Trận mưa lớn vào tối 20.5 vừa qua (lượng mưa đo được tại trạm Mạc Đĩnh Chi, Q.1 là 40,5mm), trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh từ cầu Thị Nghè đến ngã tư Hàng Xanh có 2 đoạn bị ngập nước lênh láng. Trước đây, khi chưa đào đường để lắp đặt cống hộp của dự án Vệ sinh môi trường nước (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - DA VSMTN, nơi đây là một trong những điểm ngập do mưa và triều cường. Nhưng giờ ở phía dưới mặt đường đã có cống hộp có khẩu độ lớn, nhưng ngập vẫn hoàn ngập. Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm chống ngập) lý giải, do đoạn cống trên đoạn đường này còn khoảng 10m ở phía cửa xả khu vực đầu cầu Thị Nghè vẫn chưa thi công xong, nên vẫn còn ngập.
Trung tâm chống ngập đã phối hợp với thanh tra chuyên ngành lập biên bản sai phạm nhiều trường hợp với chủ đầu tư, gia hạn thời gian xử lý xâm hại đến hệ thống thoát nước. Việc khắc phục các điểm bị xâm hại đang được các chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện. |
Trước đó, TP đã có một trận mưa rất lớn trên diện rộng, xảy ra vào đêm 18 đến sáng 19.4 (lượng mưa 110mm) vượt tần suất thiết kế của các tuyến cống hiện nay. Theo Trung tâm chống ngập, sau trận mưa đêm 18.4, đã có 41 tuyến đường bị ngập, các điểm ngập tập trung nhiều nhất khu vực Q.Tân Phú. Đa số các điểm ngập nằm trong khu vực đang thi công DA như DA Nâng cấp đô thị, DA VSMTN... Ngoài ra còn có một số điểm ngập trên các tuyến đường bị trũng cục bộ, tiết diện cống không đảm bảo thoát nước khi gặp những cơn mưa có cường độ lớn.
Theo Trung tâm chống ngập, ngoài yếu tố mưa lớn vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước, còn có nguyên nhân do tình trạng thi công các DA thoát nước lớn đã chặn dòng chảy của một số tuyến thoát nước, bơm bùn đất vào hệ thống thoát nước gây ngập trong khu vực DA và lân cận. Như trường hợp đơn vị thi công làm sụp cống vòm và thay thế bằng tuyến cống D600 làm giảm tiết diện dòng chảy, gây ngập cho khu vực giao lộ Hai Bà Trưng - Trần Quốc Toản (Q.3). Hay trường hợp thi công đấu nối tuyến D1.000 trên đường Điện Biên Phủ (Q.3) xuyên qua lòng cống vòm hiện hữu gây giảm tiết diện thoát nước của tuyến cống vòm. Trên đường Nguyễn Hữu Cảnh tại khu vực cầu Thủ Thiêm (Q.Bình Thạnh), sau khi thi công xong công trình, rất nhiều bùn đất trong lòng cống hộp đã làm cản trở dòng chảy, gây ngập nặng khi có mưa. Nhiều trường hợp đơn vị thi công đã cắt đứt các tuyến cống băng, bơm bùn đất xuống cống gây ngập nghẹt...
|
Không để phát sinh điểm ngập mới
TP.HCM vừa xây dựng một kế hoạch chống ngập cho giai đoạn mới từ năm 2011 - 2015, với mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm TP, đồng thời không để phát sinh điểm ngập mới trên 5 vùng còn lại. Trong đó khu vực trung tâm TP có DA VSMTN; DA cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - kênh Đôi - kênh Tẻ và DA cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm. Các quận vùng ven có DA tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; DA hệ thống tiêu thoát nước Suối Nhum và cải tạo kênh Ba Bò và DA đê bao bờ hữu sông Sài Gòn từ Vàm Thuật (Q.12) đến tỉnh lộ 8 (H.Củ Chi) và bờ tả sông Sài Gòn (từ cầu Bình Phước đến rạch Cầu Ngang, Q.Thủ Đức). TP cũng có kế hoạch xây dựng hệ thống đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật - Q.Bình Thạnh đến Kinh Lộ - H.Nhà Bè và từ tỉnh lộ 8 đến Bến Súc, H.Củ Chi); bờ tả sông Sài Gòn (từ rạch Cầu Ngang - Q.Thủ Đức tới khu Thủ Thiêm - Q.2); xây dựng 7 cống kiểm soát triều quy mô lớn cùng các cống kiểm soát triều quy mô vừa và nhỏ; hệ thống thoát nước, thu gom nước thải cho các nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, Nam Tham Lương, Tây Sài Gòn, suối Nhum và lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khu đô thị mới Thủ Thiêm - Q.2.
Dù đầu tư quyết liệt như vậy, nhưng hy vọng TP.HCM sẽ không còn cảnh "đường biến thành sông" chỉ có thể thành hiện thực sớm nhất là sau 5 năm nữa.
Mai Vọng
Bình luận (0)