Con số cắt giảm chưa cụ thể
So với chỉ đạo của Chính phủ (CP) tại Nghị quyết 11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phải hoàn thành cắt giảm ĐTC trong tháng 4 và báo cáo CP. Tuy nhiên cho tới nay, Bộ này mới chỉ công bố được con số cắt giảm chưa đầy đủ khoảng gần 97.000 tỉ đồng, bằng khoảng 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011. Trong đó, 50.000 tỉ đồng nhờ thực hiện các giải pháp: không kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch 2011, không ứng trước vốn kế hoạch 2012, giảm 32% vốn trái phiếu CP, giảm 10% tín dụng đầu tư của nhà nước. Số vốn cắt giảm do thực hiện các giải pháp quy định tại Nghị quyết số 11 là 46.888,3 tỉ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước 5.128 tỉ đồng, vốn trái phiếu CP là 2.547,5 tỉ đồng; vốn đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 39.212,2 tỉ đồng.
|
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, tại phiên họp thường kỳ CP tháng 4, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc có báo cáo con số này là 97.000 tỉ đồng, nhưng thông tin gần đây cho rằng, những con số này còn mơ hồ, chưa có danh mục và địa chỉ cụ thể, đặc biệt là số vốn 39.212,2 tỉ đồng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. “Đầu tư công là gốc rễ của lạm phát. Nói cắt giảm 10.000 tỉ không chỉ là 10.000 tỉ mà nó còn tác động mạnh tới giảm tổng cầu. Tôi cũng đề nghị Thủ tướng cần công bố rõ ràng về tổng nguồn vốn, các dự án cắt giảm đầu tư” - ông Giàu nói.
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm, cũng cho rằng việc thắt chặt tiền tệ để tác động mạnh tới việc giảm tổng cầu, có tác dụng kiềm chế lạm phát trong thời gian qua. Nhưng sự đơn độc của chính sách, sự thiếu đồng bộ với các giải pháp khác như hạn chế nhập siêu (bằng chứng nhập siêu 5 tháng đạt 6,6 tỉ USD chiếm hơn 19% kim ngạch xuất khẩu), cùng với sự chậm chạp, mù mờ trong việc cắt giảm ĐTC khiến Nghị quyết 11 của CP chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Làm rõ cơ cấu cắt giảm
Nhìn vào con số cắt giảm ĐTC gần 97.000 tỉ đồng, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN cho rằng, nó có tác động nhất định tới việc giảm tổng cầu, kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả như thế nào cần bóc tách được từng nguồn vốn trong đó. "Tiền nào khi cắt đều có tác động trực tiếp hay về mặt lâu dài, giảm lượng cung vốn ra ngoài xã hội. Nhưng bằng tiền mặt trực tiếp thì rút được lượng cung vốn trong nền kinh tế rất nhanh, còn trái phiếu thì lâu hơn” - ông Thiên nói. Ông Thiên đề xuất thêm việc cắt giảm cần tập trung vào những nguồn vốn đầu tư thực tế trong 2011, chứ không phải vốn kế hoạch, vốn trên giấy.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, cần phải làm rõ hơn con số cắt giảm đầu tư 39.212,2 tỉ đồng của các tập đoàn. Theo báo cáo, con số này chiếm 10% tổng vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty trong năm 2011 (tương đương hơn 390.000 tỉ đồng), chiếm tới 17,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vì vậy, nếu nguồn vốn trên là đầu tư thực tế trong năm 2011 thì hiệu quả rất cao, nhưng nếu là kế hoạch của cả các năm sau đó thì lượng vốn cắt giảm như vậy còn rất khiêm tốn.
Con số cuối cùng từ cắt giảm ĐTC sau khi rà soát tất cả các tập đoàn, tổng công ty và địa phương vẫn đang chờ báo cáo của Bộ KH-ĐT, nhưng theo các chuyên gia, ngoài việc công bố con số, Bộ KH -ĐT cần công bố danh sách, địa chỉ cụ thể, có đánh giá tác động tới chống lạm phát. Bên cạnh đó, phải nghiêm túc và minh bạch thông tin cắt giảm. Nhiều bộ, ngành và địa phương chưa thực hiện quyết liệt việc cắt giảm, điều chuyển vốn các dự án khởi công mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước cần phải có chế tài và thu hồi nguồn vốn sử dụng không đúng mục đích, chậm thực hiện cắt giảm và điều chỉnh về ngân sách T.Ư.
Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH-ĐT): Tổng vốn cắt giảm đầu tư công xấp xỉ 80.000 tỉ đồng “Chúng tôi báo cáo với CP vào cuối tháng 4 đã cắt giảm được 97.000 tỉ đồng nhưng sau đó Bộ Tài chính đề nghị xem lại khoản chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Cụ thể, kế hoạch của năm 2011 (chi 152.000 tỉ đồng) thấp hơn 18.000 tỉ đồng so với thực hiện của năm 2010 (170.000 tỉ đồng) nên Bộ Tài chính cho rằng, nếu kế hoạch của năm nay so với thực hiện của năm trước thì có thể không chính xác, vì trong thực tế khi thực hiện có thể tăng hoặc giảm. Sau đó, hai bộ đã ngồi lại với nhau và thống nhất tạm thời chưa tính khoản đó, thì tổng vốn giảm 18.000 tỉ đồng. Ngoài ra, báo cáo của các bộ ngành, địa phương có thể xê dịch một chút, ví dụ trước giãn hoãn 10 công trình, tính đi tính lại nơi xuống 9 hoặc nơi lên 11, tổng vốn đầu tư đã cắt giảm xấp xỉ 80.000 tỉ đồng. Riêng với vốn trên 39.000 tỉ đồng của 22 tập đoàn, tổng công ty là tất cả các nguồn vốn vay, huy động, đầu tư chứ không phải toàn bộ là của nhà nước. Hiện tại, mới chỉ là thống kê thô theo kiểu cứ có tên của tập đoàn là cộng lại. Chúng tôi đề nghị CP hết tháng 6.2011, nơi nào chưa thực hiện xong cắt giảm, rà soát sẽ thu hồi về ngân sách T.Ư.” |
Anh Vũ
Bình luận (0)