Có hàng trăm… đứa con
Nghệ nhân Tăng Phát Vinh (Ba Vinh) là con người thâm trầm, yêu đờn ca tài tử “hơn cả máu thịt mình”. Là một bậc thầy của đờn ca tài tử Nam Bộ, giá trị mô phạm, giá trị lưu giữ của ông đáng cho nhiều lớp nghệ sĩ, nghệ nhân của bộ môn nghệ thuật này ngưỡng mộ. Dạy hàng trăm học trò, góp mặt nhiều vào phong trào văn nghệ địa phương, nhưng ông tự hào vì chưa từng lấy một đồng từ công sức của mình cho đờn ca tài tử. Bởi với ông, đó là tình yêu. Mà yêu thì không vụ lợi.
Ông dạy học trò không lấy tiền. Người nào gặp khó khăn, ông còn xin tiền vợ để cho. Vì vậy, học trò chẳng ai gọi ông bằng thầy, mà gọi bằng “ba”, xưng “con”. Không chỉ giới nghệ sỹ, nghệ nhân mà rất nhiều người cũng gọi ông như thế. Căn nhà ấm cúng nằm ở ngoại vi thành phố là chốn họ lui tới mỗi khi nhớ ông, khi muốn đắm mình trong tiếng tơ bổng trầm, hay những khi mỏi gối chồn chân… Ông niềm ở giang rộng đôi tay như một người cha độ lượng.
|
Ông có trên trăm người con người con như thế. Dù họ thành công hay thất bại, ở vị trí nào thì ông cũng cư xử như nhau, miễn họ còn nhớ ông và còn yêu… đờn ca tài tử.
Quyển sách 70 năm
Ông BaVinh tâm sự rằng bây giờ ông đã cảm thấy yên tâm vì đã làm nhiều thứ cho đờn ca tài tử, nhất là tìm được người kế thừa. Bao nhiêu năm ông cần mẫn cũng vì bấy nhiêu đó. Dạy học trò biết đờn, biết hát, ông lại sợ họ đánh rơi những điều mình dạy trong cuộc sống bộn bề. Lại sợ bộ môn này ngày càng “bác học hóa”, trở nên khó chơi, khó giữ với người trẻ. Gần 5 năm trước, ông đã tỉ mẫn ngồi ghi lại tất cả những bài bản của đờn ca tài tử mà mình lưu giữ trong hơn 70 năm, với một ý nghĩ “để con cháu quên thì lật ra coi”.
|
Trong quyển sách mà ông gọi là “chiếc la bàn” của người chơi đờn ca tài tử này, chứa cả trăm bài cổ kim mà người quan tâm bộ môn nghệ thuật này khó lòng có được hết trong tay. Nó gồm 20 bản tổ, 7 bản oán biến thể, 8 bản ngự và các bản ông sưu tầm từ các bậc nghệ nhân tiền bối, bạn bè và hàng chục bản do chính ông sáng tác, sắp xếp, bố cục lại. Đặc biệt trong số này, có những bản đã còn rất ít người biết đến. Có những đoạn như “Sự tích bản Nam ai” được ông chép lại từ năm 1942 mà tới nay dường như chưa nghe ai nhắc tới, kể cả trong giới nghiên cứu bộ môn này.
Ông cho tôi xem những bản cổ được ông chép trên giấy đen từ 70 năm trước. Mỗi tờ giấy rời sau khi ghi kín chữ, ông lại cẩn thận lồng vào túi ni- lông để lưu giữ được lâu hơn. Thời loạn lạc, khi thoát ly gia đình đi kháng chiến, những gì ông mang theo là những bản viết tay này. Rồi mấy bận nhà bị trúng bom cháy hết tài sản, thứ ông còn giữ được cũng là những trang tư liệu đờn ca tài tử. Ông kể, mỗi lần đi đám, nghe có người hát bản hay là ông lân la tới làm quen, xin địa chỉ để lần sau tìm tới chép. Một lần nghe ông Ba Chột chơi bản “Liêu giang” hay quá, ông phải đổ đường từ Cà Mau lên tận Bạc Liêu để tìm người nghệ nhân tài ba này để xin chép lại. Ông sợ những gì làm được của người trước bị những người sau truyền miệng làm cho “tam sao thất bổn”, sẽ phí tâm huyết của tiền nhân. Thế nên có ai cần tìm bản nào, ông lại tỉ mẫn chép ra cho họ. Rồi ông lại sợ lớp thanh niên bây giờ “làm biếng học”, họ học chỉ để ca lớp, ca lang theo sân khấu cải lương, không giữ được bài bản. Ông nói: “Tụi nhỏ bây giờ biểu ca 2 bản Lưu thủy trường, Lưu Thúy Kiều thường không ca nổi”. Bởi vậy nên ông cất công chép hết, cả cũ lẫn mới, cả những bản hiếm đến những bản phổ biến, số sách ghi chép trong mấy mươi năm lên đến hàng chục tập. Đến khi nghĩ mình không còn nhiều thời gian, ông đã tập hợp chúng lại thành 1 quyển mà ông cho là đã hoàn chỉnh.
Trong cuộc sưu tầm, tập hợp các tư liệu về đờn ca tài tử để trình UNESCO xem xét công nhận di sản văn hóa thế giới, những người làm nghệ thuật đã không khỏi xúc động, ngạc nhiên và thán phục khi ông đã đưa tập sách viết tay này với ước muốn giúp ít nhiều cho đờn ca tài tử. Nghệ sĩ Huỳnh Khánh, Liên chi hội trưởng Chi hội sân khấu ĐBSCL, nhận định: “Bác Tăng Phát Vinh có công rất lớn trong cuộc sưu tầm tập hợp những bài bản đờn ca tài tử Nam bộ. Ngoài việc lưu giữ nghệ thuật truyền thống cho Cà Mau thì những tư liệu này rất có ích cho việc hoàn thành hồ sơ theo yêu cầu của Bộ VH- TT&DL, đề nghị UNESCO công nhận đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Tiến Trình
Bình luận (0)