nạn nhân. Riêng đối với thi thể của 4 nạn nhân người Trung Quốc hiện vẫn đang được bảo quản tại nhà xác của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Phía Dìn Ký và người nhà của nạn nhân đang bàn bạc thông qua lãnh sự quán của 2 nước nhằm thống nhất phương án đưa xác nạn nhân về nước hoặc hỏa táng.

Tuy Phong

Kim Cương - Tuy Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.