Trưởng thôn Đinh Minh Sòng cho biết: “Bình Minh hiện có 130 hộ, gần 600 nhân khẩu. 15 năm qua, thôn gần như chưa được đầu tư gì về hạ tầng. Hiện mới có khoảng 60 hộ dân có điện sinh hoạt do tự góp tiền kéo nhờ điện từ xã Phú Xuân cách đó hơn 4 km. Mỗi hộ phải tốn hơn 4 triệu đồng để làm đường dây nhưng điện vẫn chập chờn do dây tải quá dài, lại không bảo đảm kỹ thuật. Hơn một nửa số hộ còn lại phải thắp đèn dầu”.
|
Ông Sòng còn cho biết lâu nay trên địa bàn thôn Bình Minh không có trường lớp nên lứa tuổi mẫu giáo không được đi học, còn học sinh tiểu học và THCS thì phải đi học ké ở trường của xã Phú Xuân. Vào mùa mưa, đường đến trường phải qua một đập tràn và cầu tạm bắc qua một con suối. Mỗi khi lũ lớn, nước dâng cao chia cắt đường sá khiến học sinh phải nghỉ học. Đã có người đánh liều băng qua đập tràn khi lũ về, bị nước cuốn.
Đường từ thôn đến khu vực đất sản xuất của người dân cũng gian nan không kém, người dân trong thôn phải lần qua chiếc cầu khỉ lát bằng tre nứa, buộc dây thép đã gỉ sét. Gặp chúng tôi giữa trưa khi qua khỏi chiếc cầu chòng chành, chị Đinh Thị Nguyệt thở dài: “Mỗi lần qua cầu là hồi hộp phát run, mùa lũ càng lo sợ”.
Ông Đinh Trọng Phú - 78 tuổi, hơn 20 năm định cư ở thôn Bình Minh - cho biết người dân trong thôn đã nhiều lần kiến nghị thị trấn và huyện Krông Năng đầu tư các công trình phục vụ dân sinh nhưng chỉ nghe hứa hẹn mà vẫn chưa có kết quả đáng kể.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đinh Văn Kiêm, Chủ tịch UBND thị trấn Krông Năng, phân trần: “Vẫn biết Bình Minh là địa bàn dân cư khó khăn nhưng với nguồn lực và ngân sách có hạn của thị trấn, chúng tôi phải chờ sự quan tâm của cấp trên”.
Trung Chuyên
Bình luận (0)